Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) hôm 19/9 cho biết, những trường hợp trẻ em tử vong nói trên được báo cáo trong khoảng thời gian từ ngày 15/5 đến ngày 14/9 ở tỉnh While Nile, nơi hàng nghìn người Sudan đã trú ẩn khi giao tranh nổ ra trong sáu tháng qua giữa các lực lượng đối địch ở thủ đô Khartoum và những nơi khác.
Ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, cho biết: "Hàng chục trẻ em đang chết mỗi ngày là hậu quả của cuộc xung đột tàn khốc (ở Sudan) và sự thiếu quan tâm của toàn thế giới".
Sudan rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ giữa tháng 4, khi căng thẳng âm ỉ giữa quân đội Sudan do Tướng Abdel-Fattah Burhan chỉ huy và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự do Mohammed Hamdan Dagalo chỉ huy, bùng nổ thành nội chiến.
Giao tranh ở Sudan đã biến thủ đô Khartoum và các thành phố lân cận khác thành chiến trường. Theo ông Volker Perthes, đặc phái viên Liên hợp quốc tại nước này, người đã tuyên bố từ chức vào tuần trước, ít nhất 5.000 người đã thiệt mạng và hơn 12.000 người bị thương trong cuộc nội chiến ở Sudan. Ông Perthes cho rằng con số thương vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Hơn 2,5 triệu người đã rời bỏ nhà cửa, trong đó có hơn 1 triệu người vượt biên sang tị nạn ở các nước láng giềng của Sudan.
Cuộc chiến đã tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe của Sudan, với nhiều bệnh viện và cơ sở y tế không còn hoạt động.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, thông tin, các nhân viên y tế địa phương "rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn những ca tử vong tiếp tục xảy ra và sự lây lan của dịch bệnh".
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cảnh báo hôm 18/9 rằng cuộc xung đột, cùng với nạn đói, bệnh tật, đi sơ tán và phá hủy sinh kế có nguy cơ tàn phá toàn bộ đất nước.
OCHA cho biết, một nửa dân số Sudan (khoảng 25 triệu người) cần hỗ trợ nhân đạo vào cuối năm nay, bao gồm khoảng 6,3 triệu người "đang bên bờ vực của nạn đói".
Nhiều người dân Sudan phải di dời đang mắc bệnh sởi và bị suy dinh dưỡng. Nhiều người Sudan tản cư đến Nam Sudan và Ethiopia cũng mắc bệnh sởi và bị suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em đã được báo cáo ở Tchad, nơi có số lượng người tị nạn Sudan lớn nhất kể từ khi xung đột bắt đầu diễn ra.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cũng cảnh báo, "hàng nghìn trẻ sơ sinh" có thể chết ở Sudan vào cuối năm nay vì không được tiếp cận việc điều trị y tế.
(Theo VTV)