Mỗi du khách khi đến với Mường Lò trong tiết trời xuân đều không thể cưỡng lại vẻ đẹp yên bình của các bản làng người Thái. Tôi càng may mắn hơn khi gặp được nghệ nhân Điêu Thị Xiêng - người được coi là "từ điển sống về văn hóa Thái Mường Lò”.
Không chút do dự, nghệ nhân đưa tôi đi thăm bản làng, nói chuyện về văn hóa và đến gia đình đồng bào người Thái để cùng làm mâm cơm tết. Chúng tôi đến nhà chị Lường Thị Chung ở bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi đúng vào ngày gia đình mổ lợn ăn tết.
"Ngày tết, nhà nào cũng làm vài mâm cúng ông bà tổ tiên, mời anh em, họ hàng, thông gia, con cháu ăn tết đoàn viên. Trước khi mời khách ăn tết, chủ nhà mang thủ, đuôi, chân, sườn lợn luộc chín đặt lên bàn thờ thắp hương tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết, cầu xin tổ tiên phù hộ. Sau khi cúng xong, tất cả phải để nguyên trên bàn thờ không được ăn mà chỉ bê mâm đã chế biến mời khách. Cứ như vậy, bữa trưa nhà này mời ăn tết thì bữa tối và hôm sau lại nhà khác mời đến uống rượu ăn tết vui xuân mới”.
Tại căn bếp từ trái nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái, các bà, các mẹ, anh em họ hàng bên gia đình chị Chung đang chuẩn bị cho mâm cỗ. Chị Hoàng Thị Phượng ở tận bản Đêu, xã Nghĩa An đang giúp đồ xôi. Xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Xôi ngũ sắc thơm ngon từ vị giác với sự béo ngậy của hạt gạo, vị thơm của lá nếp, tới sự thỏa mãn của thị giác với những màu sắc đẹp lung linh mà nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, mang đặc trưng riêng của phong vị miền Tây Bắc.
Đây không chỉ là món ăn cổ truyền mà còn là món ăn linh thiêng gắn với văn hóa tộc người và theo sự tín ngưỡng dân gian gắn với mỗi vòng đời của con người. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của ống nứa, vị thanh thanh của lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ vị giác của người thưởng thức.
Ngoài sân, chị Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn đang phụ trách làm món cá pa pỉnh tộp. Chị Loan cho biết, từ xa xưa, cá và các loại thủy sản khác đã là nguồn thực phẩm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người Thái. Khi đứa con mới đẻ, người mẹ lấy đôi đũa mới gắp miếng cá nướng chấm vào miệng con trẻ, làm như vậy có nghĩa là bé sinh ra hưởng miếng cơm cá mà lớn khôn.
Để làm được món pa pỉnh tộp, người ta chọn loại cá chép khoảng 0,5 kg trở lên, béo và còn tươi sống. Trước khi mổ phải cạo vảy để gia vị ướp ngấm đều vào cá, không mổ cá đằng bụng mà phải mổ dọc sống lưng để khi gấp úp, con cá mềm mại dễ gấp hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá.
Các món ăn của người Thái mang hương vị đặc trưng khó quên cũng là nhờ sự pha trộn khéo léo và hợp lý giữa các loại gia vị cay, chua, đắng, mặn, ngọt như ớt, tỏi, gừng, sả, mắc khén và các loại rau thơm…
Chị Loan còn bảo, khách quý tới nhà, sau khi đôi lời chia vui, cảm ơn quý khách, chủ nhà sẽ chia phần pa pỉnh tộp cho khách và mọi người với ý niệm: đây là món ăn quý trọng, mến khách, hẹn gặp lại không bao giờ quên!
Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng còn giới thiệu cho tôi rất nhiều món ăn, trong đó có món gà nướng. Để làm được món này, bao giờ cũng là gà nhảy ổ, đấy là lúc gà béo nhất mà thịt lại mềm. Cách nướng cũng độc đáo, gà mổ sạch, ướp gừng, sả, lá thơm, hạt sẻn (mắc khén) rồi nướng than. Bí quyết là khi nướng phải vừa xoay đều tay vừa quạt nhẹ, thỉnh thoảng dùng lông gà phết mỡ lên thân gà, có thế, gà mới chín đều, vàng và thơm ngậy.
Món thịt trâu khô lại được chế biến từ thịt bắp trâu, sau khi nướng đủ độ chín, khi ăn xé ra thành từng sợi nhỏ, cọng dài ta cảm nhận được vị ngọt của thịt, mùi khói ngai ngái của núi rừng, sự đậm đà tổng hợp các gia vị tẩm như sả, ớt, tỏi, tiêu… tạo nên sức hấp dẫn cho món đặc sản vùng cao Tây Bắc.
Các món rau cũng không kém phần hấp dẫn như: rau cải nương ngọt dịu, bẹ chuối rừng bùi bùi đậm đà, rêu đá nấu canh hay trộn gia vị rồi nướng đều vô cùng hấp dẫn, hoa ban nấu canh hoặc xào đều ngọt ngào và thơm dịu.
Ngày xuân đến với các bản làng của người Thái, du khách đều được nắm tay múa xòe với những cô gái Thái "thắt đáy lưng ong” đảm đang, được nghe những bài hát khắp, được ăn món ăn đặc trưng mang đầy triết lý nhân sinh của con người Tây Bắc: "Âm dương của vũ trụ, khát vọng ấm no, hạnh phúc của con người”.
Ngọc Sơn