Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch (DTLCP) Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tính đến ngày 12/5/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố, 204 huyện và gần 2.300 xã xuất hiện DTLCP; tổng số lợn bệnh phải tiêu hủy trên 1,2 triệu con, chiếm trên 4% tổng đàn lợn cả nước.
Ngay khi xuất hiện bệnh DTLCP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đã tích cực áp dụng các phương án, biện pháp phòng, chống và khống chế dịch. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân khách quan như do sự lây lan dịch tễ học của bệnh, do thời tiết, còn có bất cập, hạn chế chủ quan như: nhiều địa phương chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời thông tin bệnh dịch, chậm công bố dịch, dẫn đến có tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh; việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, triệt để; chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng yêu cầu; phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ cũng gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh; việc quản lý vận chuyển, quản lý giết mổ và tiêu thụ lợn thịt chưa hiệu quả…
Tại tỉnh Yên Bái, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 3 địa phương: huyện Văn Chấn bệnh dịch xảy ra tại 2 hộ dân của thị trấn Nông trường Trần Phú, tổng số lợn phải tiêu hủy 246 con, trọng lượng trên 18,6 tấn; tại thị xã Nghĩa Lộ, dịch xuất hiện trên đàn lợn của 1 hộ dân ở phường Tân An với 7 con lợn bị chết và tiêu hủy; tại huyện Trấn Yên, dịch xảy ra tại thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, đã chết và tiêu hủy 19 con lợn.
Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình dịch, UBND tỉnh đã thành lập đoàn công tác kịp thời khoanh vùng, khống chế; đội ứng phó nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các huyện, thị xã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lợn bệnh; các đơn vị chức năng đã cấp 120 lít thuốc sát trùng cùng các vật tư đ phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các vùng uy hiếp, vùng đệm; thành lập các chốt, tổ kiểm soát lưu động nhằm kiểm tra, giám sát chăn nuôi lợn trên địa bàn; tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào vùng dịch.
Xác định DTLCP đang gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong ngành chăn nuôi, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến phản ánh diễn biến tình hình dịch và những khó khăn hiện nay, đề xuất giải pháp ứng phó và có những kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.
Kết luận Hội nghị, nhấn mạnh DTLCP ở nước ta hiện nay là "rất nghiêm trọng và rất khó kiểm soát", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã tích cực vào cuộc phòng, chống dịch bệnh DTLCP.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác khống chế dịch như: nhiều địa phương vẫn chưa quyết liệt thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; chưa kịp thời công bố dịch; tình trạng người dân vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra sông, suối vẫn xảy ra…
Xác định phòng chống DTLCP là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và người dân, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiên nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch; các bộ, ngành thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành xuống trực tiếp cùng địa phương kiểm tra, chỉ đạo, kiểm soát dịch hiệu quả, đặc biệt là công tác dập dịch.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Thủ Tướng Chính phủ ban hành chỉ thị, quyết định mới mới phù hợp với tình hình để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất chính sách mới hỗ trợ người chăn nuôi, người thu mua lợn "sạch" phù hợp với điều kiện thực tế; ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn việc giết mổ, xuất bán lợn an toàn trong vùng dịch.
Ngành nông nghiệp chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương chỉ đạo tái cấu trúc ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, tạo sản phẩm thay thế, bù đắp sản phẩm lợn.
Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia căn cứ chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo hệ thống ngành dọc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan phục vụ công tác phòng, chống DTLCP.
Giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.
Đề nghị các địa phương thành lập các trạm kiểm dịch quốc gia, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo các địa phương, cần quyết liệt vào cuộc và phải chịu trách nhiệm về hoạt động phòng, chống dịch; huy động các lực lượng (gồm cả quân đội, công an) chủ động giám sát, phát hiện và tiêu hủy triệt để lợn dịch; duy trì, củng cố năng lực hệ thống thú y các cấp; hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng; chủ động hỗ trợ người dân có lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chăn nuôi thay thế sản phẩm lợn.
Các doanh nghiệp, người dân tiếp tục chung tay, chung sức với ngành nông nghiệp để phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền đúng, chính xác, hiệu quả nhằm hạn chế mức độ lây lan và thiệt hại ở mức thấp nhất do bệnh DTLCP gây ra.
Mạnh Cường