Thói quen dùng thực phẩm chức năng xương khớp của người dân
Những năm gần đây, Việt Nam được xếp vào nhóm những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cơ xương khớp cao nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Hội cơ xương khớp Việt Nam, có khoảng 30% người hơn 35 tuổi, 60% người hơn 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp. Trung bình, cứ 3 phụ nữ hơn 50 tuổi thì có một người mắc bệnh loãng xương.
Có những người bị thoái hóa khớp trong nhiều năm, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên, việc điều trị cũng như phòng ngừa bệnh tái phát thì mỗi người làm một kiểu.
Bà Phạm Minh Nghĩa ở phường An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội, sau lần bị tai nạn xe máy cách đây 3 năm, bà bị viêm cơ vai, điều trị mãi không khỏi. Có những lúc tay không thể giơ lên được, vận động khó khăn khiến bà không khỏi bi quan. Ban đầu là uống thuốc điều trị nội khoa, sau bà Nghĩa đi bấm huyệt một thời gian nhưng bệnh không thuyên giảm.
"Trước đây, không buộc được tóc, không kéo được khóa áo, rất bất tiện, chân còn không lết được, tập thể dục khó khăn, tôi bi quan lắm. Đi bấm huyệt thì đau. Bị loãng xương nên trong thành phần thuốc bác sĩ kê có thực phẩm chức năng, từ đó cứ uống loại đó thôi", bà Nghĩa nói.
Còn bà Nguyễn Thị Hằng ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, sau một lần đi du lịch về, đầu gối sưng đỏ tấy, đi lại khó khăn. Bà đến bệnh viện khám thì được chẩn đoán là viêm khớp dạng thấp, được bác sĩ tiêm và hút dịch. Tuy nhiên, sau lần điều trị đó, vì ngại đi lại nên mỗi lần lên cơn đau, bà dùng thuốc giảm đau, kết hợp với uống thuốc nam mua ở gần nhà.
"Hút dịch cộng với tiêm một thời gian thì khỏi. Sau 2 năm lại bị, tôi dùng thuốc tây, song có người bảo dùng thuốc tây nhiều không tốt cho sức khỏe, từ đó tôi dùng viên thuốc nam mua gần nhà”.
Trước đây, các bệnh về xương khớp thường xuất hiện ở người cao tuổi nhưng hiện nay không ít người chưa đến 30 tuổi đã mắc bệnh. Bắt kịp nhu cầu cũng như lo lắng của người bệnh, hiện nay trên thị trường ngày càng bán nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là điều trị và phòng ngừa các bệnh về xương khớp. Dĩ nhiên sau đó đã có nhiều người mua về uống từ tháng này đến tháng khác, thậm chí nhiều năm trời với hy vọng có thể phòng ngừa và điều trị bệnh xương khớp mặc dù đôi khi cũng hoài nghi.
Tác dụng của thực phẩm chức năng?
Thực phẩm chức năng có 3 nhóm khác nhau: Thứ nhất, thực phẩm chức năng cung cấp thành phần, khoáng chất mà hệ cơ xương khớp cần đến trong quá trình điều trị và phát triển. Thứ hai là hỗ trợ, kiểm soát một số bệnh lý trong hệ thống cơ xương khớp. Thứ 3 là được bào chế dưới dạng các bài thuốc cổ truyền, dược liệu.
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc. Đó là lý do mà trong bất cứ một chương trình quảng cáo nào, khi kết thúc bao giờ cũng có câu: "Không sử dụng thực phẩm chức năng để chữa bệnh”. Tuy nhiên, theo BS Trần Nam Chung - Phó Trưởng khoa xương khớp Bệnh viện E, thực phẩm chức năng có tác dụng trong quá trình hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh xương khớp.
"Trong một số trường hợp bệnh nhân xương khớp, để hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh, các bác sĩ sẽ sử dụng thực phẩm chức năng cho bệnh nhân uống. Ví dụ như một số trường hợp loãng xương, người bệnh có thể bị thiếu một số thành phần như canxi, vitamin D thì có thể uống thực phẩm chức năng", bác sĩ Trần Nam Chung cho biết.
Người dân cũng có thể sử dụng thực phẩm chức năng xương khớp để phòng bệnh, tuy nhiên vì thực phẩm chức năng cần uống trong thời gian dài nên BS Trần Nam Chung lưu ý người dân nên có sự tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế để lựa chọn loại thực phẩm chức năng phù hợp với sức khỏe, tránh tình trạng uống quá sớm hay quá muộn thì khi đó, thực phẩm chức năng sẽ không phát huy được hiệu quả, ngược lại còn tiền mất tật mang.
"Người cao tuổi nếu bị bệnh xương khớp mà không đi điều trị, chỉ trông chờ vào những viên uống thực phẩm chức năng thì sẽ gây phản ứng ngược. Hoặc uống thực phẩm chức năng xương khớp mà để tình trạng thừa cân béo phì, ít vận động thì sẽ không có tác dụng. Vì vậy, mỗi người nên xây dựng sức khỏe xương khớp, gân, cơ, dây chằng từ sớm bằng cách uống sữa từ nhỏ, ăn đầy đủ thực phẩm có nhiều canxi, vận động thường xuyên, tập thể dục đều đặn, không làm việc quá nặng, gây chấn thương lên xương…”.
Tùy từng thể trạng của bệnh nhân, quá trình điều trị và loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng, các bác sĩ sẽ lựa chọn cho bệnh nhân uống loại thực phẩm chức năng xương khớp phù hợp. Đó là lý do mà người bệnh không nên mua thực phẩm chức năng uống theo lời đồn đại hay kinh nghiệm truyền miệng từ người khác.
Hiện nay, trên thị trường bán rất nhiều loại thực phẩm chức năng từ hàng được quảng cáo là xách tay từ nước ngoài về đến hàng sản xuất trong nước, những viên uống đông y… Có hàng được dán tem nhãn nhưng cũng có hàng bán trôi nổi không có ai kiểm soát. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ đối với người sử dụng.
"Nếu sử dụng thực phẩm chức năng tùy tiện, quá nhiều, quá liều, dùng phối hợp các thành phần khác nữa mà nó có sự tương tác, tương kị thì vô hình chung gây tác dụng phụ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Đối với thực phẩm chức năng bán trôi nổi, nếu nguồn nguyên liệu bị mốc, không đảm bảo, vì sử dụng thời gian dài nên người ta phải ngâm tẩm hóa chất, trong quá trình chế biến, sản xuất mà không lọc sạch các chất độc hại thì khi vào cơ thể sẽ có hại nhiều, sớm nhất là gây độc lên gan, sau đó là có thể lên hệ thần kinh, tim mạch…”.
Chẳng hạn sử dụng thực phẩm chức năng là canxi thì có 2 loại: Nhóm canxi có nguồn gốc hữu cơ và nhóm canxi có nguồn gốc vô cơ. Đối với thực phẩm chức năng hữu cơ khi vào cơ thể sẽ được hấp thu, chuyển hóa tốt hơn, thậm chí là có thể phát huy hiệu quả cao hơn. Nhưng ngược lại giá thành lại cao hơn.
Còn thực phẩm chức năng có thành phần vô cơ sẽ khó hấp thu hơn, phòng ngừa bệnh loãng xương không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ biến chứng như tăng khả năng tạo sỏi bên trong đường tiêu hóa…
(Theo VOV)