Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Hội nghị Giơ ne vơ năm 1954 và những bài học lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/5/2024 | 7:45:49 AM

YênBái - Hội nghị Giơ ne vơ khai mạc ngày 26/4/1954 tại thành phố Giơ ne vơ, Thụy Sĩ. Mục đích ban đầu để bàn về vấn đề khôi phục hoà bình tại Triều tiên và Đông Dương. Do vấn đề Triều tiên không đạt được kết quả và đặc biệt là tin Chiến thắng Điện Biên Phủ truyền đến Hội nghị cho nên từ ngày 8/5/1954, Hội nghị Giơ ne vơ bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hoà bình ở Đông Dương.

Ngày 20/7/1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Ngày 20/7/1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết. (Ảnh tư liệu TTXVN)


Hai bên tham gia đàm phán chính là Cộng hoà Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tham gia trực tiếp bên cạnh hai bên đàm phán chính gồm có: Anh, Mỹ, Liên xô, Trung Quốc. Tham gia gián tiếp thông qua ủy quyền đại diện gồm có: Quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia (ủy quyền cho Pháp); Pa Thét Lào, Khơ Me Issarak (ủy quyền cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Hai đồng Chủ tịch Hội nghị là Liên xô và Anh. 

Sau 75 ngày đàm phán căng thẳng với 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập đằng sau các hoạt động công khai, hiệp định được ký vào ngày 20/7/1954. 

Ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơ ne vơ kết thúc, thông qua tuyên bố chung bao gồm những nội dung quan trọng như đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình; tổng tuyển cử thống nhất đất nước và các vấn đề thi hành hiệp định cho toàn bộ Đông Dương. 

Nội dung cơ bản của Hiệp định Giơ ne vơ về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam là:

- Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước.
 
- Các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, lập lại hoà bình trên toàn Đông Dương. 

- Các bên tham chiến thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh.

- Dân chúng mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết. 

- Cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào Đông Dương. Nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự tại Đông Dương. 

- Thành lập Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến Đông Dương gồm Ấn Độ, Ba Lan, Canađa do Ấn Độ làm Chủ tịch. 

- Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm 2 vùng tập kết quân sự tạm thời. Quân đội Nhân dân Việt Nam tập trung về phía Bắc; quân đội Liên hiệp Pháp (bao gồm cả quân đội Quốc gia Việt Nam) tập trung về phía Nam, tập kết chính trị tại chỗ, tập kết dân chúng theo nguyên tắc tự nguyện. 

- Khoản a, điều 14 ghi rõ: "Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy”. Hiệp định thừa nhận chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại cả hai miền Bắc và Nam vĩ tuyến 17. 

- Điều 6 Bản tuyên bố chung ghi rõ: "Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ”.

- Hiệp định Giơ ne vơ không có điều khoản nào quy định chi tiết về thời điểm cũng như cách thức tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Nhưng bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ ne vơ ghi rõ: Cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956. 

Ngoài Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam còn có Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Lào và Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Campuchia. 

Năm nay cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) - đòn quyết định đưa tới thắng lợi của Hội nghị Giơ ne vơ, chấm dứt sự hiện diện về quân sự và chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương; mở ra cơ hội cho dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng về một nền hoà bình gắn liền với độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; vừa để lại những bài học lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Thứ nhất là bài học về kiên định mục tiêu cơ bản đặt lợi ích quốc gia, dân tộc vừa là mục tiêu vừa là nguyên tắc cao nhất trong công tác đối ngoại. Tại Hội nghị Giơ ne vơ, lần đầu tiên nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam tham gia một diễn đàn đàm phán đa phương phức tạp, chịu sự chi phối và thoả hiệp lợi ích của các nước lớn. Chúng ta đã khôn khéo, kiên trì đấu tranh đạt được một giải pháp toàn diện bao gồm cả quân sự và chính trị. Mặt quân sự là ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài và lập lại hoà bình ở Đông Dương. Mặt chính trị là đảm bảo hoà bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia; chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương. Bài học này đã trở thành nguyên tắc "Dĩ bất biến” trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Thứ hai là bài học giữ vững độc lập, tự chủ trong đối ngoại. Hội nghị Giơ ne vơ được tổ chức theo sáng kiến của các nước lớn. Vì lợi ích của mình, các nước lớn tìm mọi cách thoả hiệp, áp đặt và lôi kéo Việt Nam chấp nhận một giải pháp có lợi cho họ. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bước vào Hội nghị với tư cách của người chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ, ta đã xác định rõ mục tiêu trong đàm phán. Tuy nhiên, các bước cụ thể liên quan đến phương án đàm phán, thời điểm mở đầu và kết thúc đàm phán, phân công phối hợp các lực lượng trong đàm phán, kỹ năng trong đấu tranh ngoại giao... luôn bị các nước lớn can thiệp và tác động trong một cục diện bất lợi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 

Trong khi đó, ngoài việc thiếu kinh nghiệm, đoàn ta còn thiếu nhiều phương tiện, vật chất cần thiết, ngay cả việc giữ liên lạc giữa đoàn đàm phán và trong nước cũng phải dựa vào cơ quan đại diện của Liên Xô và Trung Quốc. Khi ra các quyết sách, chúng ta thiếu thông tin phải dựa vào đánh giá tình hình của các nước bạn bè, vì thế đã ảnh hưởng rất lớn tới nỗ lực làm chủ tiến trình đàm phán và việc giữ vững thế chủ động tiến công trong quá trình Hội nghị...

Những điều đó đã khiến cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không thể giành được thắng lợi toàn diện, trọn vẹn ngay lập tức mà phải tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi từng bước. Điều này cũng lặp lại ở Hội nghị Paris năm 1973, chúng ta cũng chỉ giành được thắng lợi chiến lược khi đẩy quân xâm lược Mỹ ra khỏi miền Nam. 

Phải tới năm 1975, cách mạng Việt Nam mới giành được thắng lợi trọn vẹn giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Do đó, bài học xương máu về giữ vững độc lập, tự chủ trong đối ngoại đã được Đảng và Nhà nước ta thấm nhuần sâu sắc, trở thành nguyên tắc bất di bất dịch trong việc xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Thứ ba là bài học về tầm quan trọng của sự kết hợp giữa quân sự, chính trị và ngoại giao để tạo nên sức mạnh tổng hợp theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ: "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Tại Hội nghị Giơ ne vơ, thực lực trên chiến trường là nhân tố quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là nhân tố quyết định thắng lợi của Hội nghị Giơ ne vơ.  

Chiến thắng Điện Biên Phủ đẩy quân Pháp vào đường cùng, chấm dứt hy vọng kéo dài chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Đó chính là cơ sở để chúng ta đấu tranh đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề Việt Nam. Từ bài học lớn và quan trọng này để Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước tiến lên hiện đại; xây dựng nền ngoại giao cây tre Việt Nam gốc vững, thân chắc, cành lá uyển chuyển, đậm đà bản sắc, tâm hồn, cốt cách Việt Nam, phù hợp với bối cảnh quốc tế đầy biến động hiện nay. 

Thứ tư  là bài học về nghệ thuật biết thắng từng bước. Hiểu rõ thực lực của ta, hiểu được lợi ích của các nước lớn, bao gồm cả Liên Xô và Trung quốc cùng cục diện quốc tế lúc đó, chúng ta đã quyết định ký kết Hiệp định Giơ ne vơ với những điều khoản chưa phản ánh thoả đáng thắng lợi của chúng ta trên chiến trường. Quyết định này là một ví dụ điển hình về bài học chiến thắng từng bước của cách mạng Việt Nam. Thắng từng bước phải được thực hiện trên cơ sở giữ vững mục tiêu cơ bản là các nước lớn phải tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam. Thắng từng bước phải tạo nên thực lực mới, vị thế mới để hoàn thành mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Từ bài học quan trọng này chính là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để nhạy bén, kịp thời quyết định các chủ trương chiến lược, sách lược theo đúng tư tưởng Bác Hồ "Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đáp ứng yêu cầu ổn định đất nước, phát triển nhanh, bền vững hiện nay. 

Thứ năm là bài học kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đến Hội nghị Giơ ne vơ với tư thế chính nghĩa. Nỗ lực phấn đấu vì hoà bình, giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta phù hợp với nguyện vọng của nhân loại tiến bộ, kể cả nhân dân tiến bộ Pháp. 

Tại Hội nghị Giơ ne vơ, qua các hoạt động tiếp xúc với báo chí, các cuộc hội đàm, chúng ta đã làm cho dư luận hiểu rõ thiện chí của chúng ta, hiểu rõ âm mưu và hành động của các thế lực thù dịch dồn ép chúng ta phải chấp nhận các giải pháp bất lợi về mình. Các hoạt động này đã biến tính chính nghĩa cuộc chiến đấu của nhân dân ta thành sức mạnh, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh trên bàn đàm phán.

Đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế tại Hội nghị Giơ ne vơ là ví dụ cụ thể của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhân sức mạnh của dân tộc ta lên bội phần. Bài học này còn nguyên giá trị định hướng cho Đảng và Nhà nước ta xây dựng chủ trương, đường lối tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tạo lập môi trường hoà bình, ổn định để bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. 

Bảy mươi năm đã đi qua, tình hình thế giới và khu vực cũng như vị thế của Việt Nam đã nhiều thay đổi nhưng những bài học lớn từ Hội nghị Giơ ne vơ năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị cả lý luận và thực tiễn, làm cơ sở cho Đảng và Nhà nước xây dựng hệ thống chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp, đưa đất nước hướng tới mục tiêu, khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.

Nông Thụy Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Tiếp bước cha anh, thế hệ trẻ tỉnh Yên Bái luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

Hôm nay, khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S anh hùng tràn ngập một bầu không khí trang trọng, linh thiêng, rộn ràng, phấn chấn hướng về Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) - thắng lợi của tinh thần bất tử “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc”…

Chiều 7/5/1954, lá cờ

Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De castries đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình Nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Điện Biên tổ chức.

Đồi A1 có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh.

Nằm ở phía Đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đồi A1 có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh, do thực dân Pháp xây dựng để trở thành điểm đề kháng mạnh nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong suốt 39 ngày đêm, tại cứ điểm Đồi A1 đã diễn ra nhiều trận giao tranh ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào giữa ta và địch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục