Hiệu quả tối ưu
Thông tin trên được công bố tại Hội thảo Khoa học 2023 chuyên đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế" tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vào ngày 28-5.
Theo thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa 2 Chu Tấn Sĩ - trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM - robot này thật sự hữu ích.
"Nhờ có robot mổ não Modus V Synaptive mà một bác sĩ phẫu thuật thần kinh với 30 năm kinh nghiệm như tôi mới thấy được các bó sợi thần kinh trong suốt quá trình mổ để tránh phạm vào", bác sĩ Sĩ nhấn mạnh.
Đại diện bệnh viện cho biết robot mổ não thế hệ mới Modus V Synaptive cho phép mổ mô phỏng 3D trước khi mổ chính thức. Lần đầu tiên, phẫu thuật viên thấy rõ khối u và các bó sợi thần kinh, các mô não lành trên cùng một hình ảnh 3D cả trước, trong và sau mổ, nhờ robot có khả năng hòa hình MRI, DTI, CT, CTA, DSA…
Phẫu thuật viên chủ động chọn vị trí mở hộp sọ, đường phẫu thuật tiếp cận khối u hay vùng bệnh lý hiệu quả mà không phạm phải hay làm tổn thương các bó sợi thần kinh, hạn chế tối đa ảnh hưởng mô não lành.
Theo đại diện bệnh viện, đường mổ mở hộp sọ nhỏ chỉ bằng 1/5 so với mổ kinh điển.
"Robot giúp cắt u tối đa, tránh biến chứng tối đa, bảo toàn cao nhất các chức năng cho người bệnh nhờ không "cắt nhầm" bó sợi thần kinh và các vùng não quan trọng. Nhờ đó, tránh tối đa nguy cơ yếu liệt tay chân, khó nói, giảm thị lực, tái xuất huyết não, giảm khả năng suy nghĩ, tư duy, trí nhớ… vốn là di chứng thường gặp với các kỹ thuật mổ kinh điển trước đây", vị này thông tin thêm.
Theo các chuyên gia, robot thế hệ mới phát huy hiệu quả tối ưu trong phẫu thuật các ca bệnh thần kinh - sọ não khó, nằm sâu trong não hoặc gần các cấu trúc quan trọng của não mà các phương pháp mổ kinh điển như định vị Navigation, kính vi phẫu… khó hoặc không dám tiếp cận do nguy cơ biến chứng cao. Đây là sự khác biệt và độc nhất mà chưa có máy móc mổ não nào làm được.
Điều khiển robot bằng giọng nói
Một ca mổ u não bằng Robot tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Theo bác sĩ Chu Tấn sĩ, suốt quá trình mổ, robot giám sát liên tục, di chuyển theo dụng cụ phẫu thuật, có những góc nhìn mà kính vi phẫu truyền thống không thể nhìn thấy được và bác sĩ có thể điều khiển bằng giọng nói. Nhờ đó, đảm bảo bác sĩ tuân thủ đường mổ đã xác lập, tránh tổn thương các bó sợi thần kinh và các tổ chức trong não.
Nếu đường tiếp cận và dụng cụ mổ có xu hướng đi lệch, robot cảnh báo bằng các tín hiệu đèn (đỏ: dừng ngay, vàng: cẩn thận, xanh: an toàn - PV).
"Trường hợp có những thay đổi đột ngột như kích thước u tăng đột biến, thay đổi không gian vị trí các khối u, các vùng não do mở hộp sọ có giải áp sọ… (nhưng hiếm xảy ra - PV), robot cho phép bác sĩ truy vấn các dữ liệu MRI, CT, CTA, DSA... để tham khảo ngay trên màn hình robot mà không phải truy cập ở nhiều thiết bị khác nhau. Từ đó, đưa ra quyết định kịp thời, không phải dừng cuộc mổ", bác sĩ Sĩ phân tích.
Cũng theo bác sĩ Sĩ, phẫu thuật điều trị các bệnh liên quan thần kinh - sọ não đòi hỏi bác sĩ đảm bảo chính xác, với sự hỗ trợ đắc lực của các kỹ thuật, công nghệ chuyên dụng hiện đại để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh.
"Hiện các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là êkip tiên phong tại Việt Nam có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc vận hành, làm chủ công nghệ robot này. Và Việt Nam là một trong 10 quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng robot trong phẫu thuật thần kinh (đa số ở Âu Mỹ)", bác sĩ Sĩ cho biết.
Bệnh viện Tâm Anh đã đầu tư hệ thống chụp CT 768 lát cắt, Máy DSA (Chụp mạch máu số hoá xoá nền), hệ thống chụp MRI 3 Tesla sử dụng công nghệ AI trong quá trình vận hành, chụp toàn thân (từ đầu đến ngón chân), đáp ứng tầm soát, chẩn đoán và điều trị chính xác các bệnh phức tạp để hỗ trợ tích cực cho robot trong khám, chẩn đoán và điều trị u não, xuất huyết não và các bệnh lý thần kinh - sọ não nguy hiểm.
|
(Theo TTO)