Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 98,73 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,089 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng vaccine đã qua điều chỉnh của Moderna và Pfizer-BioNTech để tiêm mũi tăng cường cho trẻ em. Cụ thể, FDA cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech để tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi và vaccine của Moderna cho trẻ từ 6 - 17 tuổi. Theo FDA, các mũi tiêm tăng cường này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn trước biến thể phụ của Omicron. Những người đủ điều kiện phải hoàn thành 2 mũi cơ bản trước ít nhất 2 tháng hoặc mũi tiêm tăng cường gần đây nhất với các vaccine thế hệ đầu tiên.
Trước đó, vaccine mới của Pfizer-BioNTech đã được phê duyệt cho những người từ 12 tuổi trở lên vào tháng 9, trong khi sản phẩm của Moderna đã được cấp phép cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,62 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19
Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 155.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 36,1 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Brazil báo cáo tổng cộng trên 34,77 triệu ca mắc, cao thứ tư thế giới, và số người thiệt mạng vì dịch bệnh này cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ, hơn 687.000 trường hợp.
Một làn sóng COVID-19 mới có thể đã bắt đầu ở châu Âu khi số ca bệnh đang gia tăng trong khu vực. Đây là cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu. Số ca mắc mới trong tuần qua đã cao hơn 8% so với tuần trước đó, trong khi hàng triệu người trên khắp châu Âu vẫn chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Giới chức y tế châu Âu khuyến cáo, các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm những người trên 60 tuổi, phụ nữ mang thai và những người có các bệnh lý nền nên tiêm ngừa cả bệnh cúm và COVID-19.
Theo một nghiên cứu của Đại học quốc gia Australia (AUN), cứ 10 người ở nước này thì có trung bình hơn 1 người mắc hội chứng COVID kéo dài. Nghiên cứu cho thấy, gần 1/3 số người trưởng thành ở Australia mắc hội chứng COVID kéo dài trong hơn 4 tuần, trong khi gần 5% người trưởng thành mắc các triệu chứng của COVID-19 trong 3 tháng trở lên sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính.
Nghiên cứu cũng phát hiện rằng gần 1/2 người trưởng thành ở Australia mắc COVID-19 và căn bệnh này không lây lan đồng đều trong mọi bộ phận dân chúng. Cụ thể, phụ nữ, người trẻ tuổi và những người sống trong các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình là những đối tượng có thể dễ mắc COVID-19 nhất.
89,5% người trưởng thành mắc COVID-19 trải qua trung bình khoảng 10 triệu chứng khác nhau của COVID kéo dài, và mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất. Khoảng 1/4 người Australia trải qua ít nhất 13 triệu chứng khác nhau của COVID kéo dài, trong khi 1/4 trải qua từ 7 triệu chứng trở xuống. Chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng, ho và đau đầu là những triệu chứng phổ biến.
Nghiên cứu cũng phát hiện rằng những người mắc nhiều triệu chứng của COVID kéo dài có khả năng bị suy giảm sức khỏe tâm thần hơn. Trong khi đó, sức khỏe tâm thần của những người mắc COVID-19 trong khoảng thời gian ngắn và mắc ít triệu chứng của COVID kéo dài không bị suy giảm so với những những người không mắc COVID-19.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Australia từ đầu năm 2020 đến nay, số người mắc COVID-19 đã vượt 10,28 triệu ca trong tổng số khoảng 25 triệu dân của nước này.
Ngày 13/10, một số địa phương ở Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng biến thể phụ BA.5 của Omicron cho người dân. Những người đủ tiêu chuẩn tiêm vaccine này ở độ tuổi từ 12 tuổi trở lên và đã tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 2 cách đây ít nhất 5 tháng. Trước đó, Nhật Bản đã bắt đầu tiêm vaccine phòng biến thể phụ BA.1 của biến thể Omicron cho người dân từ tháng 9.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đặt mục tiêu phổ cập các vaccine này càng sớm càng tốt nhằm tăng cường miễn dịch cho người dân, trong bối cảnh nhiều người lo ngại Nhật Bản có nguy cơ đối mặt với làn sóng COVID-19 mới vào cuối năm nay. MHLW ước tính có khoảng 76,52 triệu người ở nước này sẽ đủ tiêu chuẩn tiêm vaccine phòng các biến thể phụ BA.1 và BA.5 trong thời gian từ nay tới cuối năm.
Cùng ngày 13/10, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đã tăng trở lại với 45.690 người, và 78 trường hợp tử vong do COVID-19. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo cũng lần đầu tiên tăng trở lại sau 15 ngày lên 4.790 ca, nhưng số ca nhiễm mới bình quân trong tuần từ ngày 6 - 12/10 lại giảm 27,6% so với một tuần trước đó, xuống còn 2.729,9 bệnh nhân.
Bộ Y tế Thái Lan đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên cho nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi nhất trên toàn quốc - trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi. Thái Lan là thành viên ASEAN đầu tiên chấp thuận tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ dưới 1 tuổi sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt loại vaccine này vào tháng 6 vừa qua. Cho đến nay, khoảng 300.000 trẻ em từ 6 tháng đến 1 tuổi đã được cha mẹ đăng ký để nhận mũi tiêu đầu tiên.
Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul lưu ý, trẻ nhỏ mới biết đi dễ bị mắc COVID-19 gấp 3 lần so với các nhóm tuổi khác. Trong khi đó, Tiến sĩ Opas Karnkawinpong, Thư ký thường trực của Bộ Y tế Thái Lan, cho biết, những thành công trong chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi giúp giảm bùng phát dịch COVID-19 trong trường học, có nghĩa là học sinh có thể tiếp tục học bình thường thay vì phải học trực tuyến một mình. Ông khẳng định, tiêm phòng cho trẻ mới biết đi cũng sẽ khiến cha mẹ cảm thấy an toàn hơn khi đưa các em đi nhà trẻ.
Theo số liệu của Bộ Y tế Thái Lan, cho đến nay, ít nhất 82% dân số nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19, ngày 12/10, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trước mối đe dọa của các biến thể của virus có khả năng lây truyền cao, trẻ em là một trong những mục tiêu bảo vệ chính của chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban cố vấn và chuyên gia về vaccine ngừa COVID-19, giới chức y tế Hong Kong nhận thấy, phiên bản vaccine của Pfizer-BioNTech dành cho trẻ sơ sinh đã được phê duyệt hiện nay mang lại nhiều lợi ích hơn là rủi ro. Theo đó, liều tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi sẽ bằng 1/10 liều lượng của người lớn nhằm giảm tác dụng phụ.
Trước đó, từ ngày 4/8, chính quyền Hong Kong đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinovac cho trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi. Tại Hong Kong, khoảng 7% trẻ nhỏ dưới 2 tuổi đã mắc COVID-19, một số trẻ nhỏ đã có diễn biến bệnh nặng và phải chăm sóc đặc biệt. Hiện có khoảng 86% trẻ em từ 3 - 11 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, cao hơn so với tỷ lệ tiêm vaccnie của người trên 70 tuổi.
Ngày 13/10, Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt đầu chào đón du khách trở lại sau khi kết thúc kiểm dịch bắt buộc để kiểm soát đà lây lan của dịch COVID-19. Đài Loan (Trung Quốc) đã duy trì thực hiện một số quy định về nhập cảnh và kiểm dịch COVID-19 khi phần lớn phần còn lại của châu Á nới lỏng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn. Trước đó, vào tháng 6, Đài Loan đã cắt giảm số ngày cách ly bắt buộc đối với khách nhập cảnh từ 7 ngày xuống còn 3 ngày.
Với tổng cộng gần 7 triệu trường hợp mắc COVID-19 trong nước được báo cáo kể từ đầu năm nay, chính quyền Đài Loan đã thúc đẩy việc mở cửa trở lại, nói rằng cuộc sống phải trở lại bình thường, đặc biệt khi nơi đây có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Một số quy định vẫn được duy trì, bao gồm yêu cầu hành khách phải theo dõi sức khỏe của họ trong 7 ngày sau khi nhập cảnh và tự thực hiện các xét nghiệm nhanh.
Hai hãng hàng không chính của Đài Loan là China Airlines Ltd và Eva Airways Corp đã tăng cường số chuyến bay, nâng công suất trên các chuyến bay đã bị cắt giảm trong đại dịch và lên kế hoạch cho những đường bay mới.
(Theo VTV)