Trong khi Qatar đối mặt với nhiều thách thức về hậu cần và an ninh để điều hành World Cup 2022, thành phố Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lại trở thành điểm đến của hàng nghìn người hâm mộ bóng đá.
Họ chọn Dubai làm nơi lưu trú trong thời gian World Cup vì khoảng cách gần với Qatar, trong khi chỗ ở tại đây rẻ hơn và có thể uống bia dễ dàng mà không vướng các quy định khắt khe như nước chủ nhà sự kiện. Dubai cũng là nơi quen thuộc với du khách phương Tây hơn nước láng giềng.
Các hãng hàng không triển khai hàng chục chuyến bay mỗi ngày giữa Dubai và Qatar, giúp việc đi lại của các cổ động viên trở nên dễ dàng hơn. Các nước láng giềng khác như Arab Saudi, Bahrain và Oman cũng tăng một số chuyến bay từ các thành phố của họ tới Qatar, nhưng chủ yếu để phục vụ người dân trong nước.
Các thành viên Barry Horns, ban nhạc chuyên đi theo cổ vũ đội tuyển bóng đá xứ Wales, đã có mặt ở Dubai trong quá trình đội nhà thi đấu ở vòng bảng và bay tới Doha, nơi họ được mời biểu diễn.
Ban nhạc đã chơi tại một quán bar vào ngày 20/11 cho câu lạc bộ cổ động viên xứ Wales ở Dubai. Họ đã buộc phải tăng quy mô địa điểm tổ chức buổi diễn để có thể đón tiếp toàn bộ người hâm mộ trong trận đầu tiên của đội tuyển xứ Wales gặp Mỹ vào đêm 21/11.
Gareth Evans, thành viên Barry Horns, cho biết ban nhạc quyết định tới Dubai do phòng khách sạn tại Qatar quá đắt và khó kiếm, đồng thời "văn hóa ở đó cũng không phù hợp với những giá trị của ban nhạc".
"Chúng tôi chỉ là những người thích bia rượu", thành viên James Watkins nói thêm.
Qatar cấm bán bia rượu xung quanh các sân vận động, khiến nhiều người hâm mộ phương Tây có cảm giác rằng họ sẽ gặp khó khăn nếu muốn uống rượu ở đây.
Trong khi đó, Dubai nhiều năm qua đầu tư vào các khách sạn, quán bar và nhà hàng nhằm thu hút khách du lịch. Tiểu vương quốc đã nới lỏng các quy định về thời điểm và cách thức những người không theo đạo Hồi có thể mua rượu. Hàng loạt câu lạc bộ thời thượng mọc lên dọc bãi biển Dubai, chuyên dành cho du khách nước ngoài tiệc tùng.
Những động thái này là một phần nỗ lực của Dubai nói riêng và UAE nói chung nhằm thu hút du khách nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những chính sách như vậy đã góp phần biến Dubai trở thành sân chơi cho giới siêu giàu.
Theo Eddy Ilano, người Mỹ 62 tuổi, thay vì trả hơn 100 USD/đêm để ngủ trong lều bạt dựng trên bãi biển ở Qatar, người hâm mộ dự World Cup có thể chi 240 USD một đêm trong khách sạn 5 sao ở Dubai.
Ông đang ở trong một khách sạn với bạn bè ở Dubai và họ dự kiến bay 26 chuyến qua lại giữa Dubai và Qatar để xem 5 trận đấu World Cup và tới thăm kim tự tháp Giza của Ai Cập.
Không phải tất cả các chuyến bay từ Dubai tới Qatar trong ngày 21/11, ngày khai mạc World Cup, đều diễn ra suôn sẻ. Thời gian bay chỉ mất hơn một giờ, nhưng một số chuyến đã tới muộn. Một trong những nhà ga tại sân bay hết bia.
Hàng trăm cổ động viên xứ Wales đã trở lại Dubai vào sáng sớm 22/11, sau một đêm cuồng nhiệt với đội tuyển trong trận đấu gặp Mỹ. Một số người phàn nàn về thời gian chờ đợi tàu điện ngầm và chuyến bay chậm trễ.
"Lẽ ra đội chúng tôi đã thắng", Kerry Boycott, người sẽ ở lại Dubai 11 ngày trong một khách sạn trọn gói thay vì Qatar, cho hay. Cô và chồng đã bỏ ra 700 USD cho hai chuyến bay và hai tấm vé từ Dubai.
David Cattanach, người điều hành quán bar Irish Village ở Dubai, chiếu các trận đấu trên màn hình lớn đặt ở sân quần vợt liền kề với quán. Ông hy vọng sẽ thu hút khoảng 2.000 người tới xem các trận đấu ở vòng loại trực tiếp. Cattanach cho biết các khách sạn, nhà hàng ở Dubai đều hy vọng Anh sẽ lọt vào vòng trong để hút thêm khách hàng, bởi rất nhiều người Anh sinh sống ở UAE.
Adnan Kazim, giám đốc thương mại hãng hàng không hàng đầu Dubai Emirates Airline, nói lượng khách tới Dubai trong tháng 11 năm nay cao hơn 11% so với năm ngoái, đặc biệt là từ các nước yêu bóng đá như Argentina, Australia, Brazil, Tây Ban Nha và Mexico.
Hàng trăm người hâm mộ siêu giàu cũng đáp chuyên cơ riêng tới Dubai và thường xuyên bay tới Doha để theo dõi World Cup, theo Adel Mardini, giám đốc cảng hàng không tư nhân ở tiểu vương quốc.
Tiểu vương Dubai kiêm Phó tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Rashid đăng trên Twitter rằng việc Qatar đăng cai World Cup là "cột mốc lịch sử với tất cả người Arab".
Vài năm trước, quan hệ giữa UAE và Qatar không tốt đẹp như vậy, khi Abu Dhabi cùng các quốc gia Trung Đông khác phối hợp phong tỏa kinh tế Qatar, cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố, dù nước này phủ nhận. Các bên đã khôi phục quan hệ vào năm ngoái. Arab Saudi, quốc gia dẫn đầu nỗ lực phong tỏa năm 2017, giờ cũng có mối quan hệ nồng ấm hơn với nước chủ nhà World Cup.
Dù thoải mái hơn Qatar, Dubai vẫn nhắc nhở người hâm mộ về một số quy tắc của tiểu vương quốc. Trong hướng dẫn dành cho khách du lịch mùa World Cup, cảnh sát Dubai cảnh báo họ không được sử dụng ma túy, thể hiện tình cảm công khai và ghé các địa điểm massage không được cấp phép.
Kabir Mulchandani, người điều hành khách sạn 5 sao Five ở Dubai, cho biết khách sạn dự kiến đạt mức 90% lượng đặt phòng trong các tuần diễn ra World Cup. "Chúng tôi đang chứng kiến tăng trưởng vượt bậc và tôi không thể nói còn động lực nào khác ngoài World Cup", ông nói.
(Theo VnExpress)