Tròn 20 năm trước, Aliou Cisse mang băng đội trưởng trong lần đầu tiên tuyển Senegal tham dự World Cup.
Khởi xướng trào lưu sang Anh
Bị xem là đội lót đường trong một bảng đấu gồm đương kim vô địch Pháp và hai đội khá mạnh Uruguay, Đan Mạch, Senegal bất ngờ quật ngã tuyển Pháp và sau đó tiến vào đến tận vòng tứ kết.
Kỳ tích đó đã khởi xướng nên trào lưu các ngôi sao châu Phi đổ bộ sang Giải ngoại hạng Anh (Premier League). Rất nhiều trụ cột của tuyển Senegal khi đó đã tìm được bến đỗ ở Anh, thay vì chỉ dừng chân ở Pháp như nhiều thế hệ đàn anh trước đây như Henri Camara, El Hadji Diouf, Amdy Faye và đội trưởng Aliou Cisse.
Có một sự nghiệp cầu thủ khá lẫy lừng, chẳng ai ngờ tiền vệ có vẻ ngoài bụi bặm, mái tóc thắt bím và phong cách ăn mặc đầy vẻ hip hop này lại có thể vươn lên một tầm cao mới khi đến với nghề HLV. Giã từ sự nghiệp cầu thủ, Cisse được nhận làm HLV đội U23 Senegal năm 2013, và hai năm sau chính thức ngồi vào ghế HLV trưởng tuyển Senegal.
"Anh cả" Aliou Cisse
Và Aliou Cisse góp công rất lớn định hình nên đội tuyển Senegal hiện tại. Những Sadio Mane, Cheikhou Kouyate, Idrissa Gueye đều từng làm việc với Cisse từ đội trẻ Senegal. Không chỉ vậy, theo Kouyaté, Cisse thường xuyên đến Pháp - nơi rất nhiều cầu thủ trẻ có gốc Senegal sinh trưởng để trò chuyện cùng họ. Kết quả vào những năm 2015 - 2019, một làn sóng ồ ạt những cầu thủ từng chơi cho các đội trẻ Pháp quyết định "hồi hương", trở về khoác áo tuyển Senegal như Kalidou Koulibaly, Abou Diallo, Pape Gueye...
Với họ, Aliou Cisse không chỉ là một HLV, ông giống như một người anh cả với uy thế và lời nói nặng như núi. Nhiều cầu thủ bị xem là không đủ tiêu chuẩn khoác áo tuyển Pháp đã trở về Senegal để tìm kiếm cơ hội. Và Cisse đã không phụ lòng họ. Năm 2018, ông dẫn dắt "những chú sư tử Teranga" giành vé dự World Cup 2018 (dừng bước ở vòng bảng). Một năm sau họ đoạt vị trí á quân AFCON 2021, và hai năm sau nữa chính thức đăng quang giải vô địch của lục địa đen.
Những người chấn hưng đội tuyển
Ở World Cup 2022, có rất nhiều HLV từng dự World Cup trong vai trò cầu thủ như Gareth Southgate (HLV tuyển Anh), Gregg Berhalter (Mỹ), Didier Deschamps (Pháp), Luis Enrique (Tây Ban Nha), Rigobert Song (Cameroon), Dragan Stojkovic (Serbia) và Paulo Bento (Hàn Quốc). Trừ Bento (Bồ Đào Nha), tất cả đều dẫn dắt đội tuyển quốc gia nước mình. Trong số này, dựa trên kinh nghiệm và uy tín của mình, nhiều người thực sự hoàn thành được nhiệm vụ chấn hưng đội tuyển quốc gia. Deschamps, Berhalter hay Stojkovic là ví dụ.
Sau thất bại ở vòng loại World Cup 2018, Liên đoàn Bóng đá Mỹ bổ nhiệm Berhalter với hy vọng cựu danh thủ này sẽ tạo nên một sự kích thích tinh thần cho thế hệ ngôi sao đàn em - những người tuy được đánh giá cao về tài năng nhưng lại thiếu tinh thần chiến đấu. Hiện có thể khẳng định Berhalter đang thành công khi ông giúp tuyển Mỹ vô địch Gold Cup 2021 và trở lại đấu trường World Cup. Tương tự, Stojkovic - người chỉ mất một năm để giúp thế hệ cầu thủ tài năng hiện tại của Serbia lấy lại chiếc vé dự World Cup.
Các cựu danh thủ luôn có lợi thế khi làm HLV, đặc biệt là HLV tuyển quốc gia nhờ vào uy tín, vị thế của họ trong cộng đồng bóng đá nước nhà. World Cup 2022 là nơi chứng minh rõ nét điều đó.
Khó xử vì bạn thân
Nhưng không phải HLV xuất thân cựu danh thủ nào cũng gặp thuận lợi. Rigobert Song - người dẫn dắt tuyển Cameroon dự World Cup 2022 - lại đang gặp khó vì lùm xùm xoay quanh người bạn thân và cũng là chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Cameroon - Samuel Eto’o.
Truyền thông tố Eto’o đã can thiệp quá sâu vào tuyển Cameroon, đến mức Song bị ép phải gọi lên tuyển cả những cầu thủ mà ông... không nhớ tên. Trong một bài phát biểu gần đây, Eto’o còn nói rằng tuyển Cameroon có thể vô địch World Cup. Không có cách nào khác, HLV Rigobert Song phải phụ họa theo người đồng đội cũ của mình. |
(Theo TTO)