Khi người Mông lên xã xin... nộp ngân sách
Hôm nay, vợ chồng Lù A Chù - Giàng Thị Chơ (xã Púng Luông- huyện Mù Cang Chải) vác rựa quắm lên rừng trúc như mọi ngày. Phát cỏ, lấy măng, sửa rãnh, chăm chút từng búi trúc xanh và gìn giữ cánh rừng đã từng được ông nội anh trồng từ 50,60 năm trước. Trúc để lợp mái nhà, dựng chuồng trâu, nhưng giờ đây nó mang lại cho gia đình vợ chồng người Mông này nửa triệu đồng mỗi ngày từ thu phí "check in" chụp ảnh của khách miền xuôi trải nghiệm Mù Cang Chải.
Hàng trăm du khách trẻ tuổi mỗi ngày phượt lên đồi trúc mát lạnh luôn tỏ ra thích thú với cảnh tự diễn như trong phim kiếm hiệp chỉ với 10.000 đồng một vé/người. Cuộc sống của nhà Chù - Chơ ở thôn Nả Háng Tủa Chử đã đổi thay, khấm khá hẳn lên.
Thấy vợ chồng Chù làm kinh tế từ rừng trúc, trong bản đã có người làm theo. Rừng trúc cổ và những đồi măng non thôn Nả ngày càng lan rộng. Khách miền xuôi lên Tây Bắc mà vượt đại đèo Khau Phạ kéo đến Mù Cang Chải rồi ghé đồi danh thắng Mâm xôi La Pán Tẩn mỗi mùa tháng 9 đông như trẩy hội. Và vẻ đẹp cuốn hút qua hình ảnh từ báo chí và mạng xã hội đã khiến họ phải bắt xe ôm rồng rắn nối lên rừng trúc Púng Luông của Chù.
Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông Phạm Đức Thịnh, kể với phóng viên Đại Đoàn Kết chuyện Lù A Chù mấy năm trước ra xã xin... nộp ngân sách. Hôm ấy nghe qua phát thanh thấy nói xã đang khó khăn nguồn thu, không chần chừ Lù A Chù lôi con Win 100 phóng luôn lên xã xin góp 3 triệu đồng. Và sau cuộc gặp ngập tràn tiếng cười vui, Đảng ủy và UBND xã đã lên cả một kế hoạch bài bản hơn khi nhìn thấy nguồn năng lượng ấm áp nơi sơn cước nhằm tác động đến cuộc sống người Púng Luông.
Thác bảy tầng, rừng trúc, chè cổ, gà đen, homestay, internet, đường bê tông liên bản, dệt thổ cẩm, múa khèn..., tất cả đã vào cuộc và được lãnh đạo huyện Mù Cang Chải tiếp sức toàn diện. Lù A Chù là hạt nhân của núi, chàng trai còn làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận, như một gương sáng đang truyền cảm hứng cho người dân Púng Luông.
Ghé thăm HTX chè Púng Luông, do anh Lù A Câu làm Chủ nhiệm, chúng tôi càng cảm nhận rõ cách người Mông nơi đây đang từng ngày chuyển hóa tiềm năng xứ núi thành tài sản xóa nghèo. Nhà xưởng khang trang sạch sẽ, năm cái máy vò chạy động cơ lớn mỗi ngày tiêu mấy tạ chè tươi. Nguồn nguyên liệu sạch do dân bản hái từ trên núi, đã khiến sản phẩm này của Púng Luông ghi tên vào danh sách OCOP của Yên Bái.
Tuy nhiên, khoảng 13 tấn khô (tương đương 75 tấn chè tươi) hằng năm chỉ đủ tiêu thụ trong tỉnh mà chưa vươn được về xuôi. Công nhân của anh Câu đều là thanh niên bản, thu nhập đã chạm gần chục triệu mỗi tháng, đang khiến Púng Luông no đủ hơn và yêu cây chè hơn.
"Khách du lịch tìm đến tận xưởng chỉ muốn mua được vài cân mà nhiều hôm hết hàng. Giờ tôi phải sang cả xã Dế Xu Phình tìm mua nguyên liệu" - anh Câu nói.
Mù Cang Chải mới chạm mùa lễ hội đã đón hơn 213.000 lượt khách kể từ đầu năm với doanh thu 163 tỷ đồng, ước tính đến cuối năm đạt 252 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng. Đường bê tông và đèn điện thắp sáng tỏa đến mọi ngách bản, sườn núi, Mù Cang đã được Yên Bái quan tâm đặc biệt.
"Vào Nghĩa Lộ với em"
Là con gái Thái, từ thuở học phổ thông, cô gái Điêu Thị Vân ở bản Sà Rèn đã nhiều lần theo mẹ đi múa xòe, nhất là khi Mường Lò mở hội mỗi độ xuân về hay dịp tháng Chín. Con gái trong bản ai cũng biết múa xòe. Cái điệu múa nối lại những vòng tay đoàn kết cùng hoan ca của người Thái ở Tây Bắc tự bao giờ đã trở thành tinh hoa được trao truyền và gìn giữ như báu vật. Danh tiếng Xòe Thái ở thung lũng này mấy năm nay nức tiếng cả nước, ra cả thế giới, khách thập phương đổ về Mường Lò cũng vì tò mò bởi làn xòe mê hoặc.
Cả bản có 160 hộ thì có tới 150 hộ còn giữ được nhà sàn. Chị Vân bàn với mẹ chồng làm nhà homestay đón khách. Hai năm dịch bệnh Covid-19 vừa tạm dứt, khách đã đặt chỗ lưu trú qua đêm cả 300-400 lượt mấy tháng đầu năm. Dự tính mùa lễ hội này nhà chị Vân đón lượng khách gấp đôi. Rót chén rượu mời nhà khách, chị ngọt ngào câu hát "vào Nghĩa Lộ với em...".
"Làm homestay đón khách vui lắm. Bản lập cả đội văn nghệ trình diễn khi khách có nhu cầu. Hôm nay đang mùa vụ, bọn em vừa đi gặt về, 4 sào ruộng nhé. Chả kịp thay quần áo..." - Nhưng rồi chị lên nhà vận áo cỏm trắng xinh xắn để chụp ảnh sau lời gợi ý của chúng tôi. Giữ hồn di sản, có lẽ phụ nữ Thái đang là những người làm rất tốt ở Tây Bắc.
Thu nhập gần chục triệu đồng mỗi tháng từ cái nhà sàn nằm sâu cuối bản, chị Vân vẫn bận rộn với những khoảnh ruộng ngoài cánh đồng Mường Lò. Năm nay bản lại có thêm 4 homestay nữa. Bản Chao Hạ, các phường thị xã, bên Nghĩa An, Phúc Sơn, Pú Trạng và Nghĩa Lợi, homestay nở rộ nhưng nếu không đặt chỗ trước cả tháng thì dịp này lên thung lũng rất khó tìm nơi lưu trú. Thông tin Xòe Thái chính thức được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cách đây nửa năm đã khiến Mường Lò có những đêm không ngủ vì tự hào. Xòe giờ không chỉ của Mường Lò, của người Thái, của Tây Bắc, mà đã là di sản toàn cầu.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ Lương Mạnh Hà, phấn khởi nhưng vẫn còn chút lo lắng, hàng chục ngàn lượt khách tìm đến Mường Lò chỉ trong tháng 8 với doanh thu gần 15 tỷ đồng. Bây giờ Nghĩa Lộ có tới 217 nhà hàng, 85 khách sạn và homestay, sức tải 3.200 khách lưu trú qua đêm, mà vẫn thường "cháy" phòng.
Những con số này ở thị xã Nghĩa Lộ như đang thể hiện rõ hơn hiệu quả "chuyển hóa di sản thành tài sản kinh tế xã hội", như bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, nói trong cuộc họp báo gần đây về sự kiện vinh danh di sản chuẩn bị được tổ chức tại Mường Lò.
"Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản"
Góp phần cải thiện cuộc sống và sinh kế của người dân từ bản sắc văn hóa, tổ chức JICA của Nhật Bản đã cử nữ tình nguyện viên Fukuda Kaede đến Nghĩa Lộ từ mấy tháng nay hỗ trợ cho người Mường Lò phát huy giá trị di sản. Và dịp này Fukuda đã kết nối đưa một đoàn khách Nhật về thung lũng đặc biệt này trải nghiệm đêm vinh danh. Cô cũng là người đã nêu những ý kiến, kinh nghiệm cho Yên Bái làm tốt đêm nghệ thuật "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản".
Chỉ một góc bàn nhỏ cho cô Fukuda ngồi làm việc ở Phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ nhưng dường như nói lên rằng Yên Bái đã làm tất cả những gì có thể mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cách đây 2 năm đã nâng quyết tâm để cho người dân vùng sơn cước này hạnh phúc hơn, trong đó có cả giải pháp nối kết rộng hơn đến từ quốc tế.
Vòng đại xòe hoan ca nối tay 2022 người, hội tụ tới 3.000 diễn viên và nghệ nhân của các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Mường Lò hơn một tháng qua, những ngày nắng lửa hoặc đổ mưa rét lạnh, cả ngàn người vẫn chăm chỉ luyện tập ở sân vận động.
Những làn xòe cổ Tây Bắc đang được đánh thức và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ...
(Theo Đại đoàn kết)