Do dịch bệnh đã suy giảm đáng kể, hàng loạt nước EU như Đức, Bỉ, Pháp, Áo... đã ra thông báo về việc mở cửa biên giới với các nước trong khu vực từ ngày 15-6. Dù vậy, một số biện pháp hạn chế tiếp tục được duy trì và quyết định mở cửa trở lại biên giới không được thực hiện đồng loạt ở tất cả các nước EU.
Hy Lạp, nước có nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch, đã quyết định nới lỏng biên giới hơn hẳn các nước khác trong khu vực, mời khách du lịch từ một số khu vực bên ngoài EU như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Còn người dân ở Đức và Áo phải đợi tới nửa đêm ngày 15-6 mới có thể đi đường bộ, đường sắt hoặc đường hàng không đến phần còn lại của châu Âu.
Một số nước châu Âu như Hungary, Bulgaria, Áo, Cộng hòa Séc, Slovakia hay Latvia vẫn duy trì các hạn chế đối với khách du lịch ở những nước châu Âu có tỷ lệ nhiễm được cho là còn quá cao như Thụy Điển và Vương quốc Anh. Khách du lịch đến hoặc đi từ những điểm đến này đều bị cấm hoặc phải trải qua xét nghiệm sàng lọc hay cách ly bắt buộc trong vòng 14 ngày.
Na Uy cũng sẽ mở lại biên giới vào 15-6 với các quốc gia Bắc Âu, trừ Thụy Điển. Đan Mạch chỉ tiếp nhận du khách đến từ Đức, Na Uy hoặc Iceland. Còn Romania chưa quyết định mở lại biên giới vào 15-6 cho những người không có quốc tịch và hiện vẫn chưa đưa ra một ngày cụ thể.
Ngày 13-6, Bộ Nội vụ và Ngoại giao Pháp ra thông báo cho biết nước này sẽ mở cửa dần dần biên giới với các nước không thuộc khu vực Schenghen từ ngày 1-7. Thông báo cho biết, việc mở cửa sẽ được thực hiện tùy theo tình hình dịch bệnh ở các nước thứ 3 và theo các thỏa thuận chung của EU. Pháp cũng cảnh báo rằng nước này sẽ áp dụng hình thức "có đi có lại" với những nước EU còn áp đặt các hạn chế đối với công dân Pháp.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha dự kiến mở cửa biên giới từ ngày 1-7, theo chủ trương có đi có lại với một số nước trong khu vực như Pháp. Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vừa cho biết, người dân từ các nước trong khu vực, trừ Bồ Đào Nha, có thể di chuyển tự do tới nước này ngay từ ngày 21-6.
Trong một diễn biến khác, bốn nước EU gồm Đức, Pháp, Italy và Hà Lan đã ký một thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm AstraZeneca, hiện đang phát triển một loại vaccine được cho là đầy hứa hẹn để phòng ngừa virus corona. Mục đích là để bảo đảm nguồn cung cấp 400 triệu liều vaccine do các nước ngoài khu vực sản xuất.
Hãng dược phẩm AstraZeneca đã khẳng định việc thử nghiệm một loại vaccine ngừa virus corona hiện đang "có một bước tiến”. Đây là tập đoàn dược phẩm của Thụy Điển và Anh Quốc. Dù chỉ có bốn nước ký hợp đồng, số lượng vaccine này sẽ dành cho tất cả các nước thành viên EU nếu họ muốn tham gia.
Theo các quan chức Đức, các nước EU hy vọng vaccine sẽ có ngay từ cuối năm nay. Còn Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết, tập đoàn AstraZeneca đã cam kết "không lấy lãi đối với các đơn đặt hàng của EU" và giá dự kiến là khoảng 2 euro/liều. Các cuộc đám phán sẽ tiếp tục được thực hiện với các công ty dược phẩm khác để có thêm nguồn cung cấp trong thời gian sớm nhất và với chi phí thấp nhất.
(Theo Nhân Dân)