Do đó, công tác dập dịch và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân từ phòng, chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát vận chuyển, giết mổ được đặt lên hàng đầu và càng trở nên cấp bách.
Thông tin điều tra ban đầu cho thấy hầu hết các hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm BDTLCP ở các địa phương trên là do còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo anh Nguyễn Văn Dương ở thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên: nguyên nhân lợn nhiễm BDTLCP có thể là do lợn giống gia đình anh mua đã ủ bệnh sẵn, khi về nhà thì phát bệnh. Theo đó, vào cuối tháng 4, gia đình anh bắt đàn lợn 10 con của thương lái ở huyện Hạ Hòa về nuôi, sau đó 3 ngày thì 1 con chết và từ đó đàn lợn ngày càng có nhiều con biểu hiện ốm. Anh Dương đã báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với vi rút BDTLCP.
Anh cho biết: "Do tôi chủ quan và cũng vì tin tưởng người quen nên đã nhập lợn chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc về nuôi. Đây cũng là bài học lớn cho gia đình tôi và các hộ chăn nuôi khác”.
Cũng trong tình trạng lợn bị ốm chết có biểu hiện của BDTLCP vì mua lợn giống cùng một trang trại, hiện nay toàn bộ đàn lợn hơn 20 con của gia đình anh Cao Văn Mạnh cùng thôn Liên Hiệp đã ốm chết và tiêu hủy. Anh Mạnh cho biết: "Sau khi mua lợn về được vài hôm, lợn có biểu hiện sốt, đi ngoài ra máu, mình đã nhờ thú y ở huyện Hạ Hòa lên chữa nhưng không khỏi”.
Được biết, cả hai đàn lợn của hai gia đình anh Dương và anh Mạnh đều mua của thương lái ở xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Cũng như gia đình anh Dương, anh Mạnh, chị Hà Thị Nga ở thôn 4, xã Quy Mông cũng đã nhập lợn giống ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ về nuôi và hiện nay có 45 con lợn ốm, 1 con đã chết, ngày 13/5/2019 có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút BDTLCP.
Hay như hộ gia đình ông Phạm Ngọc Hưng ở tổ dân phố 3, thị trấn nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn là nơi xảy ra BDTLCP đầu tiên của tỉnh cũng do chủ quan nhà có công việc nên nhiều khách ở các địa phương khác về chơi và đã ra, vào khu vực chăn nuôi của gia đình.
Mặc dù thời gian vừa qua, tỉnh và các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp cho việc phòng, chống BDTLCP xâm nhiễm, tuy nhiên công tác phòng, chống dịch ở một số địa phương vẫn còn chủ quan, để các đối tượng vận chuyển lợn giống vào địa bàn buôn bán. Người chăn nuôi thậm chí không ý thức về mức độ nguy hiểm khi nhập lợn giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch vận chuyển, nên tiềm ẩn mầm bệnh là nguyên nhân chính gây ra dịch.
Ông Lê Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cho biết: "Do đầu năm có dịch lở mồm long móng nên đầu đàn trong dân sụt giảm, nhiều hộ chăn nuôi lớn đã đầu tư chuồng trại, sốt ruột muốn tái đàn và mua lợn bên ngoài địa phương không rõ nguồn gốc về nuôi. Chúng tôi đã rà soát đầu đàn và những hộ mới nhập lợn về nuôi để theo dõi, giám sát; chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng. Xã sẽ tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, ngăn chặn các thương lái vận chuyển lợn ra vào địa bàn xã”.
Thời điểm này, xã Minh Quân tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là những hộ nằm trong vùng dịch, vùng uy hiếp cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột, tuyệt đối không cho người ngoài ra, vào khu vực chăn nuôi. Là một trong những hộ chăn nuôi lâu năm lại nằm giữa 2 ổ dịch nên hiện nay gia đình bà Nguyễn Thị Thủy ở thôn Liên Hiệp đang áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh.
Bà chia sẻ: "Trong chuồng hiện đang có 30 con lợn đang đến kỳ xuất bán nên gia đình cũng lo nắm, sau khi đàn lợn nhà anh Dương và anh Mạnh phát bệnh, tôi đã che chắn chuồng, tăng lượng phun khử trùng ngày 2 lần và rắc vôi bột xung quanh và nghiêm cấm tuyệt đối không cho người ngoài vào khu vực chăn nuôi, nếu có việc phải ra ngoài về đến nhà là tôi phải khử trùng giày, dép”.
Để dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, ngoài những nguyên nhân khách quan như do sự lây lan dịch tễ học của bệnh, do thời tiết thì còn có những nguyên nhân chủ quan. Cụ thể là phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, không tuân thủ khép kín quy trình bảo đảm vệ sinh thú y, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh; chưa có cơ sở giết mổ gia súc tập trung gây khó khăn cho công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ...
Chính vì vậy, ngay lúc này, tỉnh sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống và dập dịch; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, công nghệ cao; tiếp tục tuyên truyền vận động người tiêu dùng không quay lưng lại với các sản phẩm từ thịt lợn; tăng cường thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, các chốt kiểm dịch để kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật...
Cùng với đó, các cấp chính quyền, sở, ngành cần thực hiện nghiêm túc Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2019 của Chủ tịch UBND tỉnh; Kế hoạch số 65 /KH-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2019 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 13/5 Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Với tinh thần quyết liệt "chống dịch như chống giặc”, Yên Bái quyết tâm dập dịch và khống chế không để BDTLCP lây lan ra diện rộng.
Hồng Duyên