Để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vào địa bàn thành phố, thực hiện công điện của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố Yên Bái đã tổ chức hội nghị kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; triển khai kế hoạch và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch; chỉ đạo các phòng, ban đơn vị chuyên môn và chính quyền cơ sở tăng cường kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn người dân theo dõi, giám sát thường xuyên đối với đàn lợn trong các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi tập trung.
Thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi biết, chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh; phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch; nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân có liên quan trong việc phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Theo thống kê, thành phố hiện có trên 35.000 con lợn. Để ứng phó với bệnh dịch, thành phố Yên Bái đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn; ban hành các kế hoạch, công điện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố tiếp tục tăng cường tiêm vắc - xin phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng trên đàn lợn.
Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi; phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, những điểm buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn nhằm ngăn chặn nhập lậu, sản phẩm không nguồn gốc, kiểm dịch vào địa bàn; huy động tối đa lực lượng phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát tốt đàn lợn trên địa bàn; thông tin kịp thời diễn biến tình hình bệnh dịch để người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh.
Bà Phạm Minh Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái cho biết: với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật thành phố Yên Bái, Trung tâm đã chủ động tham mưu để xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó, ngăn chặn không để bệnh dịch xâm nhiễm vào địa bàn.
Trong kế hoạch đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, Trung tâm đã ban hành hướng dẫn về cách nhận biết và phòng, chống bệnh DTLCP để tuyên truyền đến nhân dân. Tăng cường tối đa lực lượng cán bộ của Trung tâm về cơ sở để nắm bắt kịp thời tình hình phát triển chăn nuôi của nông dân.
Chủ động thông tin kịp thời tình hình bệnh DTLCP ở các địa bàn đã bị dịch bệnh xâm nhập để bà con nắm bắt thông tin, chủ động các biện pháp không để bệnh dịch xâm nhập địa bàn, làm ảnh hưởng đến chăn nuôi và kinh tế của gia đình. Trung tâm phối hợp với các địa phương in các biểu mẫu để hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học không để bệnh dịch xâm nhiễm vào địa bàn thành phố.
Bệnh DTLCP hiện chưa có vắc - xin phòng bệnh. Giải pháp phòng bệnh chính hiện nay là chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.
Tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vận động người chăn nuôi ký cam kết và thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn.
Nâng cao nhận thức, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh... Với các biện pháp thiết thực, cấp bách thành phố Yên Bái quyết tâm không để bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn.
Lê Hương - Thanh Nghị (Trung tâm TT&VH thành phố Yên Bái)