Là thế hệ đi sau, tôi chọn cách đến tham quan gian trưng bày những hiện vật và tư liệu lịch sử của quân và dân Yên Bái trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái để được lắng đọng và tự hào trong những ngày tháng lịch sử này!
Nằm ở cửa ngõ của Tây Bắc, Yên Bái có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự. Vì thế, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều đồn bốt như Căng đồn Yên Bái, Đại Bục, Đại Phác, Ca Vịnh, Ba Khe, Nghĩa Lộ…, bố trí nhiều binh lính và trang bị nhiều vũ khí hiện đại. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước dân chủ non trẻ vừa ra đời phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách, liền một lúc chúng ta phải chiến đấu với ba loại giặc, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Yên Bái đã ra sức tăng gia sản xuất, tham gia các lớp bình dân học vụ, quyên góp tiền của cho Nhà nước và dũng cảm, mưu trí chiến đấu với quân thù.
Ngắm nhìn hiện vật tại gian trưng bày, một lá cờ nhỏ đã nhuốm màu thời gian và dòng chữ thêu tay "Sở Bình dân học vụ Liên khu Việt Bắc tặng tỉnh Yên Bái vì đã có thành tích diệt "Giặc dốt” là một minh chứng cụ thể, là niềm tự hào của người dân và ngành giáo dục Yên Bái về tinh thần hiếu học. Hay quyển sổ và giấy chứng nhận của Ban Tổ chức "Tuần lễ vàng” của tổng Giới Phiên ghi nhận những đóng góp của nhân dân cho chính quyền cách mạng; đặc biệt là chum gạo của gia đình ông Nguyễn Văn Mùi, xã Thịnh Hưng, Yên Bình hưởng ứng lời kêu gọi "Hũ gạo kháng chiến” năm 1946 của Hồ Chủ tịch…
Khát vọng hòa bình, độc lập luôn chảy trong huyết quản của nhân dân Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Yên Bái nói riêng, quân và dân Yên Bái, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong các Chiến dịch sông Thao, năm 1949; tiến công mạnh mẽ vào hệ thống phòng thủ của địch bên hữu ngạn sông Hồng, thuộc phân khu Nghĩa Lộ cùng phòng tuyến Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô - Yên Bình; sau 2 đợt, quân ta đã phá tan đồn Đại Bục, Đại Phác, Đồn Gióm, tiêu diệt, bắt giữ nhiều tên địch, thu hồi nhiều vũ khí và mở ra một vùng rộng lớn. Trong Chiến dịch Biên giới năm 1952, quân và dân Yên Bái đã huy động 5.428 nhân công, 730 tấn gạo, 622 con trâu và cùng với bộ đội chủ lực tấn công tiêu diệt địch ở Sài Lương, Ca Vịnh, Ba Khe, Pú Trạng (Nghĩa Lộ đồn), Nghĩa Lộ phố…
Cuối tháng 12/1952, phần lớn Tây Bắc được giải phóng. Thật xúc động và tự hào khi xem những bức ảnh về Đội du kích Hưng Khánh, Cổ Văn, Cao Phạ… những chiến sĩ chân trần, gầy guộc, mang vũ khí thô sơ, chỉ có ánh mắt sáng ngời niềm tin quyết chiến, quyết thắng. Hẳn nhiều người sẽ nghẹn ngào, rơi lệ khi thấy mảnh chăn sui mà anh em du kích Hà Đình Hạp và Hà Văn Hiệp, thành viên Đội du kích xã Hưng Khánh đã đắp chung trong những ngày tham gia bảo vệ làng bản, chiến đấu với giặc Pháp.
Không gian yên tĩnh của Bảo tảng tỉnh bỗng sôi động khi hơn 100 cô, trò và các bậc phụ huynh Trường Mầm non Âu Lâu, thành phố Yên Bái đến tham quan. Gian trưng bày nào cũng thu hút cả cô, trò và các bậc phụ huynh. Nhiều nhóm lớp còn chụp ảnh lưu niệm bên các hiện vật tái hiện nét sinh hoạt và sắc thái văn hóa các dân tộc Yên Bái. Trong đó, gian trưng bày về tỉnh Yên Bái trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đã thu hút sự chăm chú của cô và trò hơn cả. Dễ hiểu thôi, vùng quê Âu Lâu, nơi có bến phà lịch sử đã vận chuyển bộ đội cùng vũ khí, khí tài vượt sông Hồng lên Tây Bắc để giải phóng Điện Biên; người quê Âu Lâu đã dũng cảm chèo đò, hỗ trợ tàu phà, đạp những cơn sóng dữ, đội làn mưa bom đạn của quân thù đưa quân lương, đạn dược sang sông… Ghi nhận những thành tích và chiến công ấy, quân và dân xã Âu Lâu được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang”.
Giọng cô hướng dẫn viên trầm ấm: "Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại tập đoàn cứ điểm hùng mạnh cũng như mưu đồ chiếm đóng, đô hộ của thực dân Pháp cùng với sự can thiệp, hỗ trợ của Mỹ. Từ năm 1952 đến năm 1954, gần 2.700 thanh niên ưu tú của 30 dân tộc anh em trong tỉnh đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích, trong đó có 281 tiểu đoàn bộ đội chủ lực tỉnh, 5 đại đội bộ đội địa phương huyện, 1 trung đội bảo vệ cầu đường, tất cả các xã đều có từ 1 đến 2 trung đội du kích, 1 trung đội dân quân.
Chấp hành Chỉ thị của Trung ương Đảng giao cho Yên Bái đảm bảo giao thông vận tải, phục vụ Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã phát động phong trào thi đua trong toàn dân, mở đường từ chợ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe (huyện Văn Chấn), mở tiếp đường 13A từ Ba Khe nối với đường 41 đi Sơn La dài 188km và từ Ba Khe đi Bản Tủ dài 70km. Chỉ trong khoảng 3 tháng, nhân dân trong tỉnh đã đồng lòng đóng góp hơn 3,6 triệu ngày công phục vụ tiền tuyến.
Ngoài ra, Yên Bái đã cung cấp cho mặt trận 1.840 tấn gạo, 372 con trâu, 429 con lợn và hàng chục tấn rau xanh. Trong thời gian phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, toàn tỉnh có 52 dân công hy sinh và 46 dân công bị thương, hiện tại còn 45 hài cốt liệt sĩ nằm lại Nghĩa trang Điện Biên Phủ…”.
Quê hương, đất nước những năm trường kỳ kháng chiến được tái hiện lại qua những tư liệu lịch sử, những hình ảnh như đồng bào Thái (Văn Chấn) đi dân công phục vụ chiến dịch năm 1953; bộ đội công binh gỡ bom tại đèo Lũng Lô; chiếc cào 4 răng của Đại đội Thanh niên xung phong xã Hưng Khánh hay chiếc cuốc chim của ông Hà Văn Đoạn, sử dụng trong thời gian làm đường 13A; đặc biệt là những chuyến đò vượt sông, chở bộ đội ra mặt trận của người dân xã Âu Lâu đã khiến cho đoàn tham quan nghẹn ngào, rơi nước mắt.
Cô giáo Vũ Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Âu Lâu chia sẻ: "Hôm nay cô, trò trường chúng tôi đã có một trải nghiệm hết sức bổ ích, ý nghĩa. Qua đó mỗi người càng thêm yêu mến quê hương, đất nước mình, đồng thời cũng ý thức phải sống và làm việc có trách nhiệm hơn, xứng đáng hơn với Tổ quốc và sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh đi trước”. Bà Đỗ Thị Tình - một phụ huynh chia sẻ: "Tôi người thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, hôm nay đưa cháu nội đi tham quan Bảo tàng. Qua lời giới thiệu và những hiện vật nơi đây tôi càng hiểu hơn truyền thống anh hùng của của dân tộc, thấy được chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang tới mức nào, càng tự hào hơn khi thấy các cụ, các ông, bà trong làng, trong xã đã góp công lớn vào chiến dịch”.
Nắng đã lên tô thắm thêm cờ, hoa và biểu ngữ chào mừng Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Quê hương Yên Bái dũng cảm, mưu trí trong đấu tranh, góp phần không nhỏ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hôm nay đang đổi mới đi lên theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Lê Phiên