Anh T.T.Q, 37 tuổi, quê Gia Lai, bị bệnh cơ tim giãn, suy tim và rối loạn nhịp nặng từ 11 năm trước, nguy cơ tử vong cao, dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Sáu năm qua, anh phải chạy thận nhân tạo liên tục 3 lần/tuần. Do các cơn nhịp nhanh cấp tính, anh thường xuyên phải điều trị cấp cứu ở các trung tâm tim mạch lớn ở TP.HCM và Huế.
Tất cả các biện pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, ghép cả tim và thận là cách duy nhất giúp anh duy trì sự sống. Dù biết rất khó nhưng anh Q. không ngừng tìm kiếm cơ may.
Giữa năm 2022, anh được giới thiệu đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Chỉ định ghép thận và tim đồng thời với nguồn tạng hiến từ người cho chết não được bác sĩ đưa ra, sau khi đã đánh giá kỹ.
Tại bệnh viện ngoại khoa hàng đầu Việt Nam này, ghép đơn lẻ tim, thận đã thành thường quy nhưng ghép 2 tạng cùng lúc vẫn là thách thức lớn.
Chưa kể, trong hơn 6 tháng tiếp theo, không có trường hợp hiến tạng chết não nào thực sự phù hợp với anh Q. Nam bệnh nhân vẫn liên tục đến các bệnh viện để chữa suy tim và chạy thận.
Đầu tháng 2, một bệnh nhân nữ quê Mê Linh, Hà Nội gần 30 tuổi bị chết não do chấn thương sọ não rất nặng, đã được gia đình đồng ý hiến đa tạng.
"Ca hiến đa tạng này có nhiều điểm rất đặc biệt", GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chia sẻ với báo chí chiều 24/2. Theo GS Giang, em trai của người hiến tạng trước đó cũng trong tình trạng bệnh lý tim phổi rất nặng, đã trong danh sách chờ tạng để ghép nhưng không có nguồn tạng phù hợp.
"Hai tháng trước, người em tử vong. Gia đình người bệnh hiểu sâu sắc ý nghĩa cao quý của việc hiến tạng cứu người. Vì thế, khi không may người chị tử vong vì tai nạn, gia đình thống nhất tự nguyện hiến tạng để cứu những bệnh nhân khác", GS Giang cho hay.
Tuy nhiên, do bệnh nhân bị tai nạn rất nặng, một số tạng bị chấn thương nên bác sĩ đánh giá chỉ lấy được thận phải và tim. Quan trọng nhất, tất cả thông số sinh học phù hợp cao với bệnh nhân Q.
Ca ghép kéo dài 10 giờ đồng hồ hôm 15/2, từ 9h tới 19h với sự tham gia của bác sĩ thuộc 5 trung tâm, khoa lâm sàng của bệnh viện. Ê-kíp mất 3 giờ lấy tạng, 5 giờ để ghép tim và 2 giờ ghép thận.
Diễn biến sau mổ tuy khá nặng nề, cả về chức năng tim ghép, thận ghép, song đều nằm trong dự kiến và sự chuẩn bị của bệnh viện.
Bệnh nhân Q. phục hồi tốt sau ca ghép đồng thời tim - thận.
Ngày 24/2 là ngày thứ 8 sau ghép, các chức năng của tim và thận của anh Q. đã phục hồi gần như bình thường. Bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Anh sẽ tiếp tục được điều trị thêm trong vài tuần theo các phác đồ chung sau ghép tạng.
Đây là lần đầu tiên các thầy thuốc Việt Nam thực hiện thành công ca ghép đồng thời hai tạng tim, thận trên một bệnh nhân. Cách đây 2 năm, Bệnh viện Việt Đức từng ghép cùng lúc 2 tạng gan - thận cho bệnh nhân, đến nay hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh viện 103 từng ghép hai tạng tụy - thận và Bệnh viện Trung ương Huế từng ghép cùng lúc tim - phổi. Kỹ thuật ghép tim - thận được thực hiện tại các quốc gia có nền y tế phát triển. Đơn cử, trung bình một năm Mỹ ghép hơn 100 ca cùng lúc tim - thận.
Đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện hơn 1.500 ca ghép tạng, dẫn đầu cả nước. GS Giang cho hay tới đây, bệnh viện phấn đấu sẽ ghép nhiều tạng cùng lúc.
(Theo Vietnamnet)