Quyết định trên đánh dấu lần đầu tiên sau 100 năm biên giới với bang láng giềng New South Wales bị đóng cửa. Lần mới đây nhất hai bang đóng cửa biên giới là vào năm 1919 do dịch cúm Tây Ban Nha.
Số ca COVID-19 tại Melbourne, thủ phủ của bang Victoria, đã tăng mạnh trong những ngày gần đây, khiến chính quyền phải thi hành các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở 30 vùng ngoại ô và đặt 9 tòa nhà công cộng trong thành phố vào tình trạng phong tỏa hoàn toàn.
Bang Victoria đã báo cáo 127 ca mắc COVID-19 trong 24h qua, mức tăng đột biến nhiều nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.
Tiểu bang này cũng báo cáo 1 ca tử vong, lần đầu tiên trên toàn Australia trong hơn hai tuần qua, đưa tổng số tử vong của cả nước lên 105 người.
''Đây là hành động thông thái, hành động đúng đắn vào thời điểm này, trong bối cảnh chúng ta đang đối mặt những thách thức đáng kể để ngăn chặn loại virus này'', Thủ hiến Andrew phát biểu trước các phóng viên ở Melbourne khi ông tuyên bố đóng cửa biên giới.
Như vậy cho đến lúc này, ngoại trừ Canberra, 6/8 bang và vùng lãnh thổ của Australia đã đóng cửa biên giới với bang Victoria để bảo đảm làn sóng dịch COVID-19 thứ hai từ bang này không lan sang các địa phương khác của Australia.
Mặc dù từ đêm 7/7, biên giới giữa bang Victoria và New South Wales sẽ đóng cửa song các phương tiện giao thông vẫn được qua lại để chở hàng hóa và đưa người dân bang New South Wales về nhà cũng như đưa những người có giấy phép rời khỏi bang Victoria đến bang New South Wales.
Vào thời điểm hiện tại, ngoại trừ bang Victoria, 7 bang và vùng lãnh thổ còn lại của Australia đều đang kiểm soát tốt dịch COVID-19. Trong 24h qua, chỉ xuất hiện 20 ca COVID-19 mới bên ngoài bang Victoria nhưng tất cả đều đang được cách ly trong khách sạn. Tuy vậy, theo ông Tony Bartone, Chủ tịch Hiệp hội y khoa Australia, các bang khác tại Australia cũng không nên chủ quan và nên tạm dừng việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Việc đóng cửa biên giới 2 bang có thể sẽ là một cú đánh vào sự phục hồi kinh tế của Australia khi nước này bước vào thời kỳ suy thoái đầu tiên sau gần 3 thập kỷ.
Bang Victoria đóng góp 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia.
Ông Chris Richardson, chuyên gia kinh tế của Deloitte Access, nhận xét bang Victoria đã phải đối mặt với thiệt hại kinh tế lớn nhất do phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư và sinh viên nước ngoài.
Tuy nhiên, báo cáo của Deloitte Access nhận định, nhờ thành công tương đối trong cuộc chiến chống đại dịch, Australia đã có cơ hội mở sớm trở lại nền kinh tế và điều này có nghĩa là thời điểm khó khăn nhất suy thoái kinh tế có thể đã qua.
Deloitte Access dự báo nền kinh tế Australia sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 5,3% trong năm 2021-2022 và 4% trong năm tiếp theo nhờ sự bùng nổ trong tiêu dùng cá nhân, xây dựng nhà ở và đầu tư tư nhân sau khi đại dịch đi qua.
Chính phủ Australia sẽ công bố báo cáo kinh tế quốc gia vào ngày 23/7 tới. Dự kiến báo cáo sẽ cho thấy nền kinh tế chịu sự suy thoái lớn nhất kể từ những năm 1930 và mức thâm hụt ngân sách cao nhất từ trước đến nay.
(Theo chinhphu.vn)