Bánh chuối người Tày Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2013 | 4:59:17 PM

YBĐT - Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiểu và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối - chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.

Với bánh chuối, sự hấp dẫn được thể hiện qua những bàn tay khéo léo, tài tình của các bà, các mẹ. Bánh được tạo nên chủ yếu từ chuối và một chút bột gạo mới. Để làm được một chiếc bánh chuối thơm ngon, giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối, màu bánh vàng như nhúng mật họ phải chuẩn bị khá công phu từ khi chuối ra nải. Quả chuối chín, đem bóc vỏ, rồi được sấy khô để dành trong những nậm bí khô và được dùng dần trong một năm.

Khi làm bánh, chuối sấy khô được đem ngâm nước ấm cho mềm rồi đem xay thành bột, bột gạo cũng phải xay bột nước cùng với bột chuối trộn đều làm vỏ bánh.

Muốn có bánh thơm, ngọt thì nguyên liệu được chọn là chuối tiêu; muốn bánh có độ dai dẻo, màu sắc sáng thì chọn chuối goòng, chuối lá… tùy theo sở thích, do vậy mà trong những dịp rằm tháng Giêng, tết Đoan ngọ, hay rằm tháng Bảy thì bánh chuối cũng đa dạng, phong phú chẳng kém gì các đồ dâng cúng tế khác.

Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân là đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng từ dây chuối đúng là chẳng giống với bất kỳ loại bánh nào. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa.

Ngày nay đời sống kinh tế có phần khá giả, nhiều loại bánh, hoa quả ngon đã về từng bản mường, nhưng phong tục làm bánh chuối và những người yêu thích giá trị tinh thần của loại bánh này mãi còn nguyên vẹn. Đặc biệt, trong bản người Tày ở Lục Yên luôn coi bánh chuối là thành phần quan trọng phải có trong mỗi nghi lễ và vì thế sản vật này muôn đời tồn tại, trở thành nét văn hóa ẩm thức đặc trưng của người nơi đây.

Thanh Thuỷ

Các tin khác

YBĐT - Nhắc đến ẩm thực vùng đất Ngọc Lục Yên, người ta thường nhớ đến những đặc sản có tiếng như: cam sành, khoai tím, hồng không hạt, gà trống thiến... thơm ngon nổi tiếng khắp vùng. Nhưng còn có một đặc sản nữa rất dân dã, đó là món cà giòn, chỉ có ở Lục Yên.

Măng sặt rộ nhất là vào tháng Giêng đến tháng Ba.

YBĐT - Mùa xuân - mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc và cũng là lúc những búp măng sặt nuột nà, căng tràn sức sống đang vươn ra từ lòng đất, đón ánh nắng mặt trời. Và măng sặt ở Yên Bái đã trở thành món đặc sản được nhiều thực khách ưa thích và tìm đến thị xã Nghĩa Lộ để tìm mua loại măng này khi mùa măng đến.

YBĐT- Những cảm nhận từ vị mát của thịt cá, vị bùi thơm từ xương băm, vị giai giòn từ bẹ chuối non, hòa quyện cùng hương vị chua, cay của chanh, ớt và rau rừng, chắc hẳn trong mỗi thực khách sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo của cá Bỗng.

YBĐT - Mường Lò - mảnh đất của “gạo trắng, nước trong”, nơi có những cô gái Thái duyên dáng trong chiếc áo cỏm, khăn piêu không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng có mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào cũng vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng. Một trong những món ăn ngon ngày tết mang đặc trưng riêng của người Thái Mường Lò là bánh chưng đen.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục