Chỉ thị của Bộ Y tế về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/10/2020 | 2:15:47 PM

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 2/10 cho biết: Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Chỉ thị số 21/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Chỉ thị nêu rõ: Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, dịch bệnh tại nhiều quốc gia đã bùng phát trở lại với tốc độ lây lan và số ca tử vong cao hơn trước sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng ở một số quốc gia. 

Tại nước ta, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, với hơn 25 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng và tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở y tế vẫn còn tình trạng người nhập cảnh trái phép và có khả năng gây bùng phát dịch như tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị: Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan.

Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các đơn vị triển khai tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn; cập nhật thường xuyên việc thực hiện bệnh viện an toàn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo quy định; xét nghiệm bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện triệu chứng của bệnh, xét nghiệm bệnh nhân nặng, bệnh nhân nằm ở các khoa cấp cứu, thận nhân tạo, hồi sức tích cực, hô hấp...; xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa này, tránh việc lây nhiễm từ nhân viên y tế cho người bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu: Tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; có hình thức phân luồng ưu tiên đối với người đến khám, điều trị thực hiện việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân tại bệnh viện và các biện pháp đảm bảo an toàn cho đối tượng có nguy cơ cao là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người khuyết tật...; hạn chế người nhà đến thăm, chăm sóc người bệnh; trường hợp cần thiết phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cá nhân theo quy định của Bộ Y tế.

Các đơn vị tổ chức tập huấn chuyên môn về phòng, chống dịch COVID-19 cho nhân viên y tế, đặc biệt trong việc tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh, dự phòng lây nhiễm đối với nhân viên y tế và tại cơ sở y tế, kỹ thuật sử dụng máy thở; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đề sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, đáp ứng với tình huống dịch bệnh.

Các cơ sơ y tế chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản cho tình huống xấu; tổ chức diễn tập cho các tình huống; triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng ngày việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các khoa, phòng và bệnh viện; đồng thời có phương án xử lý, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân không tuân thủ.

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị y tế dự phòng thực hiện nghiêm việc kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, yêu cầu tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế; khuyến cáo mạnh mẽ việc cài đặt ứng dụng Bluezone phục vụ truy vết nhanh; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. Các đơn vị y tế dự phòng cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai kế hoạch xét nghiệm theo các giai đoạn của dịch bệnh, nhóm đối tượng ưu tiên; xác định phương án gộp mẫu xét nghiệm phù hợp, điều chuyển mẫu cho các đơn vị khác để giám sát, phát hiện, cách ly, điều trị kịp thời và đảm báo chất lượng kết quá xét nghiệm, an toàn sinh học, tiết kiệm nguồn lực; nâng cao năng lực của các đội phản ứng nhanh đáp ứng dịch để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xứ lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết; tổ chức diễn tập, tập huấn về giám sát phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ y tế về công tác báo cáo, giám sát, lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu và xét nghiệm.

Đặc biệt, các đơn vị cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng về phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế, cài đặt và sử dụng các ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế.

 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tham mưu chính quyền địa phương đầu tư nguồn lực, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch xảy ra trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch trong tình hình mới đối với các cơ quan, đơn vị, trường học và các địa điểm cần giám sát trên địa bàn; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sở Y tế các địa phương chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội; xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định.

Sở Y tế cũng cần xây dựng và triển khai phương án chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để hỗ trợ các cơ sở y tế đáp ứng với tình huống dịch bệnh trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ, kịp thời về chế độ báo hộ lao động, chế độ phụ cấp thường trực phòng, chống dịch theo quy định hiện hành.

Các Viện nghiên cứu tiến hành rà soát, tham mưu các biện pháp chuyên môn kỹ thuật về giám sát, đáp ứng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch và tiến bộ kỹ thuật của các nước trên thế giới; hướng dẫn, giám sát các địa phương thực hiện hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật theo quy định. Các Viện nghiên cứu cũng tiếp tục hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong việc xây dựng, đánh giá, công nhận năng lực xét nghiệm khẳng định, tăng nhanh công suất xét nghiệm xác định SARS-CoV-2 khi cần thiết; đề xuất sử dụng sinh phẩm theo từng tình huống dịch và đánh giá hiệu quả gộp mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các Viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng bệnh COVID-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định SARS-CoV-2; hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh COVID-19...

(Theo Tin tức)

Các tin khác

Trong bối cảnh bầu cử Mỹ vào giai đoạn nước rút Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và vợ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đến nay đã 1 tháng Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng. Hiện 1.018 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta đã được chữa khỏi.

Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/9/2020.

Lệnh phong tỏa sẽ được thực hiện tại thủ đô Madrid với 3 triệu dân và 9 vùng phụ cận và người dân tại đây chỉ được phép ra ngoài với mục đích đi làm, đi học, khám chữa bệnh và mua đồ thiết yếu.

Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vắcxin Sputnik V phòng COVID-19 trên tình nguyện viện tại Moskva, Nga, ngày 15/9/2020.

Sputnik V là vắcxin cần tiêm mũi thứ hai để tăng cường khả năng miễn dịch có được từ mũi tiêm đầu tiên, khoảng thời gian tiêm mũi vắcxin Sputnik V thứ nhất và thứ 2 cách nhau 21 ngày.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục