Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022:

Đêm hội tụ sắc màu “Tinh hoa miền di sản”

  • Cập nhật: Thứ bảy, 24/9/2022 | 9:43:30 PM

YênBái - Tối nay - 24/9, tỉnh Yên Bái vinh dự phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên long trọng tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.


Mảnh đất Mường Lò, Nghĩa Lộ - nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc thiêng liêng của Tổ quốc - xứ sở đa sắc màu văn hóa tối nay 24/9 rộn rã, ngân vang tiếng chiêng, tiếng trống hòa quyện với những điệu xòe hoa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Hàng ngàn người dân và du khách chìm đắm trong không khí lễ hội và chương trình nghệ thuật đặc sắc và hoành tráng của Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 với chủ đề "Xòe Thái - Tinh hoa miền Di sản”. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - Đỗ Đức Duy tại Lễ đón nhận Bằng và khai mạc Lễ hội.(Ảnh: TTXVN)

Lễ đón nhận Bằng và khai mạc Lễ hội vinh dự được đón các đồng chí:  Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Vượng- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Tòng Thị Phóng- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phùng Quốc Hiển - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; bà Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại biểu Đại sứ quán các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Cộng hòa Pháp và đại diện các tổ chức quốc tế.

Về phía tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Cùng tham dự Lễ đón nhận Bằng và khai mạc Lễ hội còn có lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và một số địa phương lân cận cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước.


Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn phát biểu khai mạc Lễ đón nhận và Lễ hội.

Dịp tôn vinh di sản nghệ thuật xòe Thái với sức sống mãnh liệt

Khai mạc chương trình đêm Lễ hội, đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO là dịp để tôn vinh di sản nghệ thuật xòe Thái với sức sống mãnh liệt; tôn vinh và tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. 

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc 4 tỉnh có di sản, đồng chí bày tỏ lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan đã luôn giúp đỡ, ủng hộ, lưu giữ, bảo tồn, tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị của "Nghệ thuật Xòe Thái”. Đồng thời, mong muốn "Nghệ thuật Xòe Thái” mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa trong dòng chảy văn hóa nhân loại, đáp ứng mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân.

Mời gọi du khách hòa chung những điệu xòe đắm say khi đến với Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 với những trải nghiệm thú vị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nhấn mạnh đây là một trong những lễ hội đặc sắc, sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo mang thương hiệu riêng của Yên Bái. 

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” từ bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, tại Kỳ họp lần thứ 16 (tháng 12/2021) của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã chính thức ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam chúc mừng sự kiện quan trọng này; mong muốn cộng đồng đồng bào Thái nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung tiếp tục giữ gìn, phát huy và lan tỏa giá trị Nghệ thuật Xòe Thái; đồng thời đóng góp nhiều hơn nữa cho hoạt động của UNSESCO và văn hóa của nhân loại.

 

Ngay sau bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã diễn ra nghi lễ trao Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên (ảnh trên).


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng và tự hào khi Xoè Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại.

 Đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển đất nước

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên về niềm vinh dự, tự hào khi Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Vui mừng và tự hào khi Xoè Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là niềm tự hào của dân tộc Thái và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S tươi đẹp; qua đó, tiếp tục khẳng định sự đóng góp rất quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đối với thế giới.

Thủ tướng cho rằng, Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn truyền thống lịch sử các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc

Có được niềm vui hân hoan hôm nay, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam qua nghệ thuật Xòe Thái đến cộng đồng quốc tế, Thủ tướng trân trọng sự đóng góp không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân tộc Thái đã nâng niu, trao truyền, gìn giữ di sản văn hóa đặc sắc vô giá này. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các bộ, cơ quan và địa phương liên quan, các nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu đã đóng góp tích cực để bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái nói riêng, các di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại nói chung.

Để tiếp tục tạo sức sống mới, sự lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, Thủ tướng đề nghị chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả "Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái” theo đúng cam kết với UNESCO.

Thủ tướng yêu cầu mỗi người dân cần nhận thức rõ đây là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời có hành động ứng xử xứng tầm. Các cấp, các ngành có liên quan cần có chương trình truyền thông, quảng bá mạnh mẽ, cần vượt qua biên giới Việt Nam để nghệ thuật này mãi mãi trường tồn và đời đời bền vững; để thế giới biết đến nhiều hơn, yêu quý, trân trọng và kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn với đất nước, con người Việt Nam. 

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống của các dân tộc nói chung và Xòe Thái nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. 

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần dành sự quan tâm xứng đáng đối với đời sống mọi mặt của các nghệ nhân am hiểu và tâm huyết với di sản; đồng thời, tạo các điều kiện thuận lợi về môi trường diễn xướng để thực hành Xòe Thái phù hợp với các điều kiện phát triển mới của đất nước. 

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản "Nghệ thuật Xòe Thái”



Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy trân trọng cảm ơn và tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (ảnh trên). Đồng thời cam kết, các tỉnh có di sản sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản "Nghệ thuật Xòe Thái” nói riêng và các di sản văn hóa nói chung theo phương châm "lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động”, "biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

 Chương trình nghệ thuật đặc sắc "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản"

Ấn tượng với hàng ngàn đại biểu, người dân và du khách có mặt trong đêm Lễ hội  và truyền hình trực tiếp đến khán giả cả nước qua kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam là chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản" với 3 chương. Đó là những câu chuyện tái hiện cội nguồn của đồng bào Thái và những nét văn hóa độc đáo, tinh túy nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam. 

Chương trình nghệ thuật được thể hiện qua các màn biểu diễn của khoảng 900 diễn viên chuyên và không chuyên, trong đó có sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng như…. và đông đảo diễn viên chính là những người dân, những nghệ nhân người Thái, người dân Tây Bắc đã thổi hồn cho sức sống của nghệ thuật xòe Thái trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái qua nhiều thế hệ. 



Trong chương 1- "Thiên di - Dựng bản lập mường” (ảnh trên) là câu chuyện tái hiện truyền thuyết từ hàng ngàn năm trước, người Thái dựng bản, lập mường, khai phá những vùng đất mới và tạo nên những cánh đồng lúa rộng lớn "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” của vùng Tây Bắc.



Ở chương 2-" Miền di sản” (ảnh trên) thể hiện những nét văn hóa độc đáo trong đời sống của cộng đồng người Thái Tây Bắc Việt Nam như: tắm suối, Hạn khuống, đám cưới - tằng cẩu, dệt thổ cẩm....



Chương 3: "Tinh hoa nghệ thuật Xòe” (ảnh trên) là những màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái hoành tráng, độc đáo, với sự tham gia của 2.022 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên nghệ thuật chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng; thể hiện qua những hình tượng văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.  

Trong đêm thu đặc biệt giữa mảnh đất Mường Lò đậm màu huyền thoại, hàng triệu trái tim cùng hội tụ để chứng kiến thời khắc đầy ý nghĩa trong Lễ đón nhận Bằng của UNESCO vinh danh "Nghệ Thuật Xòe Thái” và hân hoan trong không gian Khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022. 

Không phân biệt già trẻ, lạ hay quen, tất cả tay trong tay hòa nhịp vũ điệu tâm hồn, kết nối những vòng xòe bất tận để gắn kết, gìn giữ và giới thiệu, quảng bá nghệ thuật Xòe Thái trong niềm tự hào lan tỏa tinh hoa di sản nghệ thuật của đồng bào dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam nói chung tới du khách trong và ngoài nước. 

*Một số hình ảnh tại Lễ hội:


Người dân Nghĩa Lộ hân hoan chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính.


Thiếu nữ Thái trao khăn thổ cẩm cho Thủ tướng.

Ca sĩ Tùng Dương với ca khúc Dấu chân của mẹ.




Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu cùng tay trong tay vui điệu xoè hoa.


Vòng xòe kết thành biểu tượng "Khau cút" trang trí trên hai đầu nóc nhà sàn của đồng bào Thái.




Vòng đại xoè  kết thành hình những bông ban 5 cánh- loài hoa biểu tượng của miền Tây Bắc 






Thanh Chi - Thu Trang - Đức Toàn - Mạnh Cường


Tags Lễ đón bằng UNESCO nghệ thuật Xoè Thái Di sản văn hoá phi vật thể lễ hội du lịch Mường Lò

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái phát biểu đáp từ tại Lễ đón nhận.

Sau ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã phát biểu đáp từ. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái.

Tối 24/9, phát biểu chỉ đạo tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây vừa là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi chúng ta nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương, các thế hệ nghệ nhân dân gian dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng!

Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định: đây là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt; tôn vinh và tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Tự hào gắn liền với thương hiệu của Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò nhiều năm qua, chương trình diễu diễn đường phố mang đến cho người xem một không gian văn hoá đặc sắc, tôn vinh các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc mỗi địa phương. Năm nay, chương trình diễu diễn càng đặc biệt hơn đối với nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Bắc khi nghệ thuật Xoè thái được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục