Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với hơn 10,1 triệu ca mắc và trên 243.000 người tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 94.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ có nguy cơ khó kiểm soát hơn khi biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố sau ngày tổng tuyển cử 3/11. Dịch bệnh cũng lây lan trong các quan chức chính phủ, trong đó, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows là quan chức mới nhất có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số ca mắc bệnh hiện là trên 8,5 triệu trường hợp, bao gồm hơn 126.100 bệnh nhân tử vong. Ngày 7/11 Ấn Độ đã báo cáo trên 39.100 trường hợp mắc COVID-19 mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận trên 3.600 trường hợp nhiễm bệnh, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia này lên hơn 5,6 triệu trường hợp. Hơn 162.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở Brazil.
Tình hình dịch COVID-19 tại "điểm nóng" châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp khi nhiều nước ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới. Ngày 7/11, Ba Lan thông báo có thêm gần 27.900 ca mắc và 445 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong một ngày tại nước này. Hiện số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan là trên 521.600 người trong bối cảnh các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tại Đức, nước này thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng thêm hơn 11.900 trường hợp, lên trên 653.200 người. Cộng hòa Czech có thêm hơn 3.900 người mắc bệnh và 88 người tử vong, nâng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt hơn 407.400 trường hợp và trên 4.600 bệnh nhân. Hungary cũng thông báo thêm 107 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca mắc mới tăng thêm hơn 5.300 ca. Hiện tổng số ca mắc tại Hungary là trên 104.900 trường hợp, bao gồm 2.357 người thiệt mạng.
Trong khi đó, do dịch COVID-19 bùng phát tại các trang trại nuôi chồn hương ở Đan Mạch, ngày 7/11, Anh đã quyết định cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách đến từ Đan Mạch. Lệnh cấm nhập cảnh này có hiệu lực ngay lập tức.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một số loài động vật đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và một số trại chăn nuôi chồn ở Hà Lan và Tây Ban Nha đã báo cáo những trường hợp mắc bệnh. Trong tuyên bố mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo, hiện đã có 6 nước ghi nhận các ca mắc COVID-19 có liên quan tới những trang trại nuôi chồn gồm Mỹ, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Ngày 7/11, Nga ghi nhận thêm gần 20.400 ca mắc, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên trên 1,75 trường hợp. Ngoài ra, nước này cũng thông báo có thêm 364 ca tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên hơn 30.200 bệnh nhân.
Tại châu Á, Indonesia, Philippines và Malaysia đang là các "điểm nóng" dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á. Ngày 7/11, Indonesia ghi nhận hơn 4.200 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên trên 433.800 trường hợp. Số ca tử vong cũng tăng thêm 98 ca, lên 14.540 bệnh nhân.
Trong khi đó, Malaysia ghi nhận thêm hơn 1.100 ca mắc nới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên trên 39.300 trường hợp. Số ca tử vong tại nước này hiện là 282 ca, tăng 3 ca. Số ca mắc mới tiếp tục tăng cao khiến Chính phủ Malaysia quyết định gia hạn lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Kuala Lumpur cho tới đầu tháng 12.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo thêm trên 2.100 ca mắc và 24 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp mắc và không qua khỏi tại nước này lên lần lượt là trên 393.900 người và 7.485 bệnh nhân.
Tại Trung Đông, với 9.450 ca mắc mới trong ngày 7/11, tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 tại Iran, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, đã tăng lên 673.250 người. Đây là số ca mắc mới cao nhất được ghi nhận trong một ngày sau khi con số này duy trì ở mức hơn 8.000 trường hợp trong 6 ngày trước đó. Số ca tử vong cũng tăng thêm 423 bệnh nhân, lên trên 37.800 người.
(Theo VTV)