Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh Yên Bái, tính đến ngày 31/7/2024, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV trong toàn tỉnh là 4.082 người, số người nhiễm HIV còn sống 1.922 người và có 1.851 người nhiễm HIV đang được quản lý. Trên địa bàn toàn tỉnh có đến 40,2% số người nhiễm HIV lây truyền qua đường máu, lây qua tình dục là 13,49%, lây từ mẹ sang con 0,5%, lây qua đường khác là 45,81%.
Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện từ hệ thống bệnh viện và qua các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện đều thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao như: người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm. Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực góp phần kiểm soát và khống chế HIV/AIDS trên địa bàn.
Trong đó, ngành y tế đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho nhân dân, nhất là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao; tổ chức có hiệu quả các hoạt động dự phòng, mở rộng các dịch vụ tiếp cận, đặc biệt là tư vấn, xét nghiệm HIV sớm tại tất cả các tuyến từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở y tế thực hiện tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV.
Trong giai đoạn 2021-2023, xét nghiệm tải lượng HIV được chi trả qua nguồn bảo hiểm y tế và kỹ thuật xét nghiệm đã được triển khai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh góp phần tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong xét nghiệm HIV, số mẫu dương tính được phát hiện trên tổng số mẫu xét nghiệm liên tục giảm.
Trong những năm đầu, phát hiện trung bình 350 trường hợp dương tính/năm, song những năm gần đây đã giảm xuống chỉ còn trung bình 150 trường hợp dương tính/năm. Trong 7 tháng năm 2024, phát hiện 36 ca nhiễm HIV mới. Đối với công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, ngành Y tế Yên Bái mở rộng các dịch vụ tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm sớm HIV tại tất cả các tuyến từ tỉnh đến cơ sở.
Nội dung tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí được đưa vào hoạt động khám thai định kỳ và quản lý thai nghén cho các bà mẹ mang thai, nhất là phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại các cơ sở dịch vụ y tế, tạo cơ hội để chị em được tiếp cận sớm các dịch vụ. Bên cạnh đó, đội ngũ tuyên truyền viên chủ động tiếp cận cơ sở, trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn giúp chị em phụ nữ xét nghiệm tự nguyện sớm; cung cấp kiến thức, biện pháp để chị em tự phòng bệnh cho bản thân, tránh lây nhiễm HIV cho con và cộng đồng.
Bác sĩ Chuyên khoa I Hoàng Thị Tươi - Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Trên thực tế vẫn có một số người dân nghĩ rằng nhiễm HIV không có thuốc điều trị khỏi nên không cần phải đi xét nghiệm HIV sớm. Cũng có trường hợp đáng tiếc do không biết tình trạng nhiễm HIV nên đã vô tình làm lây truyền HIV sang vợ, chồng, người thân trong gia đình. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung, công tác điều trị và đề phòng lây nhiễm HIV/AIDS nói riêng. Do vậy, việc xét nghiệm HIV sớm là rất cần thiết giúp nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát và khống chế dịch HIV/AIDS, giảm số người nhiễm HIV”.
Vì vậy, mọi người cần làm xét nghiệm HIV sớm để biết về tình trạng sức khỏe của mình, giúp chủ động điều trị HIV nếu phát hiện dương tính cũng như dự phòng lây nhiễm HIV. Khi xét nghiệm và biết tình trạng nhiễm HIV sớm, người nhiễm bệnh sẽ được cán bộ y tế tư vấn, cung cấp các kiến thức, kỹ năng, phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV; được điều trị HIV kịp thời, giúp giảm chi phí thuốc men, chi phí khám, chữa bệnh và chi phí nằm viện, giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, lao động, học tập như những người bình thường khác, góp phần giảm khả năng lây truyền HIV trong cộng đồng.
Hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV vào năm 2030, tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; giám sát, rà soát ca bệnh, tiếp tục quan tâm công tác điều trị ARV cho tuyến huyện, hướng tới mục tiêu đưa 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV. Đặc biệt, tỉnh tăng cường xét nghiệm HIV trong cộng đồng, bảo đảm mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm bệnh.
Để công tác xét nghiệm HIV đạt hiệu quả cao, ngành y tế tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, tư vấn để người có nguy cơ lây nhiễm cao làm xét nghiệm HIV sớm; huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV; đào tạo, tập huấn cho các cán bộ y tế cơ sở thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tiếp cận, vận động các đối tượng nguy cơ cao tham gia xét nghiệm HIV/AIDS.
Thu Hiền