Ngày 10-7, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật cứu sống nam bệnh nhân Đ.Đ.N (59 tuổi, ngụ TP HCM) bị vỡ tim khi tập tạ.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc rất chậm, tay chân lạnh, tím tái, vã mồ hôi, mạch nhanh 120 lần/ phút, huyết áp không đo được. Các bác sĩ đã hồi sức sau đó hội chẩn cấp cứu với bác sĩ tim mạch. Kết quả bệnh nhân tràn dịch màng tim lượng nhiều, bề dày lớp dịch khoảng 25 mm, đè sụp thất phải nên cần tiến hành chọc hút dịch màng ngoài tim giải áp. Tuy nhiên, việc chọc không thành công nên người bệnh được phẫu thuật khẩn.
TS-BS Bùi Minh Thành, Trưởng Khoa phẫu thuật tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết trước khi phẫu thuật, bệnh nhân trụy tim, huyết áp không đo được, tím toàn thân, tiêu phân không tự chủ, tiếng tim không nghe được. Trước tình hình nguy kịch, các bác sĩ vừa hồi sức tích cực ngay trong phòng mổ và tiến hành mở ngực cấp cứu.
"Ngay sau khi cưa nhanh xương ức bộc lộ tim, màng ngoài tim rất căng, không đập, chứa đầy máu. Mở màng ngoài tim, máu trào ra ngập cả khoang trung thất, hút được hơn 800 ml, tim được giải áp và đập nhanh nhưng được bao bọc bởi một lớp máu đông khá dày (chính lớp máu đông này đã cứu sống bệnh nhân). Lấy toàn bộ lớp máu đông này, các bác sĩ phát hiện một vùng tím, mềm mũn, ở thành sau thất trái, lan xuống phía mõm tim, diện tích khoảng hơn 6 cm2, ngay trên diện tím này có một vết thủng dài khoảng 7mm, tim gần như rỗng. Ê kíp phẫu thuật tích cực bơm máu, bù dịch, tủa lạnh…, đồng thời tiến hành khâu đóng vết thủng tim trên nền nhồi máu cơ tim với kỹ thuật chuyên biệt. Sau 3 giờ 30, ca phẫu thuật thành công, người bệnh qua cơn nguy kịch" - bác sĩ Thành kể lại.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục, các dấu hiệu sinh tồn bình thường, tri giác hồi phục, tỉnh táo hoàn toàn. Sau khi được cứu sống, bệnh nhân cho biết trước nhập viện 5 ngày có cơn đau ngực kéo dài hơn 10 phút. Sau đó, trong lúc tập nâng tạ thì xảy ra nạn.
Bác sĩ Thành lưu ý, hoạt động thể dục là cần thiết nhưng tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, áp dụng các phương pháp tập luyện phù hợp, không nên gắng sức khi đã có tuổi.
"Khi thấy có dấu hiệu đau ngực, kéo dài hơn 10-15 phút, đau gây ngưng thở… thì nên đi khám để phát hiện, điều trị và theo dõi cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim thầm lặng - bác sĩ Thành khuyến cáo.
(Theo NLĐO)