Ngày 9/3, Cộng hòa Cyprus đã công bố 2 trường hợp đầu tiên ở nước này dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Với thông báo mới của Cyprus, hiện toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có bệnh nhân COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Cyprus Constantinos Ioannou cho biết cả hai trường hợp trên đều vừa từ nước ngoài về và có kết quả dương tính sau khi khoảng 50 người được xét nghiệm. Bệnh nhân nam 25 tuổi trước đó đã tới Milan (Italy) và một bệnh nhân 64 tuổi trở về sau chuyến đi Anh.
Theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 9/3, số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu là 511 người, trong đó Italy nhiều nhất với 463 ca, Pháp 21 ca, Tây Ban Nha 16 ca, Anh 4 ca, Hà Lan 3 ca, Thụy Sĩ 2 ca và Đức 2 ca.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết riêng trong ngày 9/3 nước này ghi nhận thêm 97 ca tử vong và 1.797 ca nhiễm mới, theo đó, tính đến nay Italy đã ghi nhận 9.172 ca nhiễm, trong đó 724 người đã bình phục.
Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Italy vẫn là vùng Lombardy ở miền Bắc với thủ phủ là thành phố Milan. Khu vực miền Bắc Italy đã bị phong tỏa do dịch bệnh này bao gồm nhiều thành phố lớn, trong đó có thành phố nổi tiếng Venice. Người dân không được ra vào khu vực này trừ khi có lý do chính đáng.
Cùng ngày, kênh truyền hình BFFM của Pháp đưa tin Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết ông Riester đã nghỉ ngơi và cách ly tại nhà sau khi xuất hiện những triệu chứng nhiễm.
Hiện đã có 5 nghị sỹ Pháp được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo tin truyền thông ngày 9/3, ngoài 5 nghị sỹ trên còn có 1 nhân viên nhiễm virus làm việc tại nhà ăn của Nghị viện châu Âu và nhiều nghị sỹ có thể đã nhiễm dịch.
Các nguồn tin Bộ Văn hóa Pháp cho biết Bộ trưởng Riester có thể nhiễm virus từ một trong số 5 nghị sỹ trên. Được biết, ông Riester đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cách đây vài ngày.
Giám đốc điều hành ADP, đơn vị điều phối sân bay Charles-de-Gaule ở thủ đô Paris của Pháp, ông Augustin de Romanet cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và hiện đang cách ly tại nhà riêng.
Theo Bộ trưởng Y tế Pháp, nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm, từ 2 tuần qua, nội các Pháp đã thực hiện "không bắt tay" tại các cuộc họp.
Tính đến cuối ngày 9/3, Pháp ghi nhận 1.412 ca nhiễm và 25 ca tử vong do COVID-19.
Tại Hy Lạp, Bộ Y tế nước này thông báo đã ghi nhận 11 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 9/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 84 người. Phần lớn số ca nhiễm liên quan đến một nhóm du khách từ Israel và Ai Cập trở về cuối tháng 2 vừa qua.
Đặc biệt, nhà chức trách Hy Lạp thông báo đã ghi nhận một phụ nữ 40 tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2 trên đảo Lesbos. Đây là ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận trên hòn đảo hiện đang có hàng nghìn người di cư tị nạn.
Giới chức Hy Lạp lo ngại khả năng virus lây lan nhanh tại đây khi những người di cư đang sống trong các trại tị nạn quá tải và hết sức chật hẹp.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mở cửa biên giới với Hy Lạp hồi tuần trước, đã có tới 1.700 người di cư tới các hòn đảo nằm ở vùng biển Aegea của Hy Lạp. Hiện số người di cư đang ở đảo Lesbos đã lên tới hơn 19.000 người, trong khi cơ sở vật chất được xây dựng chỉ đủ cho 3.000 người.
Hiện Hy Lạp đã ra lệnh cấm toàn bộ các hoạt động công cộng, đóng cửa một số trường phổ thông, trường đại học và hoãn các sự kiện thể thao trong nhà trong vòng 15 ngày kể từ 9/3.
Tại Áo, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng lên 140 người và chưa có trường hợp tử vong nào. Niederösterreich là bang có nhiều ca nhiễm nhất với 36 ca, tiếp đến là thủ đô Vienna 35 ca. Bang Tirol 25 ca và Steiermark 16 ca.
Áo chưa thông báo hủy các sự kiện quy mô lớn có đông người tham gia. Dự kiến, giải City Marathon ở Vienna sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch vào 19/4 tới.
Giới chức Áo thông báo từ ngày 10/3 hai bang Kärnten và Tirol có biên giới giáp Italy bắt đầu thực hiện đo thân nhiệt những người qua biên giớ vào Áo.
(Theo Vietnam+)