Có phải lung linh in bóng mây trời, núi rừng trong những mặt gương mùa nước đổ? Hay bởi mướt xanh lúa dậy thì con gái dập dờn nô nhau đuổi dài những vạt sóng? Có phải suộm vàng thơm hương những bông lúa trĩu hạt nối cao nấc thang lên trời? Hay bởi bức tranh sắc màu của bao gốc rạ nằm thảnh thơi ngơi nghỉ sau mùa vụ bội thu? Có phải rún rẩy hoa văn sặc sỡ nhịp bước váy Mông ngả nghiêng ánh mắt? Hay bởi tươi ngời rạng rỡ những nụ cười hồn hậu vẹn nguyên khát khao chinh phục thiên nhiên của đồng bào Mông? Có phải tiếng khèn tha thiết, phóng khoáng, ngân vang đại ngàn?
Một lần đến Mù Cang Chải, một lần chiêm ngưỡng ruộng bậc thang nơi đây là dâng tràn bao cung bậc cảm xúc. Mỗi người có trong mình, neo cài nơi trái tim hình ảnh, vẻ đẹp, sức sống, tình yêu, khát vọng của đồng bào Mông là những người đã mãnh liệt và bền bỉ khai khẩn ruộng bậc thang qua nhiều thế hệ.
Khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp cùng với các điều kiện tưởng chừng không thể vượt qua vừa như thách thức lại vừa khơi dậy niềm khát khao, mong muốn chinh phục thiên nhiên của đồng bào Mông Mù Cang Chải. Đơn giản trước tiên và trước hết chính là có thêm hạt thóc, hạt gạo để phục vụ cuộc sống của đồng bào. Có thể những người đầu tiên bắt tay khai khẩn ruộng bậc thang trên mảnh đất này, có thể những người sau đó cùng nhau tiếp tục khai phá ruộng bậc thang trên mảnh đất này cũng chưa từng nghĩ rằng họ sẽ tạo nên một kỳ tích, một kỳ quan, một kiệt tác cho ngày hôm nay.
Tinh thần vượt khó, sáng tạo phi thường, cần cù lao động của đồng bào Mông Mù Cang Chải từ đời này sang đời khác đã mang đến và tạo nên những giá trị có ý nghĩa xuyên thời gian.
Ruộng bậc thang thể hiện một loại hình canh tác có sự kết hợp hài hòa của canh tác ruộng nước và canh tác nương rẫy. Ruộng bậc thang cho thấy cách thức khai khẩn, canh tác, thu hoạch, bảo quản đến hệ thống nông cụ, kinh nghiệm sử dụng các giống lúa.
Ruộng bậc thang cũng cho biết cách ứng xử của đồng bào Mông với môi trường, địa hình, đặc biệt là quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước để không những có thể trồng cây lúa nước trên đồi mà còn đem lại mùa mùa bội thu, tạo nguồn lương thực vô cùng quý giá.
Khối óc và bàn tay lao động của đồng bào Mông Mù Cang Chải theo tiến trình lịch sử đến hôm nay đã làm nên khoảng 7.000 ha ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang có ở khắp 14/14 xã, thị trấn của huyện, nổi bật và tập trung ở 6 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề, Lao Chải.
Trải nghiệm các địa điểm này, du khách sẽ được tận hưởng vẻ đẹp của ruộng bậc thang ở nhiều góc độ khác nhau. Có nơi, những thửa ruộng bậc thang như những bức tranh treo trên sườn núi. Có nơi, những thửa ruộng bậc thang tựa những mâm xôi thay đổi màu sắc theo mùa. Có nơi, những thửa ruộng bậc thang trải dài giống hệt những vân gỗ kỳ thú lạ mắt. Có nơi, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo dòng suối. Những cảm nhận khác nhau, những cách nhìn khác nhau, những thửa ruộng bậc thang đều thỏa trí tưởng tượng, liên tưởng phong phú của mỗi người khám phá.
Những giá trị của ruộng bậc thang Mù Cang Chải thể hiện toàn diện và sâu sắc trong mọi lĩnh vực: lịch sử, văn hóa - xã hội, khoa học, thẩm mỹ, kinh tế. Quan trọng nhất, ý nghĩa nhất khi mọi giá trị vừa được bảo tồn hiệu quả vừa được phát huy tích cực.
Diện tích ruộng bậc thang thêm mở rộng, các nghi lễ tín ngưỡng duy trì tốt, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc gắn cùng hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ những năm qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn, năng động, sáng tạo của Mù Cang Chải, của đồng bào Mông nơi này.
Hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tiếp tục đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi mới cũng như nỗ lực xây dựng, thực hiện những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, bền vững cho tương lai.
Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng là sự ghi nhận một di sản văn hóa điển hình, hội tụ các giá trị đặc sắc, độc đáo của đồng bào Mông. Giá trị di sản không chỉ có ý nghĩa đối với Mù Cang Chải, đồng bào Mông địa phương mà còn vô cùng ý nghĩa đối với tỉnh Yên Bái và cả nước.
Niềm vinh dự, niềm tự hào luôn đi cùng ý thức trách nhiệm lớn, nỗ lực cao để giá trị của di sản mãi tỏa sáng, mãi là động lực để thúc đẩy địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nơi non cao hùng vĩ, kiệt tác của đồng bào Mông Mù Cang Chải ẩn chứa vẻ đẹp trí tuệ, khát vọng vươn lên cùng tình yêu lao động, tình yêu cuộc sống trường tồn với thời gian.
Nguyễn Thơm