Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới trên thế giới vẫn ở mức rất cao với hơn 503 nghìn ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong lên đến hơn 7.900 ca.
Tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ vẫn diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ vẫn ở mức rất cao với hơn 171 nghìn ca nhiễm và 970 ca tử vong. Đưa tổng số ca nhiễm Covid-19 tại đất nước này lên hơn 12,77 triệu.
Ấn Độ và Brazil đứng thứ 2 và 3 với số ca nhiễm lần lượt là hơn 9,17 triệu ca nhiễm và hơn 6,08 triệu ca nhiễm. Đứng thứ 4 và 5 về số ca mắc Covid-19 là Pháp và Nga với số ca nhiễm ghi nhận lần lượt ở mức hơn 2,14 triệu ca nhiễm và hơn 2,11 triệu ca nhiễm.
Tại khu vực Đông - Nam Á, Indonesia hiện là quốc gia có tổng số ca bệnh và tử vong vì Covid-19 cao nhất tại khu vực. Theo Worldometers.info tính đến 9 giờ, quốc gia này ghi nhận thêm 4.442 ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 502 nghìn ca.
Philippines - quốc gia chịu tác động dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai trong khu vực Đông - Nam Á - tiếp tục ghi nhận thêm 1.799 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 420.614 ca.
Theo TTXVN, ngày 23-11, Italy - quốc gia châu Âu đầu tiên chịu tác động bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 - đã ghi nhận tổng cộng hơn 50.000 ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.
Bộ Y tế Italy ngày 23-11 ghi nhận thêm 630 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 50.453 người. Ngoài ra, Italy ghi nhận thêm 22.930 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia châu Âu này lên thành 1.431.795 người.
Số liệu trên cho thấy Italy đã gia nhập nhóm các nước Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Anh cùng ghi nhận số người chết do Covid-19 vượt ngưỡng 50.000 ca. Với việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, Italy đã kiểm soát được làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, song số ca mắc mới lại tăng mạnh trong mấy tháng gần đây.
Chính phủ Italy đã tìm cách tránh tái áp đặt lệnh phong tỏa sau khi biện pháp này làm tê liệt nền kinh tế, thay vào đó tập trung vào các lệnh hạn chế theo khu vực bên cạnh lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ban đêm.
Cũng theo TTXVN, Nhóm Ottawa - gồm Liên hiệp châu Âu (EU), Canada và 11 nước khác, ngày 23-11 đã nhất trí về các biện pháp đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn cầu để ứng phó với đại dịch Covid-19 và các đại dịch trong tương lai, trong đó có việc loại bỏ hạn chế xuất khẩu.
Nhóm Ottawa dự kiến sẽ trình các đề xuất của mình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào giữa tháng 12 với hy vọng 164 thành viên WTO sẽ tham gia ký kết trong năm 2021.
Nhóm Ottawa muốn các thành viên WTO cam kết gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với vật tư y tế, trong bối cảnh khoảng 70 thành viên WTO vẫn đang áp dụng các hạn chế này, các quan chức EU cho biết.
Theo Nhóm Ottawa, các thành viên WTO nên thực hiện các bước để nới lỏng dòng chảy thương mại, chẳng hạn như hợp lý hóa thủ tục hải quan, và không áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa liên quan đến đại dịch.
Nhóm Ottawa cũng kêu gọi sự minh bạch hơn và bày tỏ tin tưởng rằng WTO, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) có thể hợp tác chặt chẽ hơn để sẵn sàng đối phó với các đại dịch trong tương lai.
Nhóm Ottawa nhất trí sẽ thúc đẩy đàm phán về thương mại điện tử và ngư nghiệp; duy trì thị trường thực phẩm chế biến cởi mở và có thể dự đoán được; đồng thời lưu ý về tầm quan trọng của việc thảo luận sâu hơn về sự ổn định của thương mại và môi trường tại WTO.
Ngoài EU và Canada, các thành viên khác của Nhóm Ottawa gồm Australia, Brazil, Chile, Nhật Bản, Kenya, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Sỹ.
(Theo Nhân Dân)