Sau cuộc nhậu kéo dài, bệnh nhân T.M.H. (nam, quê Sóc Trăng) bị đau quặn bụng, toát mồ hôi, cơ thể mệt mỏi, nằm liệt trên giường 5 ngày và không đi bệnh viện. Khi cảm thấy khỏe hơn, anh H. đi Vũng Tàu du lịch cùng gia đình, vừa đến nơi, các triệu chứng tái phát và trở nặng.
Anh rơi vào suy gan tối cấp, kèm biến chứng rối loạn đông máu. Người bệnh đau bụng, đại tiện ra máu đỏ tươi, da và mắt vàng sậm. Bệnh viện tuyến trước tiên lượng khả năng sống còn là 50%, thậm chí khả năng tử vong lên đến 90%, nếu không được điều trị kịp thời.
Ngay lập tức, một cuộc báo động đỏ và hội chẩn giữa khoa Cấp cứu và khoa Hồi sức tích cực và Chống độc diễn ra trong đêm. Kết quả xét nghiệm men gan cao hơn 40 lần cho phép, chỉ số bilirubin cao hơn 15 lần bình thường, chỉ số APTT (thời gian thromboplastin một phần hoạt hóa) khoảng 2.66 (bình thường <1).
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Duy Khương, khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, cho biết người bệnh được chẩn đoán suy gan tối cấp kèm biến chứng rối loạn đông máu trên nền bệnh gan mạn tính do rượu.
Tình trạng này khá ít gặp, bởi suy gan tối cấp thường khởi phát đột ngột dưới 7 ngày, chủ yếu do viêm gan siêu vi A, B hay dùng quá liều acetaminophen (paracetamol), thuốc kháng lao, độc chất. Trong khi ở bệnh nhân này nguyên nhân do rượu.
Nhiệm vụ khẩn cấp lúc này là thay huyết tương thể tích cao cho anh H. để bổ sung các yếu tố đông máu và loại bỏ bilirubin, chất độc phóng thích đột ngột vào cơ thể với số lượng lớn do tình trạng suy gan tối cấp có thể gây suy đa tạng và tử vong nhanh chóng. Mục đích của thay huyết tương thể tích cao là lấy độc chất khỏi máu, tạo điều kiện cho gan tự hồi phục.
Nếu không có nguồn huyết tương sẵn có từ những người hiến tặng, người bệnh đối diện nguy cơ phải ghép gan, trong khi nguồn hiến tạng khan hiếm, chi phí ghép gan cao…
Do đó, thay huyết tương thể tích cao được chỉ định cho người bệnh suy gan tối cấp hoặc suy gan tối cấp trên nền bệnh mạn tính. Trong khi, thay huyết tương với thể tích thông thường chỉ dành cho người mắc hội chứng Guillain-Barré, nhược cơ và một số bệnh tự miễn khác.
Bác sĩ Khương giải thích huyết tương là máu sau khi loại bỏ huyết cầu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), chứa các yếu tố đông máu, ở dạng chất lỏng trong suốt, màu vàng nhạt. Huyết tương chiếm 4%-6% trọng lượng cơ thể. Với thay huyết tương thể tích cao, 8 lít huyết tương được sử dụng, tương đương 15% trọng lượng cơ thể, gấp 2-3 lần thể tích của người bệnh, trong khi thay huyết tương thông thường chỉ khoảng 4 lít (gấp 1,5 lần).
Chính nhờ thể tích cao nên hiệu quả điều trị cho mỗi lần thay thế lên đến 85% (thay huyết tương thông thường chỉ khoảng 75%) phù hợp với những trường hợp khẩn cấp, khi lượng độc chất trong cơ thể tăng gấp nhiều lần bình thường như anh H., cần đưa các chỉ số về mức bình thường càng sớm càng tốt.
Để có đủ lượng huyết tương thể tích cao điều trị cho anh H., các bác sĩ phải lấy nguồn huyết tương thể tích cao từ 120 người hiến tặng trong ngân hàng huyết học để cứu người. May mắn, người bệnh đã được huy động đủ lượng huyết tương thay thế và được cứu sống.
Anh H. được thay 3 lần huyết tương thể tích cao, mỗi lần kéo dài khoảng 4 tiếng, cách nhau từ 24-48 tiếng do phải chờ độc chất từ các mô tế bào ngấm lại vào máu. Huyết tương sạch từ ngân hàng máu của bệnh viện, được lấy từ trên 120 người hiến máu khỏe mạnh (mỗi lần thay tương đương với hơn 40 người hiến), sẽ được bồi hoàn cho người bệnh.
Sau 3 lần thay huyết tương thể tích cao, gan của anh H. đã có dấu hiệu hồi phục, có thể đảm nhận lại chức năng vốn có. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp do tổn thương gan quá mức, diễn tiến nặng, điều trị muộn, gan đã không còn khả năng hồi phục, tỷ lệ tử vong gần như 100%, lúc này chỉ còn phẫu thuật ghép gan là "cứu cánh” cuối cùng cho người bệnh.
Khi sử dụng nhiều rượu bia, gan không thể chuyển hóa được hết acetaldehyde thành acetate, lượng acetaldehyde còn dư thừa không thể chuyển hóa sẽ ứ đọng và gây độc cho gan. Gan chỉ có thể dung nạp một lượng bia rượu nhất định, nhưng khi lượng bia rượu tăng lên sẽ dẫn đến rối loạn chức năng chuyển hóa của gan. Từ đó, gan giảm khả năng thực hiện các chức năng bình thường, xảy ra khi phần lớn tổ chức gan bị tổn thương và không có khả năng hoạt động.
Tùy vào tình trạng của mỗi ca bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Khi chỉ số bilirubin vượt mức 250μmol/L, người bệnh suy gan cấp cần được thay huyết tương càng sớm càng tốt, nếu không sẽ diễn tiến sang bệnh não gan, phù não, co giật, suy thận, biến chứng phổi, thậm chí tử vong.
(Theo NDO)