Ngày 17/7/1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập Khu Tây Bắc, gồm 4 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái với tổng diện tích 44.300 km2, dân số 440.000 người. Đây là vùng rừng núi trùng điệp, có vị trí chiến lược quan trọng đối với cách mạng ở Đông Dương. Đến tháng 9/1952, dựa vào so sánh thế lực giữa ta và địch trên chiến trường, căn cứ vào đề nghị của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tham mưu, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm mục đích: "Tiêu diệt sinh lực địch - tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc - giải phóng một bộ phận đất đai ở Tây Bắc” và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh Chiến dịch. Phương châm hoạt động của ta "về chiến dịch là đánh dài ngày, đánh liên tục, tiến từng bước chắc, đồng thời sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng.
Về chiến thuật là vây điểm, diệt viện; diệt viện, phá điểm”. Về kế hoạch chiến dịch, quân đội ta dự kiến chia làm 3 đợt: đợt 1, tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ và tiểu khu Phù Yên, đồng thời cho 1 bộ phận chủ lực thâm nhập vùng Quỳnh Nhai, phối hợp với bộ đội địa phương kiềm chế địch; đợt 2, nhanh chóng đánh Sơn La, kết hợp với việc cắt đường số 41 và hoạt động ở vùng sau lưng địch để cô lập Sơn La; đợt 3, tiến công Sơn La. Sở chỉ huy chiến dịch khi bộ đội tập kết và triển khai lực lượng, đặt tại Mậu A, khi nổ súng, đặt tại Khe Lóng trên đường 13, gần Ca Vịnh.
Đến cuối tháng 9, đầu tháng 10/1952, các đơn vị từ địa điểm tạm đứng chân đã tiến vào vị trí tập kết. Lúc này, dòng sông Hồng cắt ngang là trở ngại lớn nhất cho các đơn vị trên đường tiến công vào mặt trận Tây Bắc.
Tại tỉnh Yên Bái có 4 địa điểm vượt sông bên tả ngạn từ thị xã Yên Bái lên tới Trái Hút là Âu Lâu, Lan Đình, Mậu A, Nước Nóng. Trong đó, Đại đoàn 308 vượt sông Hồng qua bến Mậu A theo đường Đại Bục, Khau Vác vào Pú Chạng - Nghĩa Lộ; Trung đoàn 36, Trung đoàn 174 vượt sông ở bến Âu Lâu, qua đèo Bụt, Ca Vịnh, đèo Hồng tiến vào Cửa Nhì; Đại đoàn 312 vượt sông ở bến Nước Nóng theo đường Thụy Cuông, Nậm Bằng vào Gia Hội; Trung đoàn 141 vượt sông ở bến Lan Đình qua Y Can, Khe Lóng vào Sài Lương.
Trước yêu cầu cấp thiết của chiến dịch, tại các bến sông, ngành giao thông vận tải đã thành lập Ban Chỉ huy vượt sông đồng thời chỉ đạo cán bộ, công nhân làm cầu đường dùng vật liệu tại chỗ, đồng thời phối hợp với nhân dân các xã ven bến dùng tre, nứa, lá cọ dựng lán trại cho các đơn vị tập kết chuẩn bị vượt sông; phối hợp, tạo điều kiện cho bộ đội công binh lắp cầu phao, đóng thuyền, bè, mảng, dẫn đường cho bộ đội chủ lực, vận chuyển vũ khí, đạn dược qua sông an toàn, đúng kế hoạch. Bến Âu Lâu là điểm vượt sông của các đơn vị pháo hạng nặng.
Để bảo đảm bí mật, nhanh chóng, pháo được tháo rời từng bộ phận để tiện cho các nhóm từ 2 - 4 người vận chuyển. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, máy bay Pháp liên tục bắn phá các hạng mục, công trình cầu, đường nhưng các đơn vị đảm bảo giao thông vẫn bám trụ ngày đêm để sửa chữa cầu, đường.
Chỉ trong vòng 4 ngày đầu của chiến dịch, một vùng rộng lớn bên tả ngạn sông Đà gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên đã được giải phóng. Nhân dân các xã vừa mới được giải phóng đã vận động được 1.000 lượt dân công đi một tháng, 2.312 lượt dân công đi 7 ngày, huy động được 250 tấn gạo và vận chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, vũ khí cho bộ đội trong đợt 2 của Chiến dịch Tây Bắc.
Với yêu cầu phục vụ chiến dịch vừa khẩn trương, kịp thời, vừa an toàn, bí mật, các lực lượng giao thông vận tải ngày đêm liên tục phục vụ chiến dịch, không quản gian nguy. Thời gian dành cho nghỉ ngơi của họ lúc này gần như không có. Bữa ăn hầu hết là cơm muối với măng hoặc rau rừng.
Trong mưa phùn, gió bấc và bom đạn của máy bay địch liên tục bắn phá, ngành giao thông vận tải đã cùng với lực lượng dân công, các đơn vị bộ đội khắc phục khó khăn, băng suối, vượt đèo, mưa rét và bom đạn của địch vận chuyển hàng vạn tấn đạn dược, lương thực, thực phẩm vào mặt trận. Riêng khối lượng vận chuyển qua sông Hồng tới 47.309 tấn.
Nhiều cán bộ, đảng viên và dân công đã anh dũng hy sinh trong khi phục vụ chiến dịch. Đó là những đóng góp, hy sinh vô giá, góp phần quan trọng đưa Chiến dịch Tây Bắc đi đến thắng lợi, giải phóng đồng bào Tây Bắc khỏi ách áp bức của giặc, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn - vùng chiến lược quan trọng, tạo đà cho Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hùng Cường