Ông Phạm Thăng Long - Chủ tịch UBND xã Nga Quán, huyện Trấn Yên khẳng định: từ nhiều năm nay, địa bàn xã không có dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi. Trước mỗi dịch bệnh, chính quyền và người chăn nuôi luôn chủ động ứng phó, kịp thời ngăn chặn dịch từ xa nên hạn chế rủi ro.
Đối với dịch lở mồm long móng (LMLM) và bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc; tăng cường kiểm soát vận chuyển lưu thông lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn; kiểm tra, giám sát đối với đàn lợn tại địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh đến người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán; đồng thời, làm tốt vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến cáo, người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Khi phát hiện lợn mắc bệnh, ốm, chết, yêu cầu báo ngay cho cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.
Đặc biệt, để phòng chống dịch từ xa đảm bảo hiệu quả, xã đã cho thành lập chốt chặn phun thuốc khử trùng tiêu độc các loại xe ra vào khu vực thôn Hồng Hà, Hồng Thái, cách xa trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô lớn trên địa bàn xã, với bán kính 3 km.
Hiện, xã Nga Quán có trên 200 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Số hộ chăn nuôi lợn những năm gần đây có chiều hướng giảm dần do giá lợn bấp bênh, thêm vào đó là dịch bệnh nhiều. Một số hộ chủ động chuyển sang chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng, quy mô trang trại từ 1.000 đến 6.000 con/lứa cho hiệu quả kinh tế khá và ổn định. Trước dịch bệnh LMLM và bệnh DTLCP, tại trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô 600 con của gia đình bà Nguyễn Thị Hành, thôn Hồng Hà đã áp dụng chế độ "nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Việc vào, ra khu vực trang trại chăn nuôi này được kiểm soát chặt chẽ. Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, chủ trang trại đã thực hiện nghiêm ngặt chế độ vệ sinh phòng dịch trên cả đàn lợn và các công nhân làm việc tại trang trại.
Ông Phạm Thăng Long cho rằng: "Vấn đề phòng chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã nói riêng hiện nay, không chỉ là trách nhiệm hay ý thức mà đó là vấn đề tiền của, là tài sản trực tiếp của người dân nên hơn ai hết, họ là những người chủ động nhất, tích cực nhất trong phòng tránh, ngăn chặn dịch bệnh, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi bán công nghiệp. Mặt khác, hoạt động giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn xã cũng được chính quyền tổ chức kiểm soát chặt chẽ theo phương châm là nội bất xuất, ngoại bất nhập...”.
Cùng với chủ động thông tin, khuyến cáo kịp thời người dân ngăn chặn, phòng chống bệnh DTLCP với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, xã Nga Quán đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm phòng vắc - xin LMLM cho toàn bộ đàn gia súc trong diện tiêm phòng đảm bảo hoàn thành ngay trong tháng 3 với mục tiêu đạt tỷ lệ 100% tổng đàn lợn.
Đối với đàn trâu, bò, thực hiện tiêm phòng vắc - xin LMLM theo Kế hoạch số 2979 của UBND tỉnh. Tổ chức tổng vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng tại tất cả các hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ, địa điểm thu gom và sản phẩm động vật trên phạm vi toàn xã.
Minh Thúy