Châu Âu
Ngày 10-3 và rạng sáng 11-3, Italia vẫn tiếp tục là tâm điểm của dịch bệnh tại châu Âu với 977 ca nhiễm mới được ghi nhận và thêm 168 ca tử vong, đưa số người nhiễm Covid-19 tại nước này vượt qua con số 10.000 người, trong đó có 631 người tử vong. Tỷ lệ số ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia châu Âu này đang ở mức 167,9 ca/1 triệu dân.
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu khác như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ và Na Uy cũng ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới và có thêm các trường hợp tử vong. Pháp đã có tổng cộng 1.784 ca nhiễm Covid-19 và 33 trường hợp tử vong, trong khi chỉ có 12 trường hợp hồi phục được ghi nhận. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo: "Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của dịch bệnh”.
Còn tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm bệnh đang tăng nhanh với hơn 400 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 10-3, đưa tổng số người mắc bệnh tại nước này lên con số 1.695 người, trong đó đã có 35 người tử vong.
Tại Anh, Thứ trưởng Bộ Y tế nước này Nadine Dorries đã có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch Covid-19. Trước đó, bà đã tham dự tiệc chiêu đãi tại phố Downing cùng Thủ tướng Boris Johnson vào ngày 10-3, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ. Người mẹ 84 tuổi của bà cũng đã có triệu chứng ho và đang được xét nghiệm.
Ngày 10-3 (giờ địa phương), Thủ tướng CH Séc Andrej Babis tuyên bố nước này sẽ đóng cửa tất cả các trường tiểu học và trung học từ ngày 11-3, đồng thời ban hành lệnh cấm đối với các sự kiện công cộng có hơn 100 người tham dự. Các trường đại học cũng được yêu cầu dừng các hoạt động dạy và học. Đến nay, CH Séc đã ghi nhận 63 ca nhiễm bệnh.
Sau phiên họp thượng đỉnh trực tuyến tối 10-3, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và nguyên thủ các nước thành viên thống nhất sẽ thành lập một quỹ trị giá 25 tỷ euro để trợ giúp nền kinh tế đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của dịch Covid-19. Đây là phiên họp bất thường do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel triệu tập và được tổ chức trực tuyến nhằm hạn chế rủi ro nhiễm bệnh cho phái đoàn các quốc gia thành viên.
Ngoài việc nới lỏng các quy định về chi tiêu công và chính sách tài khoá cho các nước thành viên, Ủy ban châu Âu cũng cho biết sẽ tìm thêm nguồn tài chính để trợ giúp cho các nghiên cứu điều chế vắc xin. Từ khi dịch Covid-19 lan rộng tại châu Âu, EU đã chi 140 triệu euro để tài trợ cho các hãng dược phẩm và các phòng nghiên cứu.
Ngày 10-3, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli cho biết ông đang tự cách ly tại nhà riêng ở Brussels (Bỉ) để phòng dịch Covid-19 sau khi trở về từ Italia. Quan chức này cho biết vẫn sẽ vẫn tiếp tục làm việc để thực hiện nghĩa vụ của mình. Trước đó, EP đã quyết định rút ngắn cuộc họp hằng tháng do lo ngại sự tham dự của hàng trăm nghị sĩ có thể làm lây lan vi rút.
Với việc Cyprus vừa công bố 2 ca đầu tiên dương tính với vi rút SARS-CoV-2, hiện toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có bệnh nhân Covid-19.
Châu Á
Ngày 10-3, trừ tâm dịch tại tỉnh Hồ Bắc, toàn Trung Quốc đại lục đã không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 nào trong suốt 3 ngày. Tại tỉnh Hồ Bắc, số ca nhiễm mới chỉ tập trung tại thành phố Vũ Hán trong khi tại các thành phố khác không có thêm trường hợp nhiễm mới nào trong 5 ngày qua.
Trò chuyện với bệnh nhân tại bệnh viện Hỏa Thần Sơn trong chuyến khảo sát ở Vũ Hán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẽ chiến thắng cuộc chiến chống dịch bệnh. Chính phủ Trung Quốc cũng thông báo sẽ nới lỏng hạn chế đi lại tại tỉnh Hồ Bắc.
Trong khi đó, Iran hiện đã trở thành tâm điểm của dịch bệnh tại châu Á với 881 ca nhiễm mới trong ngày 10-3, đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 8.042. Nước này cũng đã có tổng cộng 291 trường hợp tử vong, sau khi có thêm 54 trường hợp tử vong trong ngày 10-3.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này đã lên tiếng chỉ trích một số cá nhân thiếu trách nhiệm xã hội khi vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động chung và tiếp xúc dù đã có dấu hiệu nhiễm bệnh, khiến dịch Covid-19 có dấu hiệu lan rộng trong những ngày qua. Singapore đã ghi nhận tổng cộng 166 ca nhiễm bệnh, trong đó có 6 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 10-3.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Abe Shinzo đã chỉ thị kéo dài việc hoãn hoặc hủy các sự kiện thể thao - văn hóa lớn do lo ngại dịch Covid-19 lan rộng, đồng thời nhấn mạnh muốn nhìn thấy hiệu quả rõ ràng của các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Còn ở Hàn Quốc, giới chức nước này thông báo sẽ hoãn một loạt chương trình huấn luyện kết hợp đã lên kế hoạch với các binh sĩ nước ngoài do sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh trên toàn thế giới. Tốc độ lây lan dịch Covid-19 tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu chậm lại trong tuần này, với tổng cộng 7.513 ca nhiễm bệnh đã được ghi nhận.
Châu Mỹ
Hiện số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã lên tới 975 người sau khi có thêm 271 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận. Bang New Jersey thuộc Bờ Đông vừa ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên, với nạn nhân ở độ tuổi 60. Bên cạnh đó, có 4 trường hợp dương tính đã được xác định, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 15 người trên toàn bang.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã lên kế hoạch điều động Vệ binh Quốc gia và lập một vùng giới hạn bán kính 1,5 km tại ổ dịch ở thị trấn New Rochelle, thuộc hạt Westchester, nằm ở ngoại ô thành phố New York. Nơi đây đã có 108 ca nhiễm và trở thành ổ dịch lớn nhất ở nước Mỹ, "vùng số 0” trong cuộc chiến ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan, theo CNN.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sỹ Bernie Sanders đã quyết định hủy cuộc mít tinh được lên kế hoạch vào tối 10-3 ở thành phố Cleveland thuộc bang Ohio. Hai ứng cử viên này đang bước vào cuộc đua nước rút nhằm giành suất đề cử cuối cùng của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
(Theo HNMO)