Yên Bái: Chuyện người thương binh hai lần nhập ngũ

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/5/2024 | 7:30:22 AM

YênBái - Những ngày cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chúng tôi vinh dự gặp gỡ và trò chuyện với cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4 Phùng Văn Tiêu ở thôn Lưỡng Sơn, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái - một trong những nhân chứng lịch sử tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Điều đặc biệt ở người thương binh chỉ còn 1 chân là ông đã 2 lần nhập ngũ.

Cựu chiến binh Phùng Văn Tiêu thường xuyên kể chuyện tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cho các thế hệ con cháu.
Cựu chiến binh Phùng Văn Tiêu thường xuyên kể chuyện tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cho các thế hệ con cháu.

Năm nay đã ở tuổi 95, tai đã ù, mắt đã mờ, đi lại khó khăn do bị đạn pháo cắt cụt một bên chân phải nhưng ông Phùng Văn Tiêu vẫn còn minh mẫn, đặc biệt kỷ niệm về những ngày tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong ký ức. 

Trong câu chuyện được biết, ông Phùng Văn Tiêu là người con thứ 5 trong một gia đình có 8 anh em trai, trong đó có đến 6 người đi bộ đội,  người còn lại cũng là công nhân quân giới trong kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Người anh cả của ông Tiêu chính là Thượng tướng Phùng Thế Tài - người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ từ thời tiền khởi nghĩa. Thân phụ của ông là cụ Phùng Văn Dụ, được vinh danh là một trong 9 gia đình có nhiều con đi bộ đội và đã được Hồ Chủ tịch tặng thưởng Huy chương danh dự nền đỏ sao vàng 6 cánh thêu bằng kim tuyến.

Ngược dòng thời gian, từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến, gia đình ông Phùng Văn Tiêu tản cư từ xã Văn Nho, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình lên xã Văn Tiến (nay sáp nhập thành xã Văn Phú, thành phố Yên Bái) khai phá ruộng nương, làm ăn sinh sống. Năm 1947, ông Tiêu tham gia vào đội du kích và tham ra nhiều trận phục kích đánh địch tại khu vực đồn Ca Vịnh, xã Hồng Ca (Trấn Yên), có lần tiểu đội của ông đã tiêu diệt được một số tên địch và bắt sống 5 tù binh. Năm 1949, ông được đơn vị cho giải ngũ do bị sốt rét ác tính. 

Trở về địa phương, ông được giao làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc của xã. Năm 1952, theo lời kêu gọi thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc, ông Tiêu thấy sức khỏe đã ổn định, tiếp tục xung phong đi bộ đội lần hai. Ban đầu, ông được tham gia phục vụ Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng đánh vào tuyến phòng thủ đường 4 và lực lượng chiếm đóng của Pháp ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn nhằm tiêu hao sinh lực, triệt đường tiếp tế của thực dân Pháp. Sau đó, ông được chuyển sang Đại đội 20, Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. 

Cuối năm 1953, ông được tham ra Chiến dịch Điện Biên Phủ và trực tiếp tham gia đánh trận mở màn Chiến dịch, giải phóng cụm cứ điểm Him Lam đêm ngày 13/3/1954. Tiếp đó, đơn vị ông liên tiếp chiến đấu giải phóng hàng loạt cứ điểm trong hệ thống phòng thủ ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tiến hành đào hào công sự đánh chiếm sang phía Mường Thanh. 

Nói về vết thương phải cắt 2/3 đùi bên phải, ông Tiêu kể: "Trong những ngày tích cực chuẩn bị cho tổng công kích, chiều ngày 30/4/1954, địch cố sống, cố chết đưa một đại đội Âu - Phi gồm 3 xe tăng và pháo binh yểm trợ phản kích vào Đại đội 20 của chúng tôi. Nhưng do có sự chuẩn bị phòng thủ chặt và nắm bắt được các điểm yếu, đơn vị tôi đã bẻ gãy mũi phản kích của địch, tiêu diệt 1 xe tăng và hơn 1 trung đội lính Âu - Phi,  sau đó địch phải tháo chạy lui về cố thủ, rồi dùng hỏa lực pháo bắn chùm lên đội hình của ta. Lúc đó, anh Trung là B trưởng đang hô hào anh em vào hầm tránh đạn pháo. Lo người chỉ huy của mình gặp hiểm nguy, tôi đã kéo B trưởng vào hầm trú ẩn của mình để tránh đạn pháo. Khi tôi chưa kịp vào nơi trú ẩn thì một quả đạn cối của địch rơi xuống nổ trong giao thông hào, chỉ cách vị trí của tôi khoảng 5m khiến tôi bị thương nặng ở chân và đùi phải”. 

Bị thương, ông Tiêu được quân y đưa về trạm phẫu thuật và phải cắt 2/3 đùi phải. Sau chiến dịch, ông được xếp thương binh hạng II, mất 78% sức khỏe, sau này ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hang Ba. 

"Trong cuộc chiến này, nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại, nhiều người để lại một phần thân thể nơi mảnh đất Điện Biên. Với tôi, vẫn còn đến ngày hôm nay là một sự may mắn, nên dù đã tuổi cao, sức yếu, song với tinh thần của "Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần của người Chiến sĩ Điện Biên năm xưa, tôi luôn nhắc nhở mình phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của đồng chí đồng đội mình, tiếp tục truyền thụ tinh thần Điện Biên cho các thế hệ đi sau”, ông Tiêu xúc động chia sẻ.

Trở về địa phương, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Tiêu lắp chân giả, chống nạng đi dạy bổ túc văn hóa cho hàng chục cán bộ ở xã, thôn. Sau đó, ông làm kế toán, Chủ nhiệm Quỹ tín dụng, Trưởng ban Thông tin xã; năm 1960 ông được giao đảm nhiệm chức Đội trưởng Đội sản xuất Hợp tác xã. 

Ở bất cứ lĩnh vực nào, ông Tiêu cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vợ chồng ông có 10 người con (5 trai, 5 gái) đều được học hành đầy đủ, có trình độ đại học, trong đó có 2 người con tham gia lực lượng vũ trang. 95 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, ở tuổi thượng thượng thọ hàng ngày ông Tiêu vẫn luôn sống vui bên gia đình "tứ đại đồng đường” của mình và bà con làng xóm.

Vũ Đồng

Tags thương binh nhập ngũ

Các tin khác
Cán bộ Công an TP. Điện Biên Phủ dắt tay đưa du khách sang đường an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho du khách khi đến với Điện Biên Phủ, Công an TP. Điện Biên Phủ luôn thường trực tại các điểm di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ từ sáng sớm đến tận chiều tối để phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện vào bãi đỗ xe và duy trì ANTT.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đỗ Minh Huấn thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên hiện đang cư trú tại phường Yên Thịnh

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), thành phố Yên Bái tổ chức 8 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo chủ chốt làm trưởng đoàn đi thăm, tặng quà các gia đình thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang cư trú trên địa bàn.

Được biết, các tác phẩm thuộc nhiều thể loại gồm: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ký, nhật ký, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 tác phẩm đặc biệt với đa dạng hình thức.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và thị xã nghĩa lộ thăm, tặng quà gia đình cựu chiến binh Lê Văn Chiến - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên, thị xã Nghĩa Lộ.

Năm 1996, Ban Liên lạc (BLL) truyền thống Chiến sĩ Điện Biên thị xã Nghĩa Lộ được thành lập. Thành viên là cựu chiến binh (CCB) thuộc các đơn vị Đại đoàn 308, 304, 316, 312, 351 đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. BLL vừa là nơi gặp gỡ của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa cùng nhau ôn lại những ký ức về năm tháng của một thời tuổi trẻ đầy gian khổ mà oai hùng, vừa là nơi để CCB được chia sẻ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống; là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng và cũng là “sợi dây” nối lịch sử với hiện tại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục