Những ngày qua, thời tiết cả nước diễn biến thất thường, miền Bắc rét đậm, rét hại khiến nhiều trẻ em, người lớn tuổi, có bệnh nền nhập viện, chuyển biến nặng do các bệnh lý truyền nhiễm.
Các chuyên gia cảnh báo thời tiết cực đoan là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây lan, có khả năng phát triển thành dịch, cần chủ động phòng ngừa. Bác sĩ CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC lưu ý 3 bệnh truyền nhiễm dễ mắc thời điểm cận Tết có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng và cách phòng ngừa như sau:
Thủy đậu
Thủy đậu hay dân gian còn gọi là trái rạ, có biểu hiện khi phát bệnh là những nốt ban đỏ, phồng rộp xuất hiện ở ngực, lưng, mặt và có thể lây lan khắp cơ thể. Lúc đầu nốt mụn nước chỉ là những đốm nhỏ trên da, sau đó phát triển thành những nốt mụn nước phồng to và chứa đầy dịch bên trong. Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu. Nếu dùng tay gãi, mụn nước dễ vỡ lan sang vùng khác, nặng có thể gây nhiễm trùng, tạo thành vết loét khó điều trị và phục hồi tình trạng da như cũ.
Bệnh do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra, lây nhiễm cấp tính thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần hoặc chạm vào dịch tiết từ các mụn nước. Bệnh có thể lây từ khi chưa có biểu hiện. Trẻ em và người lớn mắc thủy đậu đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng da, viêm tai, viêm phổi, viêm đa tạng như não và thận. Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu làm tăng tỷ lệ tử vong ở cả mẹ và bé. Mẹ mắc thủy đậu ở 2 tam cá nguyệt đầu, trẻ có thể mắc thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, bại não, chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy, đục thủy tinh thể, teo chi… Mẹ mắc thủy đậu ở tam cá nguyệt thứ 3 làm tăng nguy cơ trẻ nhiễm trùng da, viêm màng não, viêm cơ tim, zona thần kinh…
Người từng mắc thủy đậu và khỏi bệnh còn có nguy cơ mắc Zona thần kinh khi virus VZV không được đào thải hoàn toàn và trú lại trong hạch thần kinh. Zona thần kinh hiện không có thuốc đặc trị. Bệnh dễ tái đi tái lại nhiều lần khi cơ thể suy yếu với các bọng nước chứa dịch nổi theo hạch thần kinh gây ngứa, rát bỏng, cản trở vận động. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể để lại thâm, sẹo trên da ảnh hưởng thẩm mỹ.
Tại Việt Nam, vaccine thủy đậu hiện là cách vừa phòng ngừa thủy đậu, vừa ngừa nguy cơ mắc Zona thần kinh, chủng ngừa cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến người lớn với phác đồ tiêm 2 mũi. Khả năng bảo vệ của vaccine thủy đậu đã được chứng minh lên đến 98%.
Sởi
Bệnh sởi đặc trưng với các nốt phát ban, những đốm nhỏ màu đỏ, hơi sưng. Trong giai đoạn toàn phát, phát ban sởi có thể xuất hiện khắp người gây ngứa, rát, nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể gây nhiễm trùng da. Bệnh còn đi kèm sốt nhẹ đến trung bình, ho dai dẳng, sổ mũi, viêm kết mạc và đau họng.
Sởi là bệnh dễ lây lan thành dịch. Một người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người không có miễn dịch với sởi. Bệnh từng là nỗi ám ảnh và giết chết hàng triệu người khi chưa có vaccine. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sởi có thể dẫn đến các biến chứng viêm não, viêm loét giác mạc, tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa. Phụ nữ mang thai mắc sởi có thể gây dị tật thai nhi, làm tăng tỷ lệ sảy thai, sinh non, thai nhẹ cân.
Hiện vaccine sởi đã được phổ biến vào chương trình Tiêm chủng mở rộng với các mũi tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, cần lưu ý tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi để được bảo vệ tối ưu. Một liều vaccine sởi có hiệu quả khoảng 93% trong việc ngăn ngừa nếu tiếp xúc với virus sởi. Hai liều giúp nâng hiệu quả lên 97%.
HPV
Virus HPV thường biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, đây còn là tác nhân gây mụn cóc sinh dục, như sùi mào gà. Bệnh đặc trưng với các mô sùi hình bông cải, mọc ở vùng sinh dục, thậm chí ở mặt và tay chân gây mất thẩm mỹ, khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sùi mào gà có thể lan rộng, điều trị khó khăn, tái phát nhiều lần.
Sùi mào gà do HPV có thể lây qua đường tình dục, từ mẹ sang con và tiếp xúc gián tiếp với dịch tiết từ người bệnh thông qua các vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ lót. Virus HPV có gần 200 chủng khác nhau, trong đó, các chủng gây sùi mào gà chủ yếu là 6, 11, 16, 18.
Ngoài ra, HPV còn là nguyên nhân gây ra các bệnh lý ung thư nguy hiểm ở cả hai giới như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, âm hộ, ung thư dương vật, ung thư hậu môn, vòm họng.
Vaccine HPV hiện chủng ngừa cho cả trẻ em trai và gái từ 9-26 tuổi. Vaccine có giá trị bảo vệ cho cả người đã quan hệ tình dục, sinh con, người từng nhiễm virus HPV trước đó. Hiện có hai loại vaccine HPV tại Việt Nam là Gardasil và Gardasil 9 ngừa lần lượt 4 và 9 chủng virus HPV nguy cơ cao 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Gardasil có phác đồ tiêm 3 mũi cho trẻ em gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi. Gardasil 9 có phác đồ tiêm 2 mũi cho trẻ từ 9-14 tuổi và 3 mũi cho người từ 15-26 tuổi không phân biệt giới tính.
Bác sĩ Nga nhấn mạnh các vaccine như thủy đậu, sởi sẽ không còn khả năng bảo vệ một khi đã mắc bệnh. Việc tiêm phòng sớm, đặc biệt là trước các mùa dễ lây lan như dịp Tết là sự chuẩn bị cần thiết cho hệ miễn dịch chống lại bệnh.
Bên cạnh vaccine, người dân cũng cần tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh như giữ vệ sinh cá nhân và nơi ở, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người. Trong mùa lạnh, người dân nên chú ý giữ ấm, ăn chín uống sôi, ăn đủ các nhóm chất, ngủ đủ giấc kết hợp vận động hợp lý để tăng cường sức khỏe.
Khi mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh có biểu hiện triệu chứng lên da, mọi người nên vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, nên tắm bằng nước ấm. Nhiều người có quan niệm kiêng nước, kiêng gió không tắm nên khiến trẻ ngứa ngáy, gãi vùng da gây nhiễm trùng, rất dễ để lại sẹo.
(Theo VTV)