Là xã đặc biệt khó khăn của huyện, đồng bào Mông chiếm trên 99,8% dân số, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục, tập quán lạc hậu… nên công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) bà mẹ, trẻ em gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thăm khám phụ khoa còn thấp, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chỉ đạt mức độ trung bình, tình trạng kết hôn và mang thai sớm vẫn còn xảy ra.
Trước thực trạng trên, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của cán bộ Trạm Y tế xã Làng Nhì, những năm gần đây, người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi.
Trao đổi nhanh với phóng viên, bác sĩ
Cứ A Trồng - Trưởng Trạm Y tế xã Làng Nhì cho biết: "Với địa bàn tương đối rộng, đường sá không thuận tiện, thậm chí có thôn cách trung tâm xã đến gần chục cây số nên việc tổ chức chiến dịch CSSK sinh sản tại vùng đặc biệt khó khăn cũng như việc tư vấn sức khỏe cho các bà mẹ, khám thai định kỳ, chăm sóc thai nghén, chống suy dinh dưỡng trẻ từ trong bào thai... còn hạn chế. Hơn thế, những quan niệm lạc hậu vẫn thường trực trong tiềm thức của người dân, như phải đẻ bằng được con trai để nối dõi, tỷ lệ đẻ mau chiếm khá cao... Gần đây, bằng nhiều hoạt động thiết thực, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, Trạm đã nỗ lực thay đổi tình trạng trên”.
Tìm hiểu thực tế tại địa phương, để giảm tình trạng này, Trạm đã đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe như: nói chuyện chuyên đề cho phụ nữ mang thai và thanh thiếu niên qua lồng ghép vào các buổi họp thôn, phát các thông điệp trên đài truyền thanh của xã.
Bên cạnh đó, tại Trạm cũng như ở các thôn thường xuyên duy trì hoạt động điểm tư vấn dân số - sức khỏe sinh sản, thu hút nhiều người tham gia. Đặc biệt, với hoạt động của nhiều dự án về CSSK sinh sản trên địa bàn, xã đã tổ chức được các lớp tập huấn cho cán bộ y tế thôn bản, các cặp vợ chồng trẻ, mẹ chồng, thanh thiếu niên nâng cao kiến thức về lĩnh vực này.
Ngoài ra, Trạm phát tài liệu cho tất cả thôn, bản với nhiều nội dung về kết hôn và mang thai sớm hay chuẩn bị cho sinh đẻ an toàn, mất cân bằng giới tính khi sinh, những dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai... Đồng thời, cùng với cán bộ y tế thôn bản chủ động tổ chức các chiến dịch CSSK sinh sản cho phụ nữ, đặc biệt chú trọng đến những vùng còn khó khăn, vùng có mức sinh cao; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế, duy trì tỷ lệ giảm sinh, giảm có thai ngoài ý muốn, đa dạng hóa các phương pháp tránh thai và cung cấp dịch vụ tránh thai có chất lượng.
Với nhiều hoạt động phù hợp điều kiện thực tế địa phương nên công tác CSSK cho bà mẹ, trẻ em đã được duy trì thực hiện hiệu quả ở các thôn, bản. Hết năm 2023, trẻ em dưới 2 tuổi được cân đo 3 tháng/lần, trẻ suy dinh dưỡng được cân đo 1 tháng/lần; trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 64,61%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi duy dinh dưỡng về cân nặng giảm còn 25,33%...
Riêng 2 tháng đầu năm 2024, Trạm quản lý 20 bà mẹ; 100% bà mẹ sinh con đều được chăm sóc 1 tuần đầu sau sinh, 100% các bà mẹ được tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi trở lên… Đặc biệt, thời gian gần đây, địa bàn xã không có tai biến sản; bà mẹ sau khi sinh đều được cán bộ y tế thôn bản thăm, tư vấn và hướng dẫn cách chăm sóc. Bên cạnh đó, Trạm còn tăng cường công tác dự phòng và điều trị có hiệu quả các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây qua đường tình dục, CSSK vị thành niên thông qua tư vấn và cung cấp các dịch vụ CSSK sinh sản phù hợp với lứa tuổi, góp phần bảo vệ tốt nhất sức khỏe bà mẹ, trẻ em và góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số.
Trần Minh