FIFA kiếm được khoản doanh thu chưa từng có lên tới 7,5 tỷ USD sau 4 năm thực hiện các thỏa thuận thương mại gắn liền với World Cup 2022 tại Qatar.
|
FIFA kiếm được hơn 7 tỷ USD trong quá trình tổ chức World Cup 2022.
|
Khoản doanh thu mà FIFA công bố hôm 20/11 (giờ Hà Nội) cao hơn 1 tỷ USD so với những gì tổ chức này thu được từ kỳ World Cup trước đó diễn ra tại Nga vào năm 2018. Nguồn thu của FIFA tăng thêm nhờ họ thực hiện các thỏa thuận thương mại quan trọng với chủ nhà.
FIFA cũng tiết kiệm đáng kể chi phí tại Qatar do giải đấu chủ yếu diễn ra ở cùng một thành phố. Tất cả 8 sân vận động World Cup đều nằm trong phạm vi bán kính 50 km quanh thủ đô Doha. Điều này cho phép đội chủ nhà tối ưu hóa việc sử dụng các cơ sở hạ tầng, bao gồm các trung tâm truyền thông và khách sạn, giúp FIFA cắt giảm chi phí đi lại mà họ vốn phải chịu trách nhiệm.
FIFA tính toán doanh thu cho một kỳ World Cup theo chu kỳ 4 năm. Đối với giai đoạn 2015-2018 với kỳ World Cup tổ chức ở Nga, tổ chức quyền lực nhất làng túc cầu kiếm được 6,4 tỷ USD.
Theo Guardian, doanh thu của FIFA có thể đạt tới 10 tỷ USD trong 4 năm tới nhờ chiến lược tài chính mới cho bóng đá nữ và kỳ World Cup 2026 mở rộng ở Mỹ, Canada và Mexico. Đó là lần đầu tiên World Cup xuất hiện 48 đội tranh tài so với chỉ 32 ở thời điểm này.
Ngược lại, FIFA sẽ trả tiền cho ban tổ chức, tiền thưởng, chi phí đi lại và ăn ở cho các đội và nhân viên hỗ trợ. Họ cũng trả tiền cho một quỹ di sản để giúp phát triển môn thể thao này ở Qatar sau khi World Cup 2022 khép lại.
440 triệu USD là tổng giá trị tiền thưởng FIFA trích ra để trao cho các đội tuyển tại World Cup 2022. Trong đó, đội lên ngôi vô địch sẽ nhận 44 triệu USD. Con số này không đáng kể so với những gì FIFA thu được.
FIFA "ăn nên làm ra" nhưng Qatar được cho là tổn thất nặng nề. GDP của Qatar chỉ rơi vào khoảng 180 tỷ USD trong năm 2022. Nhưng nước chủ nhà chi tới 230 tỷ để tổ chức kỳ Cúp thế giới đầu tiên vào mùa đông.
Để hình dung cho độ khổng lồ thì nó lớn gấp gần 20 lần số tiền mà Nga đã bỏ ra để tổ chức World Cup 2018, còn ở một mức độ tổng quát hơn thì gấp gần 5 lần tổng chi của 7 chủ nhà VCK gần nhất.
Với việc không được FIFA chia sẻ doanh thu bản quyền truyền hình, tiền tài trợ và thậm chí cả tiền bán vé các trận đấu, Qatar xác định trước tinh thần sẽ lỗ nặng.
(Theo Zing)