Từ ngày 1/1 đến 14/2/2023, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái ghi nhận 328 ca cúm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh cũng đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm tại thành phố Yên Bái với 45 ca mắc, lấy mẫu và xét nghiệm 5 ca, kết quả dương tính với cúm A/H3N2.
Đầu năm là thời điểm có nhiều sự kiện tập trung đông người, nhiều lễ hội được tổ chức; các hoạt động giao thương, du lịch diễn ra sôi động hơn nên nhu cầu đi lại tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa… là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, đặc biệt là virus cúm. Vì vậy, việc chủ động triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh là hết sức cần thiết.
Tại Bệnh viện Sản Nhi hơn một tháng qua đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân có các triệu chứng như: sốt, ho, viêm đường hô hấp đến khám.
Chị Hoàng Lệ Huyền, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái có con 26 tháng tuổi bị sổ mũi, sốt. Tự mua thuốc điều trị ở nhà 2 ngày nhưng bé vẫn sốt cao, mệt mỏi, kém ăn nên chị Huyền đã đưa con đến Bệnh viện Sản Nhi để khám thì biết con mắc cúm B.
Chị Huyền cho biết: "Khi cháu có dấu hiệu bị cúm, tôi nghĩ cảm cúm thường tự khỏi. Tôi không nghĩ cúm B lại diễn biến nhanh đến thế. Đến bệnh viện được các bác sĩ điều trị kịp thời nên đã cắt sốt, đỡ mệt mỏi và ăn uống được”.
Với thời tiết thất thường, lạnh khô trong suốt thời gian gần đây đã khiến số trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp gia tăng.
Tuần qua, bà Trịnh Thị Nhớn ở thôn Yên Thắng, xã Tân Hương, huyện Yên Bình cũng trong tình trạng hắt hơi, sổ mũi, khàn tiếng, ho nhiều kéo dài. Bà Nhớn chia sẻ: "Năm nào cũng thế, cứ sau tết là tôi thường bị cảm cúm. Nhưng năm nay tôi bị thêm khản tiếng và ho nhiều hơn. Tôi ra Trạm Y tế xã khám bệnh và lấy thuốc về uống, sau 1 tuần thì đã đỡ nhiều”.
Bác sĩ Trần Văn Quang - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi thông tin: Từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận 7 ca cúm A và 9 ca cúm B. Thông thường, trẻ được đưa đến viện đều trong tình trạng sốt rất cao không hạ, mệt mỏi. Căn cứ vào tình hình, triệu chứng của trẻ, những trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ cho nhập viện; trường hợp nhẹ thì kê đơn uống thuốc đồng thời khuyến cáo phụ huynh chủ động các biện pháp phòng, chống, giảm lây nhiễm cho những người xung quanh.
"Với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhiều người bệnh thường chủ quan, dẫn đến các biến chứng khi nhiễm cúm A, B. Vì vậy, nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và nặng thêm” - Bác sỹ Quang nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay tình hình bệnh cúm mùa trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng.
Từ ngày 1/1 đến 14/2/2023, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 328 ca cúm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh cũng đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm tại thành phố Yên Bái với 45 ca mắc, lấy mẫu và xét nghiệm 5 ca, kết quả dương tính với cúm A/H3N2.
Cũng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 32 ca mắc COVID-19, lũy tích đến ngày 14/2/2023, ghi nhận tổng số 159.057 ca mắc COVID-19. Số ca mắc trong thời gian này giảm 72% so với tháng trước; 98,83% người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ như cảm cúm thông thường.
Nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh cúm mùa gia tăng là do thời tiết giao mùa, nồm ẩm kéo dài là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển, lây lan. Cúm là bệnh lý quen thuộc và thường có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh nên người dân thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng tránh.
Để chủ động phòng, chống cúm mùa, bác sĩ CKII Lại Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như: đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Cùng với đó, virus cúm biến đổi liên tục hàng năm nên việc chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, nhất là đối với các loại bệnh có vắc xin phòng như cúm, COVID-19… để tăng cường miễn dịch phòng chống bệnh - đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
Thanh Chi