Về "rừng Đại tướng" ở Mường Phăng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2024 | 2:10:52 PM

YênBái - Nằm ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là địa điểm đặt cơ quan đầu não của quân đội ta cách đây tròn 70 năm về trước. Sở chỉ huy là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn được làm bằng những vật liệu đơn sơ rất phù hợp với điều kiện tác chiến và làm việc khẩn trương, đồng thời vẫn bảo đảm được tính bí mật và sự an toàn cho Bộ Chỉ huy chiến dịch. Tại đây, bằng tài thao lược quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.


Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 20Km, xã Mường Phăng là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ngày tháng 3 hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vùng căn cứ địa Mường Phăng luôn tấp nập những đoàn người đến thăm.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ những ngày này luôn tập nập nhiều đoàn người đến thăm. 

Con đường phủ một lớp mỏng rêu xanh dưới bóng rừng già chạy ôm quanh đưa du khách tới tận mắt chứng kiến hệ thống lán, trại, hầm hào công sự của Sở Chỉ huy chiến dịch năm xưa. Nơi đây hiện còn lưu giữ được nhiều di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu như lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Trong suốt 105 ngày đêm tại khu rừng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có cuộc đấu trí cam go, quyết liệt với thực dân Pháp, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bà con nơi đây thường gọi một cách trìu mến khu rừng này là "rừng Đại tướng”, gọi vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thuở ấy là "già bản Võ Nguyên Giáp” và căn hầm của Đại tướng là "nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”. Tại đây, du khách còn được tham quan trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến - nơi giao ban hàng ngày của Bộ Chỉ huy, hội trường - nơi diễn ra các hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập, bếp Hoàng Cầm...  


Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đặc biệt, đây là đoạn đường hầm xuyên núi dài 96m, nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái được quét dọn sạch sẽ, hệ thống bóng điện được lắp đặt, thắp sáng. Tất cả  các công trình được chỉnh trang, tu sửa gọn gàng, sạch đẹp, giữ gìn qua năm tháng. 

Những ngày tháng 4 lịch sử, "Rừng đại tướng" ở Mường Phăng tấp nập những đoàn khách phương xa về thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; trong đó có những cựu chiến sĩ Điện Biên, cả những cựu chiến binh chống Mỹ, thế hệ trẻ hay cả những người con của liệt sĩ đã hi sinh trong Chiến dịch năm xưa.

Để phục vụ khách tham quan, đặc biệt trong thời gian cao điểm đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổ quản lý Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã tăng ca, trưng tập, đào tạo thêm đội ngũ hướng dẫn viên, đồng thời tạo cảnh quan sạch đẹp trong khuôn viên Di tích.

70 năm trôi qua, Mường Phăng đã có nhiều thay đổi. Đời sống của đồng bào Mường Phăng ngày một đi lên. Tuyến đường vào xã nay được đầu tư, nhựa hóa, thuận lợi đón nhân dân và du khách. "Địa chỉ đỏ" Mường Phăng là điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình của mỗi du khách khi đến Điện Biên. Còn đồng bào Mường Phăng tự hào về bản làng của mình là địa danh đã đi vào lịch sử và cũng không bao giờ quên Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nặng lòng với Mường Phăng và tin rằng Người vẫn luôn dõi theo họ trong mỗi bước đường xây dựng quê hương.

 
Thu Trang – Hoài Văn

Tags rừng Đại tướng Mường Phăng Điện Biên Phủ 70 năm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Các tin khác

Tròn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" 97/5/1954-7/5/2024), đúng sáng nay -7/5, Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra trọng thể với quy mô lớn chưa từng có tại sân vận động tỉnh Điện Biên. Cùng với muôn triệu trái tim người dân Việt Nam, người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều hướng về Điện Biên Phủ để cùng sống lại không khí hào hùng 70 năm trước trong niềm tự hào và xúc động thiêng liêng.

Chiến tranh đã lùi xa, những điểm đỏ hỏa lực ngày nào giờ đây đã cây xanh tỏa bóng, chiến trường khốc liệt thay bằng những bản làng bình yên, trù phú, những khu đô thị khang trang, hiện đại. Những hiện hữu về sự đổi thay nhanh chóng của Điện Biên hôm nay là minh chứng chân thực nhất cho sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần quật khởi vươn lên trong đấu tranh cũng như trong dựng xây trên mảnh đất anh hùng.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024), sáng 7/5, đoàn đại biểu đại diện cho Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh do đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử quốc gia Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái và viếng Nghĩa trang liệt sĩ trung tâm tỉnh.

Đường 13A nối Ba Khe (Văn Chấn, Yên Bái) với đường 41 (ngã ba Cò Nòi, Sơn La) là tuyến giao thông huyết mạch đã đưa hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe đạp thồ chở hàng, vũ khí vận tải phục vụ kịp thời cho chiến dịch Điện Biên Phủ, là biểu tượng của tinh thần anh dũng quật khởi của quân và dân cả nước, trong đó có Yên Bái làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục