Đắm say xòe Thái Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2022 | 2:18:39 PM

YênBái - Tôi có cả một thanh xuân ở Mường Lò nên tôi ngấm xòe Thái như chính người Thái nơi đây. Sau ngày Ba mươi Tết bận rộn, chừng gần trưa mùng Một Tết khắp Mường Lò thập thình trống hội.

Ảnh: Thanh Miền
Ảnh: Thanh Miền

Mỗi năm khi mùa xuân đến, núi rừng Tây Bắc bừng lên màu nắng non tươi. Bao chồi non lộc biếc thẹn thùng nấp sau kẽ lá chờ trận mưa xuân đầu tiên. Đất trời mới chỉ có thế thôi mà lòng người Mường Lò đã thấy xôn xao vấn vít muôn điệu xòe hoa. Mùa xuân và xòe hoa đã đi vào tiềm thức tốt đẹp trong đời sống tinh thần người dân Mường Lò ở Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Mường Lò - một trong bốn cánh đồng lớn vùng Tây Bắc, nơi cư trú lâu đời của các dân tộc thiểu số, trong đó người dân tộc Thái chiếm đa số. Nhiều nhà nghiên cứu về dân tộc học khẳng định Mường Lò là một trong những cái nôi của người Thái cổ. Bản Xa, Bản Lấm, Ao Sen, Ao Luông, Nậm Tốc Tát, những pho truyện cổ bằng chữ Thái "Quắm Tô mường” (Kể chuyện bản làng); những câu ca dao, dân ca trong trường ca "Xống chụ xôn xao” (Tiễn dặn người yêu), "Khun Lú, Nàng Ủa”; ở đó có biết bao nhiêu tên gọi về những miền xa xôi như những nhân chứng lịch sử được ẩn giấu trong ca dao cổ tích, minh chứng cho dấu hiệu đầu tiên xuất hiện người Thái ở nơi này.

Nói đến người Thái Tây Bắc nói chung và người Thái Mường Lò, đầu tiên là phải nhắc đến nghệ thuật trình diễn dân gian các làn điệu khắp Thái (hát Thái) và những điệu xòe (múa) mang tính cộng đồng. Những câu khắp khi bổng khi trầm trao gửi yêu thương, tự sự những cung bậc cảm xúc, sẻ chia nỗi niềm nhân thế cứ tự nhiên tuôn trào trong một không gian đầy nắng, gió.

Những nốt nhạc dân gian trong khắp Thái vút cao trong không trung bằng làn điệu hà ơi! Trong văn vắt, bỗng dưng hạ xuống tận cung trầm. Tưởng như câu khắp đang bị rơi xuống thì một dàn bè những giọng hát thanh tân, hào sảng, kết lại và nâng câu ca từ từ bay lên trong hòa ca.

Cùng với khắp là những điệu xòe kết nối nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, ca từ và những bàn tay nắm ấm áp giữa xuân thì. Sự kết nối tự nhiên của tình đoàn kết cộng đồng vì thế mà thành tình làng nghĩa bản và dan díu tình yêu lứa đôi. Xòe đồng hành với khắp Thái, với khèn bè và các loại pí (sáo) trở thành nghệ thuật đặc sắc một vùng Tây Bắc hào hoa. Pí thiu, pí pặc, pí ó, pí sên… đan nối bên nhau như bao cung bậc cảm xúc dâng trào.

Cùng với nhạc, có đến hơn ba mươi điệu xòe cứ sinh sôi trong đời sống. Xòe vòng, xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe chai, xòe hoa... Những điệu xòe biến hóa khôn lường theo hoàn cảnh cụ thể gắn với lao động, địa hình và hoàn cảnh, tâm trạng, trong đó xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái. Hiện nay, nghệ thuật xòe là tài sản vô giá và là sản phẩm văn hóa đặc sắc của văn hóa Thái, là sân chơi giải trí sau những ngày lao động, là nơi có tầng kết nối con người gần với con người hơn.

Những điệu xòe hoa cứ dâng đầy, dâng đầy từ khi hoa tớ dày bung nở, tím hồng trên núi xa, bên suối và các lòng thung, những con đường về bản gần xa. Công việc cuối năm bộn bề. Người ra đồng cấy trồng, người lên nương lấy củi đóm, vào rừng lấy lá dong, lấy lạt giang gói bánh chưng hay làm việc khác trong cuộc mưu sinh; nhưng nhảy nhót trong trái tim ai cũng thập thùng trống hội. Bởi nơi đây xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi người.


Đêm xòe Mường Lò (Ảnh: Hoàng Đô)

Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến gần 90 tuổi ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ nói rằng: "Bà con ở Mường Lò nghiện xòe và khắp từ khi còn trong bụng mẹ. Vì thế ngày xưa cái bụng dẫu chưa được no nhưng không thể xuân đến không khắp, không xòe. Bây giờ có chính sách cho vùng đồng bào ngày một tốt hơn, xòe càng ngày càng đông, càng vui”…

Văng vẳng bên tôi câu nói của đồng bào Thái mà ai biết xòe cũng thuộc: "Không xòe không vui/ Không xòe lúa không tốt/ không xòe cây ngô nghẹn bắp/ không xòe trai gái không thành đôi”.

Lễ hội mùa xuân, tung còn đánh yến, tó má lẹ, cùng với đồng bào Mông, Dao đẩy gậy, đánh quay,… nhưng cuối cùng vẫn nổi trống xòe. Các cụ cao niên ở Thanh Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Thanh Lương… đều kể rằng Tết xưa trai làng, gái bản, có cả các anh chị, ông bà xòe thâu đêm không biết mỏi. Có điều gì da diết, đắm say của những điệu xòe đến thế, chỉ khi nào chúng ta đến Mường Lò, cùng nắm tay nhau xòe hoa, bạn sẽ cảm nhận được những giá trị của xòe mà ngôn ngữ thường bất lực.

Xòe Thái gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào bao đời nay, trọn một vòng đời mỗi người. Bên cạnh xòe trong lễ nghi tín ngưỡng uy nghi, dẫn truyền với quả nhạc xòe dứt khoát, giữ nhịp cho thầy cúng, thì xòe trong cưới hỏi, mừng nhà mới, đón khách đến thăm nhà, lễ hội xuống đồng, lễ hội cầu mưa, cúng bản, cúng mường rộn rã tưng bừng như suối reo, chim hót.

Điệu xòe có tự bao giờ? Tại sao nói đến mùa xuân ở bốn mường Tây Bắc, ai ai cũng nghĩ đến vòng xòe và đống lửa trung tâm. Tôi chắc chắn rằng nó là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào. Nó là nhu cầu bày tỏ tình thương yêu giữa người với người để làm nên giá trị của nhân văn, của đoàn kết chống lại thú dữ thủa hồng hoang. Nhà thơ, nhạc sĩ Vương Khon, người con của đất trời Mường Thanh đã từng viết: "Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ/ Mà vẫn mê say như thuở nào/ Điệu xòe, điệu xòe nhớ thuở ban đầu/ Chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối/ Tay trong tay đêm nay/ Chân bước đi rộn ràng/ Em bâng khuâng trong điệu xòe/ Để lại hơi ấm bàn tay...”.

Tôi có cả một thanh xuân ở Mường Lò nên tôi ngấm xòe Thái như chính người Thái nơi đây. Sau ngày Ba mươi Tết bận rộn, chừng gần trưa mùng Một Tết, khắp Mường Lò thập thình trống hội. Những khu ruộng gặt chưa đổ nước, sân vận động, bãi bằng bên suối đều là nơi những cây còn được dựng lên cùng với một chiếc trống của làng treo ngay ngắn ở trung tâm. Mà kỳ lạ thay, ở đây ai cũng có thể đánh trống xòe. Cái tay đánh trống và cả hình thể cũng say sưa tung lên, quay vòng và nhún nhảy như các nghệ nhân hội nhập vòng xòe.

Đâu chỉ trai thanh gái tú, các thế hệ trong làng đều theo tiếng trống giục giã đôi chân tự đi về phía những tiếng cười. Trai gái nắm tay nhau xòe vòng. Nhịp 4/4, nhịp dồn 2/2/1 xoay tròn những bước chân theo vòng quay xa dệt vải. Dặt dìu, những đôi mắt trao nhau, không lời, quên cả thời gian trôi.

Những đống lửa được đốt lên thơm mùi khói rạ và cỏ khô. Tiếng cười đuổi nhau lan xa, lan xa và hình như bay lên tận các vì sao trên bầu trời thăm thẳm. Không ai đi qua các hội xòe mà không dừng chân, kể cả là các dân tộc anh em khác. Đó là điều tự nhiên ở vùng Tây Bắc Mường Lò. Người Thái, người Kinh, người Mông, người Dao, người Mường… các dân tộc anh em đều cùng nắm tay nhau xòe theo nhịp trống.

Chỉ cần nắm tay nhau thôi là biết xòe. Nhà thơ Ngọc Bái đã từng xòe với bản và có những câu thơ hồn hậu mà dí dỏm: "Đêm xuống ngà ngà như rượu rót/ Ngà ngà làng bản nhịp xòe dâng/ Tôi không biết múa nhưng tôi đã/ Bước theo nhịp lượn bước lâng lâng/ Trời đất sinh em, em xinh thế/ Trời đất sinh tôi để tôi nhìn/ Thiên nhiên phóng khoáng, em hồn hậu/ Tôi khách đường xa những giữ gìn/ Đêm thế là đêm đầy cổ tích/ Sóng sánh em tôi chỉ mỉm cười/ Ừ cứ xòe đi cho thỏa thích/ Không thế rượu gì cũng mất vui”.

Xòe Thái có tính liên kết cộng đồng cao, dù là xòe cổ hay xòe tân tiến. Xòe trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, là cơ sở để sáng tạo và làm giàu thêm những giá trị văn hóa mới. Những năm gần đây, kinh tế du lịch phát triển, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái đã liên kết thành chuỗi các sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng.


Ảnh: Thanh Miền

Ngày một nhiều hơn du khách biết đến Mường Lò. Với khẩu hang, cốm Tú Lệ, hoa chuối, phặm phăm, măng chua, cơm ngũ sắc, nhộng ong, dế mèn, các loại rau quả và hoa bốn mùa cùng với xòe Thái bên bập bùng lửa đỏ, trong cái se lạnh của giao mùa.

Đến Nghĩa Lộ, Mường Lò, nhiều người không dễ quên khi về xuôi. Từ vòng xòe cộng đồng hồi sinh những năm 1995 khi mới thành lập lại thị xã Nghĩa Lộ chỉ có 300 - 400 người đến vòng xòe hàng ngàn người những năm gần đây cho thấy sức sống mãnh liệt của xòe Thái mạnh mẽ biết nhường nào. Những cô gái áo cóm, khăn piêu thắt đáy lưng ong, uyển chuyển tung cao những tấm thổ cẩm sặc sỡ sắc màu trong những điệu múa mô phỏng trồng bông dệt vải hay khéo léo vừa thêu đan vừa đội những chiếc chai có ngọn lửa trên đầu, dù có quay nghiêng hay dịu dàng ngồi xuống, lửa vẫn cháy.

Những cô gái dịu dàng trong điệu múa mừng xuân, đón nắng, chải tóc, soi gương, những chàng trai làm nên những điệu khèn, câu ví đều là những người lao động cần cù, chịu khó trên đồng ruộng quê hương.

Họ là chủ nhân của xòe Thái và tiếp tục làm cho những điệu xòe hoa vĩnh cửu với thời gian. Xa Nghĩa Lộ nhiều năm rồi, nhưng trong tôi lúc nào cũng da diết nhớ về Mường Lò, Nghĩa Lộ với dìu dặt những câu khắp "Inh lả ơi! Sao noong ơi!” Câu hát "Anh có về Nghĩa Lộ với em không” giờ là của người Nghĩa Lộ, Mường Lò. Vào Nghĩa Lộ với em để kết nối những vòng xòe bất tận, thêm yêu Tổ quốc mình từ mỗi điệu xòe hoa; để khi xa không lạc đường về bản nhỏ; Để yêu Tổ quốc mình từ Tây Bắc mùa xuân.

Với các biểu đạt văn hóa mang tính cộng đồng cao, xòe Thái là niềm tự hào của dân tộc ta, là di sản của người Thái ở Tây Bắc. Nghệ thuật xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái.

Nghệ thuật xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Chúng ta tự hào về Nghệ thuật xòe Thái - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời cùng nhau bảo tồn, phát huy, phát triển di sản văn hóa đặc biệt này. "Để Nghệ thuật xòe Thái mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa, đáp ứng mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân” như lời phát biểu xúc động, đầy trách nhiệm của đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, thay mặt cho lãnh đạo và nhân dân 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và cộng đồng dân tộc Thái, các dân tộc Việt Nam nói chung, phát biểu trong lễ đón nhận xòe Thái được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Câu hát đêm Mường Lò còn dư âm mãi trong lòng tôi, trong dạ hội mừng Nghệ thuật xòe Thái được vinh danh tại Hà Nội: "Vào đây anh, xòe đi anh, đừng để em cô đơn một mình/ Đêm Mường Lò, trăng dâng đầy, sương tan dần/ Mai xa rồi/ Trăng Mường Lò anh mang về theo…” (thơ Vũ Quý).

Hoàng Thị Hạnh

Tags Xòe Thái Mường Lò ruộng bậc thang Bản Xa Bản Lấm Ao Sen Ao Luông Nậm Tốc Tát Xống chụ xôn xao đêm Mường Lò

Các tin khác
Ảnh minh họa

Theo Ban Tổ chức Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ IV, Cuộc thi "Duyên dáng thiếu nữ vùng quế" huyện Văn Yên năm 2022 sẽ diễn ra từ đầu tháng 10.

Lễ dâng hương trong lễ hội đình làng Dọc được tổ chức từ ngày 13 - 14/7 âm lịch hàng năm.

Nằm trong vùng Chiến khu cách mạng, thuộc xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, đình làng Dọc từ lâu đã nổi tiếng là ngôi đền mang đậm bản sắc của người Kinh và người Tày cổ với lễ hội văn hóa đặc sắc còn lưu giữ lại từ nhiều đời nay.

Trấn Yên đã sẵn sàng các hoạt động Hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, tham gia không gian trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc, Lễ hội Trung thu cho em; các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ khách du lịch tại xã Việt Hồng, xã Vân Hội và nhiều hoạt động khác.

Các hoạt động văn hóa, du lịch của quê hương hồ Thác và bưởi đặc sản tiến vua - huyện Yên Bình sẽ hấp dẫn du khách ngay từ giữa tháng 8 đến hết năm. Đặc biệt, hồ Thác Bà- địa điểm lý tưởng tham quan, thư giãn ngay dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục