Mạch nguồn nối nhịp xòe hoa ra thế giới

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/8/2022 | 7:48:34 AM

YênBái - “Sáng lúa, chiều ngô, tối múa xòe”- đó không chỉ là câu chuyện đơn thuần về đời sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò mà chứa đựng trong đó là cả tình yêu, niềm tự hào về bản sắc văn hóa. Đó cũng là lẽ tự nhiên để những người nông dân chân chất, hồn hậu nơi đây đưa nghệ thuật xòe ra thế giới.

Nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ truyền dạy những điệu xòe cho các em nhỏ.
Nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ truyền dạy những điệu xòe cho các em nhỏ.

Hơn chục năm nay kể từ khi thị xã Nghĩa Lộ tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Mường Lò cho đến nay chính thức trở thành Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, hàng năm, người dân Nghĩa Lộ lại nô nức tập luyện cho các hoạt động của lễ hội từ trước đó hàng tháng trời. 

Chị Lò Thị Khẹn ở tổ Tông Pọng, phường Tân An luôn là người chủ lực trong việc hướng dẫn tập luyện cho đoàn phường Tân An tham gia các mùa lễ hội. 

Chị Khẹn chia sẻ: Mùa lễ hội hàng năm vào khoảng tháng 9, tháng 10 nên với những nông dân như chúng tôi vừa tranh thủ gặt hái sớm vừa làm đất trồng ngô, tối về tranh thủ cơm nước cho gia đình để cứ tầm 8 giờ tối có mặt tại địa điểm tập luyện. Thời gian tập luyện hàng tháng trời nên cũng mệt, cũng khó bố trí công việc nhưng vì hoạt động chung, vì niềm tự hào với các điệu xòe cũng như các giá trị văn hóa của dân tộc mình mà mọi người ai cũng cố gắng hết sức với mong muốn mỗi người sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu các điệu xòe với thế giới. 

Chính từ niềm tự hào và muốn giới thiệu các điệu xòe đến với du khách gần xa mà những người nông dân nơi đây đã có ý thức bảo tồn, giữ gìn và truyền dạy xòe cổ cho thế hệ trẻ. Hình ảnh ông lão râu tóc bạc phơ vẫn hàng ngày tham gia các chương trình truyền dạy xòe cổ của các trường học và nhiều hoạt động khác; thổi khèn, đánh trống, hướng dẫn mọi người tập luyện 6 điệu xòe cổ ở các bản làng đã rất đỗi quen thuộc với người Thái Mường Lò. Đó chính là Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm. 
Đến tận bây giờ, nghệ nhân Lò Văn Biến vẫn còn nhớ như in giây phút mình vinh dự cùng đoàn lãnh đạo tỉnh, thị xã có mặt tại điểm cầu trực tuyến ở Hà Nội tham dự Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp). 

"Có lẽ trong cuộc đời mình, đó là giây phút hạnh phúc nhất khi tình yêu, trách nhiệm của mỗi người dân Nghĩa Lộ đã biến thành tài sản vô giá của cả nhân loại” - Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến chia sẻ. 

Đến thôn Đêu 2 - xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, trong bất kỳ lễ hội nào cũng sẽ được hòa nhập vào vòng xòe và ở đó sẽ bắt gặp hình ảnh nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng miệt mài tình nguyện truyền dạy các điệu xòe và văn hóa dân tộc Thái cho lớp trẻ. Với bà, nghệ thuật xòe Thái như là một phần máu thịt của mình và chuyện đóng góp công sức cho việc bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa ấy là điều gì đó rất đỗi tự nhiên. 

Ở Tân An, cùng với nghệ nhân Điêu Thị Xiêng còn có bà Hoàng Thị Văn ở tổ Tông Co 3 cũng là người hết lòng góp sức bảo tồn và trao truyền bản sắc văn hóa tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Bà luôn là người nòng cốt trong các lễ hội từ chỉnh sửa nhịp chân bước, tay đi đến nét mặt cho mỗi người khi biểu diễn xòe.

Trong các buổi tập luyện của đội văn nghệ, bà Văn tận tình giảng giải ý nghĩa, hướng dẫn kỹ thuật của mỗi điệu xòe cho các hội viên, các em nhỏ để mọi người hiểu được giá trị của từng điệu xòe mà trình diễn, biểu diễn bằng tất cả tâm hồn và niềm tự hào về văn hóa dân tộc mình.

Từ những nghệ nhân như ông Biến, bà Xiêng, những người già am hiểu văn hóa như bà Văn hay những người nông dân bình dị khác như chị Khẹn... mà bản làng Nghĩa Lộ luôn rộn rã vòng xòe và trở thành một đặc sản văn hóa đối với du khách. Và giờ đây, nghệ thuật xòe Thái đã vinh dự trở thành 1 trong 14 di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Tình yêu và trách nhiệm của những người dân gắn bó với điệu xòe ở Nghĩa Lộ như mạch nguồn chảy mãi, đưa nhịp bước điệu xòe vươn xa.

Thu Hạnh

Tags Yên Bái Nghệ thuật xòe Thái ruộng bậc thang Mù Cang Chải bản sắc văn hóa

Các tin khác
Múa xòe là nghi thức không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội của người Thái Mường Lò.

Biết đến Mường Lò qua màn ảnh nhỏ. Lâng lâng, xao xuyến một niềm mong! Chỉ mấy khổ thơ, tác giả giúp chúng ta cùng đặt bước trên đất Mường Lò để cảm nhận “tinh hoa từ huyền thoại” qua nhịp đại xòe, qua tiếng ca Ing lả vang vọng núi rừng, qua chiếc khăn piêu phấp phới bay trên những thửa ruộng bậc thang trải dài Mù Cang Chải...

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại phát biểu tại Hội nghị.

Sáng 23/8, tại tỉnh Yên Bái, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với UBND 4 tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Du khách chinh phục đỉnh Tà Xùa.

Trạm Tấu được thiên nhiên ban tặng những ngọn núi cao, hùng vĩ mà nổi bật nhất là hai đỉnh Tà Chì Nhù độ cao 2.979 m và Tà Xùa 2.875 m so với mực nước biển. Đây là hai ngọn núi đứng trong top 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam mà bất cứ dân leo núi cũng như những người ham chinh phục luôn mong ước được trải nghiệm trên những cung đường đầy khó khăn, thử thách và đẹp như lạc vào tiên cảnh.

Múa xòe là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái Tây Bắc nói chung, người Thái Mường Lò nói riêng. Qua bao năm tháng, người Thái Mường Lò vẫn gìn giữ văn hóa truyền thống ấy, để giờ đây, múa xòe đã được bạn bè quốc tế biết đến, yêu thích và cùng đắm say.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục