Tại triển lãm "Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ”, khi chia sẻ về người cha kính yêu của mình với đông đảo khách tham quan triển lãm, đạo diễn Triệu Tuấn - con trai cả nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại rưng rưng trong niềm tự hào: "Sinh thời, mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày 7/5, ba tôi thường nói với các anh em tôi rằng ông biết ơn dân tộc ta, Đảng ta, quân đội ta đã làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, còn ông chỉ là một người có vinh dự và may mắn được chọn để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử ấy. Cuộc đời ba tôi gắn liền với các chiến dịch và hành trang người lính Triệu Đại là bộ quân phục cũ, chiếc máy ảnh đeo trên vai và những bức ảnh luôn khét mùi khói bom, thuốc súng...”. Và cái tên Triệu Đại cũng nhận được sự yêu quý, ngưỡng mộ của đồng nghiệp và bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân, nơi ông công tác sau năm 1954.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường Triệu Đại là tác giả duy nhất ghi lại được hoàn chỉnh chiến dịch Điện Biên Phủ từ khi mở màn đến ngày toàn thắng và đúng dịp này, gia đình ông phối hợp Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với 70 bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ và 20 ảnh trong chiến dịch Biên giới 1950.
Nhìn những hàng dài khách tham quan chăm chú xem ảnh và bình luận, kể cả các vị khách quốc tế, có thể thấy được sức hút và tác động mạnh mẽ của những hình ảnh, thông tin về Điện Biên Phủ tới hiện tại và mai sau. Bảy thập kỷ đã trôi qua, những bức ảnh in đậm dấu ấn thời gian dù được lưu trữ và in ấn trong điều kiện tốt nhất có thể.
Tuy vậy, chúng ta vẫn được nhìn rõ không gian rộng lớn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với vô số lô cốt, hầm hào, hàng rào thép gai; thấy núi đồi hiểm trở miền Tây Bắc không ngăn được bộ đội kéo pháo, dân công mở đường và thấy được những trận đánh khốc liệt, có người ngã xuống, nhưng phía sau đoàn quân vẫn cuồn cuộn xông lên... Đó là chiến tranh, là diễn biến trực tiếp và chân thực mà chỉ có nhiếp ảnh, điện ảnh mới có thể ghi lại và truyền tải. Hành trình của người lính cầm máy ảnh cũng là hành trình đầy gian khổ, hy sinh của biết bao chiến sĩ, đồng bào. Đáng chú ý, không chỉ có những hình ảnh chiến đấu, ông còn tỉ mỉ ghi lại mọi hoạt động dọc đường và tại căn cứ, như các cuộc họp của tướng lĩnh, sinh hoạt văn nghệ của anh em, đoàn xe tải hậu cần ra trận, quân y chăm sóc thương binh...
Bộ ảnh "Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954” đã mang lại Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001) cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại cũng được trưng bày tại triển lãm lần này. Đó là năm bức ảnh: Phất cờ trên nóc hầm De Castries; Bộ đội vượt cầu Mường Thanh chiếm chỉ huy sở của De Castries; Dẫn giải tù binh Pháp qua đường Mường Phăng-Điện Biên Phủ; Bác Hồ tặng huy hiệu cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh - một trong những chiến sĩ đã bắt sống tướng De Castries ở Điện Biên Phủ; Kéo pháo vào trận địa (Voi ra trận).
Chính những hình ảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại đã kịp thời được gửi sang Hội nghị Geneve về Đông Dương cùng Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu, trở thành một bằng chứng đanh thép khẳng định chiến thắng tất yếu của nhân dân Việt Nam trước thực dân Pháp, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao.
Bên cạnh nhiều bức ảnh nổi tiếng đã quen thuộc, có một số ảnh lần đầu được công bố. Chẳng hạn như bức bộ đội ta tiến công lên đồi Him Lam, bước chân các anh nhòe đi, nhưng đôi tay cầm súng dũng mãnh tiến lên thì rất nét. Hoặc các bức ảnh bộ đội đánh đồi A1 và đánh chiếm sân bay Mường Thanh cũng rất ấn tượng, gây xúc động mạnh cho khách tham quan. Giữa mặt trận bom rơi đạn nổ không chừa bất cứ ai, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại vẫn luôn có mặt ở tuyến đầu và ghi lại được những khoảnh khắc không bao giờ lặp lại. Thấm thía những khó khăn, hiểm nguy của nhiếp ảnh chiến trường, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Chu Chí Thành đã nhận định: "Kho tàng ảnh vô giá về Chiến thắng Điện Biên Phủ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại dư tầm vóc sánh ngang vai với bất cứ nhà nhiếp ảnh chiến tranh vĩ đại nào trên thế giới cùng thời với ông”.
Theo ông Chu Chí Thành và nhiều nghệ sĩ, giảng viên nhiếp ảnh và phóng viên báo chí, các bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại ở mặt trận Điện Biên Phủ không chỉ mang giá trị lịch sử, tính tư liệu, mà còn thể hiện kỹ thuật chỉn chu, tính sáng tạo cùng niềm kiêu hãnh của người chiến sĩ Điện Biên. Có thể kể đến chi tiết lá cờ Quyết chiến quyết thắng được theo sát, chụp lại mỗi khi xuất hiện: Từ ngày Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trao cờ cho Đại đoàn quân Tiên phong trước khi ra trận, đến khi quân ta phất cờ trên đồi Him Lam, rồi cuối cùng là ngọn cờ vinh quang tung bay phấp phới trên nóc hầm De Castries trong chiều hè lịch sử 7/5/1954. Bên cạnh đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại cũng là bậc thầy trong kỹ thuật chụp ảnh chắp nối bằng nhiều lần bấm máy (khi máy ảnh thô sơ chưa thể chụp góc rộng). Bức ảnh Toàn cảnh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta tiêu diệt (chắp bảy tấm), hay bức Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ họp tại chân thác Mường Phăng (chắp hai tấm theo chiều thẳng đứng)... đều cho thấy sự căn chỉnh hoàn hảo về mọi thứ: Bố cục, ánh sáng, cự ly, thời điểm.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại quê ở Hà Nội trong một gia đình theo nghề buôn bán, song nhiếp ảnh là đam mê và sự nghiệp trọn đời ông, truyền cảm hứng cho gần 50 con, cháu noi theo, làm nhiếp ảnh gia, quay phim, đạo diễn... Hiện nay, nhiều bức ảnh của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự, Ban Ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Những bức ảnh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại giành các giải thưởng trong nước và nước ngoài, trở thành tài sản vô cùng quý báu của nền nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng và lịch sử nước nhà nói chung.
(Theo NDO)