Thời điểm năm 2018, Trấn Yên đã được chọn 3 TYT xã là: Việt Hồng, Báo Đáp và thị trấn Cổ Phúc để triển khai thí điểm của Bộ Y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, cũng như giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Từ đó đến nay, huyện đã nhân rộng mô hình ra tất cả các xã, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân tại cơ sở.
Hiện toàn huyện có 21/21 xã, thị trấn triển khai TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, trong đó, 3 xã điểm của Bộ Y tế và 18 xã điểm của tỉnh. Tuy nhiên ở một số TYT còn thiếu cán bộ y tế và 5 TYT thiếu chức danh bác sĩ, hiện đang thực hiện chế độ luân phiên bác sĩ làm việc tại trạm 2 buổi/tuần… Mặc dù còn khó khăn về nguồn nhân lực nhưng tại các trạm đã linh hoạt bố trí sắp xếp con người phù hợp với thực tiễn.
Đối với cơ sở vật chất, phòng làm việc theo tiêu chuẩn tại Quyết định số 6070/QĐ-BYT của Bộ Y tế tại 21/21 Trạm Y tế xã cơ bản theo yêu cầu về tổ chức không gian và các phòng chức năng trong công trình, trong đó một số TYT lồng ghép các phòng làm việc đảm bảo về công năng sử dụng.
Với các giải pháp đồng bộ, 21/21 TYT của huyện đã hoạt động hiệu quả, phát triển các kỹ thuật chuyên môn thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản, quản lý điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm thường gặp như: tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Cùng đó, các trạm luôn đảm bảo có đủ thuốc điều trị các bệnh thông thường và thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và tổ chức khám sàng lọc và quản lý các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn toàn huyện, lập hồ sơ theo dõi và quản lý sức khỏe toàn dân có đầy đủ thông tin, cập nhật thông tin sức khỏe cho 100% dân số tại xã theo thông tin từ phần mềm khám chữa bệnh chuyển sang.
Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ được quan tâm đẩy mạnh để thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng TYT thực hiện theo nguyên lý y học gia đình. Chính vì vậy, toàn huyện quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm như: bệnh đái tháo đường đạt 81,3%; bệnh ung thư 99,1%; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đạt 100%... Còn đối với hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được tạo lập đạt 99,5% và thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở theo thông tư 39/2017/TT-BYT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các hoạt động của TYT theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn còn không ít khó khăn như: thiếu nhân lực để đảm bảo ê kip y học gia đình; tỷ lệ phát hiện các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng và quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm còn thấp; danh mục kỹ thuật tại tuyến xã theo Thông tư 39/TT-BYT còn hạn chế…
Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng mô hình TYT xã, thị trấn hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, bác sĩ Phạm Văn Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên cho rằng: "Cần tiếp tục cử cán bộ TYT đi đào tạo, tập huấn các chức danh đồng thời hướng dẫn nhân viên y tế thôn bản phương pháp tuyên truyền và thực hành sàng lọc các bệnh không lây nhiễm để tổ chức các hoạt động lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử lồng gắn với sàng lọc các bệnh không lây nhiễm. Kế đến, phát triển các kỹ thuật chuyên môn thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản theo Thông tư 39/2017/TT-BYT. Đặc biệt, đảm bảo luôn có đủ thuốc điều trị các bệnh thông thường và thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại các trạm. Bên cạnh đó, quan tâm cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm, nâng cao hơn nữa khả năng, hiệu quả sử dụng trang thiết bị y tế của cán bộ y tế tại các trạm để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân”.
Thực tế cho thấy, mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đã đạt được nhiều mục tiêu như: nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ban đầu; giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, chủ động phòng, chống dịch bệnh… Do vậy, việc triển khai mô hình này là một trong những giải pháp quan trọng giúp ngành y tế Trấn Yên thực hiện tốt các mục tiêu được giao, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Trần Minh