SEA Games 32 diễn ra dưới điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn tới thành tích thi đấu của các vận động viên và trở thành mối quan tâm hàng đầu của các đoàn thể thao tại SEA Games 32. Năm nay, đỉnh điểm nắng nóng ở Phnom Penh và các tỉnh thành lân cận rơi vào tháng 4, tháng 5. Không ít VĐV tham gia tranh tài tại SEA Games 32 đã gặp vấn đề về sức khỏe khi phải thi đấu dưới cái nóng như "đốt”. Vượt qua những khó khăn, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đang khẳng định vị thế hàng đầu của mình tại khu vực.
Với những gì đang diễn ra, TTVN tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra nằm trong top đầu bảng tổng sắp nhiều khả năng sẽ hoàn thành khi còn nhiều nội dung mà các VĐV Việt Nam có thể tiếp tục đem về vinh quang trong những ngày tới. Dự báo trong những ngày còn lại đoàn TTVN sẽ giành thêm khoảng 40 HCV.
Sáng 13/5, lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về tình hình đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội. Tính đến hết ngày 12/5, đoàn TTVN đang tạm đứng đầu bảng tổng sắp với 71 HCV. Tại cuộc gặp, ông Đặng Hà Việt - trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 32 cho biết các môn Olympic đã giành được 28 HCV, hai kỷ lục được phá ở môn bơi do công của kình ngư Phạm Thanh Bảo.
Trong bảng thành tích của các VĐV Việt Nam tới lúc này, điền kinh là một trong những môn đã để lại nhiều dấu ấn. Trong đó nổi bật là 2 cái tên Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Huyền. Chiều 12/5, VĐV Nguyễn Thị Oanh đã tạo kỳ tích cho điền kinh Việt Nam khi giành HCV 10.000m. Lần đầu tiên tranh tài nội dung 10.000m tại đấu trường SEA Games, Nguyễn Thị Oanh chạm tay ngay đến tấm HCV danh giá đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Trước đó, cô đã về nhất ở các cự ly 5.000m nữ, 1.500m nữ và 3.000m vượt rào nữ tại SEA Games 32. Đây là tấm huy chương thứ 4 của Oanh tại SEA Games 32.
Trong lịch sử, chưa từng có VĐV điền kinh nào của Việt Nam giành đến 4 HCV cá nhân trong một kỳ SEA Games. Cô đã sở hữu tổng cộng 12 tấm HCV SEA Games trong sự nghiệp, bên cạnh nhiều danh hiệu khác. 12 HCV của Nguyễn Thị Oanh đến ở 4 kỳ SEA Games gần nhất. Cô giành cú đúp HCV các nội dung 1.500m, 5.000m vào năm 2017 trước khi vô địch 3 nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật trong 3 kỳ đại hội liên tiếp (2019, 2021 và 2023).
Tại SEA Games 2013, Nguyễn Thị Oanh chỉ tham gia nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật và giành HCB. Đến năm 2015, cô buộc phải rút lui khỏi tuyển điền kinh Việt Nam vì bệnh viêm cầu thận cấp. Ở tuổi 28 và thành tích vượt trội các đối thủ khác, Nguyễn Thị Oanh hứa hẹn sẽ tiếp tục thống trị các cự ly sở trường ở SEA Games 33 nếu giữ được phong độ. Những màn trình diễn đáng kinh ngạc của cô khiến mọi người phải ngả mũ khâm phục.
Chiến tích của Nguyễn Thị Oanh đã được hãng thông tấn AFP (Pháp) ngưỡng mộ. Hãng tin này bình luận: "Một ngôi sao điền kinh của Việt Nam đã xuất sắc giành 2 HCV nội dung chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ. Đó là những phần thi oai hùng, cho thấy sự thống trị của cô ở khu vực Đông Nam Á”. Cú poker "vô tiền khoáng hậu" và hai chức vô địch trong vòng hơn 30 phút sẽ là những điểm nhấn khó quên trong sự nghiệp của "bông hồng thép đường chạy dài Đông Nam Á" Nguyễn Thị Oanh.
VĐV quê Bắc Giang trở thành người thứ hai trong lịch sử cán mốc 12 HCV điền kinh ở SEA Games của Việt Nam, sau đàn chị Nguyễn Thị Huyền ở nội dung điền kinh SEA Games. Tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Huyền đã thiết lập kỷ lục mới sau khi cùng đồng đội chiến thắng ở nội dung 4x400m và 400m rào nữ. Đây là tấm HCV thứ 3 của cô tại SEA Games 32, và đồng thời là thứ 13 ở các kỳ SEA Games - kỷ lục ở nội dung điền kinh.
Nguyễn Thị Huyền với HCV thứ 13 tại các kỳ SEA Games.
Với thành tích này, Nguyễn Thị Huyền đã đi vào lịch sử khi trở thành vận động viên giành nhiều HCV điền kinh nhất lịch sử SEA Games. Nguyễn Thị Huyền giành được tổng cộng 13 HCV trong 5 kỳ tham dự SEA Games, vượt qua Nguyễn Thị Oanh (12 HCV) và Triyaningsih (Indonesia) với 11 HCV. Ở tuổi 30, nhưng Nguyễn Thị Huyền vẫn chạy thoăn thoắt trên đường chạy, tiếp tục mang về vinh quang cho điền kinh nói riêng và TTVN nói chung. Cũng tại SEA Games 32, Huỳnh Thị Mỹ Tiên đã về nhất nội dung chạy vượt rào 100m nữ với thành tích 13 giây 50 để giành HCV đầu tiên sau 3 kỳ dự SEA Games. "đây là kỳ SEA Games hạnh phúc nhất” của Mỹ Tiên bởi tấm HCV là điều cô chờ đợi đã lâu.
Cũng vượt qua khó khăn, thử thách bởi lịch thi đấu dày đặc như Nguyễn Thị Oanh còn có Nguyễn Huy Hoàng ở môn bơi cũng thi đấu 2 nội dung chỉ cách nhau 10 phút… ở chung kết 400 m tự do nam, Nguyễn Huy Hoàng đã giành HCV.
Ngay sau khi giành chiến thắng nội dung 400m tự do, Huy Hoàng cấp tốc sang hồ hồi phục bên cạnh và vào chuẩn bị cho chung kết 200m bướm. Dù vậy, Huy Hoàng không thể tạo kỳ tích. Anh cán đích thứ tư với 2 phút 1 giây 28, kém kỳ trước 2 giây 47. Nếu bơi được như kỳ trước tức tái lập kỷ lục quốc gia, Huy Hoàng đã giành HCV. "Tôi đặt mục tiêu giải quyết từng nội dung, theo phương châm nội dung nào thi trước làm tốt trước", VĐV người Quảng Bình nói. "Tôi đã không làm được và cần cố gắng thêm. Dĩ nhiên, lịch thi đấu dày cùng khí hậu nắng nóng tại Campuchia chỉ là một phần nguyên nhân", Huy Hoàng chia sẻ thêm.
Tại SEA Games 32, Huy Hoàng đã giành được HCV cá nhân cự ly 1.500m nam, HCV cá nhân nội dung 400m tự do nam và 1 HCV đồng đội nội dung 4x200m tiếp sức tự do và HCĐ 200m tự do.
Những nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của các VĐV đã đem những tấm HCV đầy quý giá về cho đoàn TTVN và đưa TTVN chiếm vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương cho đến thời điểm này.
(Theo daidoanket)