Gia đình Ông Đặng Văn Lỉn, tổ 6, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ là một trong những hộ đầu tiên của phường Tân An có lợn bị mắc dịch tả châu Phi và đã phải tiêu hủy 18 con, trọng lượng 647 kg. Đợt dịch bệnh lần này đã khiến gia đình ông Lỉn thiệt hại trên 30 triệu đồng.
Ông Lỉn cho biết: mặc dù đã tiêu hủy đàn lợn gần 2 tháng nhưng gia đình không chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch, hàng ngày gia đình vẫn rắc vôi bột khử trùng chuồng nuôi, dọn rửa chuồng trại sạch sẽ nhằm bảo vệ môi trường, tránh ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi vùng lân cận cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện để tái đàn.
Cũng giống gia đình ông Lỉn, hộ gia đình ông Đồng Văn Tiềng, phường Tân An phát hiện có 1 con lợn con bị chết có những biểu hiện nghi ngờ vào cuối tháng 5 và báo cáo với cán bộ thú y phường, các cơ quan chuyên môn đến kiểm tra và lấy mẫu đi xét nghiệm.
Sau khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, gia đình đã đem tiêu hủy kịp thời, đúng theo quy định tổng đàn lợn gồm 15 con, ước thiệt hại gần 20 triệu đồng.
Ông Tiềng cho biết: "Mặc dù rất xót xa vì lợn nái chỉ một tuần nữa là sinh con, nhưng gia đình tôi đã sớm chủ động trong việc báo cáo, không giấu bệnh, không gọi bán hay giết mổ lợn chết".
Phường Tân An là địa phương đầu tiên của thị xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với 3 ổ dịch, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của thị xã, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn cũng như ý thức của các hộ dân trong biện pháp khoanh vùng, theo dõi sát sao đàn lợn, phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại nên từ ngày 17/6 đến nay, phường Tân An chưa phát hiện thêm ổ dịch nào, hiện phường đã đủ điều kiện để công bố hết dịch.
Nghĩa Lợi là địa phương có số lợn nhiều với tổng đàn hiện thống kê được là 914 con, 139 hộ chăn nuôi. Từ ngày 22/5 đến nay, xã có 7 hộ gia đình bùng phát dịch với tổng 66 con, trọng lượng hơn 2,2 tấn.
Ông Lường Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: Để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi, bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh, ổn định thu nhập cho người chăn nuôi, đảm bảo chỉ tiêu chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, xã Nghĩa Lợi đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tăng cường cán bộ xuống cơ sở, thống kê đàn lợn đồng thời tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu được tầm quan trọng của việc phòng chống dịch. Xã đã hoàn thành tiêm vắc xin đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm, tiêm phòng dại trên đàn chó, tổ chức phun tiêu độc khử trùng đợt 1 với 40l thuốc trên diện tích gần 7 ha.
Cùng với đó, người chăn nuôi trên địa bàn thị xã đã ý thức được sự phức tạp của dịch bệnh nên đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cách ly đàn lợn không cho người ngoài đến gần khu chuồng nuôi, đồng thời hàng ngày vệ sinh khu vực trong chuồng và xung quanh sạch sẽ, rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng. Riêng về chế độ dinh dưỡng, khuyến cáo người dân không cho lợn ăn cám thẳng mà ủ cám với nước sôi, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro dịch bệnh có thể phát sinh.
Anh Hoàng Văn Vĩnh, thôn Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi bây giờ lúc nào cũng tập trung cao độ, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên đến thời điểm này, đàn lợn gần 100 con của hộ gia đình anh vẫn khỏe mạnh, được chăm sóc và vệ sinh sạch sẽ.
Như vậy đến thời điểm này, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã có 18 tổ dân phố thuộc 6 xã, phường có dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn tiêu hủy là 208 con của 27 hộ gia đình, tổng trọng lượng hơn 8 tấn.
Ông Trần Văn Việt - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Hiện tại Trung tâm đang quyết liệt tập trung khoanh vùng, địa bàn nơi dịch đã xảy ra để bám sát và theo dõi đàn lợn ở các địa bàn này, tích cực phun tiêu độc khử trùng hàng ngày.
Đặc biệt, chỉ đạo các xã, phường tổ chức cho các hộ chăn nuôi lợn ký cam kết thực hiện triệt để "5 không " (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra môi trường); không tái đàn trong thời gian có dịch, nếu tiếp tục chăn nuôi phải được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn. Hiện, 2 địa phương có dịch là phường Tân An, phườngTrung Tâm đã qua 30 ngày không có lợn chết do dịch tả lợn châu Phi.
Khánh Linh (Trung tâm TT-VH Nghĩa Lộ)