Xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ, biến chủng Delta của SARS-CoV-2 có độc lực và khả năng lây nhanh giờ đây đã lan ra 92 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
"Mối đe dọa lớn nhất”
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci hôm qua cho rằng biến chủng Delta đang là "mối đe dọa lớn nhất” cho nỗ lực dập dịch Covid-19 tại Mỹ. Tiến sĩ Fauci cho biết số người nhiễm biến chủng Delta hiện chiếm 20% số ca nhiễm mới tại Mỹ và tỷ lệ này đã tăng gấp đôi trong mỗi 2 tuần.
Chính quyền Mỹ thừa nhận không đạt mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19, lo lắng vì biến chủng Delta
Tiến sĩ Peter Hotez, Hiệu trưởng Trường Y học nhiệt đới quốc gia thuộc Đại học Y Baylor (Mỹ), đánh giá: "Đây là loại lây nhiễm mạnh nhất trong số toàn bộ biến chủng ta từng thấy. Chúng ta đã thấy điều xảy ra tại Anh khi Delta lan khắp cả nước. Vì vậy, tôi lo ngại điều đó sẽ xảy ra tại Mỹ”.
Theo CNN, một số chuyên gia cảnh báo biến chủng Delta có thể khiến Covid-19 tái bùng phát tại Mỹ vào cuối năm nay và tình hình sẽ tệ hại nếu không tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin hơn nữa.
Trong khi đó, Anh - quốc gia đi đầu trong nỗ lực tiêm chủng ở châu Âu - đang phải trì hoãn kế hoạch nới lỏng biện pháp phòng dịch sau khi biến chủng Delta lan rộng ở nước này thời gian gần đây. Hàng chục ngàn ca nhiễm biến chủng Delta đã được phát hiện tại Anh và số lượng liên tục tăng.
Tại Nga, cơ quan y tế hôm qua ghi nhận 548 ca tử vong trong 24 giờ, con số kỷ lục từ tháng 2, và 17.594 ca nhiễm mới. Đại dịch tái bùng phát mạnh đặc biệt là ở thủ đô Moscow được cho là do biến chủng Delta và số người tiêm vắc xin thấp. Thị trưởng Sergei Sobyanin của Moscow cho biết có gần 90% ca nhiễm mới tại thủ đô mắc biến chủng Delta và đã tái ban hành nhiều biện pháp phòng ngừa.
Châu Á chật vật
Thái Lan phát hiện ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên tại Bangkok vào tháng 5 và đến nay đã lan ra 20 tỉnh với hơn 660 ca. Giới chức Thái Lan đã đồng ý thu hẹp khoảng cách giữa 2 liều tiêm vắc xin AstraZeneca từ 10 - 12 tuần xuống còn 8 tuần trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp vì biến chủng Delta. Thái Lan hôm qua ghi nhận số ca tử vong kỷ lục là 51, nâng tổng số ca tử vong lên 1.744.
Tình hình dịch bệnh ở Indonesia đang trong trạng thái báo động đỏ khi số ca nhiễm liên tục tăng vọt. Đợt dịch tồi tệ lần này được cho là do biến chủng Delta nên lây lan nhanh.
Hơn 2 triệu ca nhiễm với hơn 55.000 ca tử vong đã được ghi nhận, nhưng giới chuyên gia cho rằng thực tế còn cao hơn nhiều. Hệ thống y tế Indonesia đang quá tải và giới chức lo ngại nước này có thể mất kiểm soát, trở thành "Ấn Độ thứ hai” nếu không quyết liệt dập dịch.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc được cho là đang cân nhắc kế hoạch đóng biên giới thêm ít nhất một năm giữa lo ngại dịch tái bùng phát do các biến chủng mới như Delta, theo tờ The Wall Street Journal.
Thêm chủng "Delta cộng”
Trong bối cảnh biến chủng Delta đang gây lo ngại, Ấn Độ ngày 22.6 tuyên bố biến chủng mới có tên "Delta cộng” (B.1.617.2.1) là biến chủng gây lo ngại. Tờ The Indian Express dẫn lời quan chức cấp cao Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Rajesh Bhushan cho biết đã phát hiện 22 ca nhiễm Delta cộng tại 3 bang và nhấn mạnh biến chủng này cũng đã hiện diện tại 9 nước khác gồm Nepal, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ và một số nước châu Âu.
Giới chức Ấn Độ cho hay Delta cộng có liên quan Delta (B.1.617.2) và có thể gây lây nhiễm mạnh hơn nên đã ban hành chỉ thị lập tức tiến hành các biện pháp khống chế, tăng cường xét nghiệm, truy vết và tiêm chủng tại những địa phương đã phát hiện.
Các chuyên gia y tế cảnh báo Delta cộng có thể gây ra làn sóng thứ ba tại Ấn Độ trong bối cảnh đợt sóng thứ hai chỉ mới suy yếu. Số liệu được công bố hôm qua cho thấy Ấn Độ có thêm 50.848 ca nhiễm mới và 1.358 ca tử vong trong 24 giờ.
AstraZeneca hiệu quả trước biến chủng Delta
Hãng AstraZeneca hôm qua tuyên bố rằng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng này ngăn chặn hiệu quả các biến chủng Delta và Kappa (B.1.617.1), cả hai loại đều được phát hiện tại Ấn Độ đầu tiên. Thông báo của AstraZeneca dẫn lại kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) về kháng thể trong máu của những bệnh nhân Covid-19 hồi phục và của những người được tiêm vắc xin.
Theo AstraZeneca, nghiên cứu của Đại học Oxford được thực hiện tiếp theo kết quả phân tích của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE). Kết quả phân tích được công bố hồi tuần trước cho thấy vắc xin của Pfizer và AstraZeneca có thể giúp hơn 90% người nhiễm biến chủng Delta không phải nhập viện. Tiến sĩ Anthony Fauci của Mỹ cũng nói rằng các vắc xin được cấp phép tại nước này (Pfizer/BionTech, Moderna và Johnson & Johnson) hoạt động hiệu quả đối với các biến chủng mới của SARS-CoV-2.
(Theo TNO)