Bệnh viện hiện có quy mô 750 giường bệnh với 35 khoa/phòng và 9 đơn vị trực thuộc, được trang bị những thiết bị y tế hàng đầu như hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), máy cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy. Đây là điều kiện quan trọng giúp Bệnh viện triển khai các kỹ thuật y tế tiên tiến như phẫu thuật nội soi cột sống, thay khớp háng, điều trị đột quỵ não bằng tiêu sợi huyết và can thiệp mạch vành.
Một trong những kết quả nổi bật là năm 2024, Bệnh viện đã vinh dự nhận chứng nhận Gold Status - tiêu chuẩn vàng trong xử trí cấp cứu đột quỵ não do Hiệp hội Đột quỵ Thế giới trao tặng. Thành công này không chỉ là niềm tự hào của Bệnh viện mà còn ghi dấu những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt là Khoa Hồi sức - Chống độc.
Theo bác sĩ Chuyên khoa II, Nguyễn Văn Chúc - Trưởng Khoa Hồi sức - Chống độc, để đạt được chứng nhận danh giá này, tập thể Bệnh viện đã trải qua gần một thập kỷ xây dựng và phát triển hệ thống xử trí đột quỵ não, đặc biệt là sự hỗ trợ từ các chuyên khoa và sự quyết liệt chỉ đạo của ban lãnh đạo Bệnh viện.
Khoa đã không ngừng học hỏi, cải tiến để thực hiện tốt các kỹ thuật như: khoan sọ dẫn lưu não thất, mở nửa sọ giảm áp, đến các phương pháp hiện đại như tiêu huyết khối và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, đội ngũ y bác sĩ không ngừng học hỏi và cải tiến” - bác sĩ Nguyễn Văn Chúc cho biết.
Từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, các cán bộ, y bác sĩ Khoa Hồi sức - Chống độc luôn nhận được sự tin tưởng, ghi nhận của nhân dân. Trong lá thư cảm ơn gửi tới đội ngũ y bác sĩ Khoa, chị Nguyễn Thị Liên ở xã Minh Xuân, huyện Lục Yên không giấu được sự xúc động khi kể về hành trình vượt qua cơn nguy kịch của anh trai mình là anh Nguyễn Quang Lợi.
Cuối tháng 10 năm 2024, anh Lợi gặp tai nạn nghiêm trọng trên đường đi làm về gây chấn thương nặng vùng đầu, nguy kịch đến tính mạng khiến gia đình chị Liên gần như tuyệt vọng. Chị Liên kể: "Khi đó, gia đình tôi như rơi vào vực thẳm. Không chỉ đau đớn, chúng tôi còn đối mặt với khó khăn về kinh tế. Nhưng chính sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ đã giúp chúng tôi có thêm hy vọng”.
Tại Khoa Hồi sức - Chống độc, anh Lợi đã được đội ngũ bác sĩ, đặc biệt là các y bác sĩ, điều dưỡng tận tình cứu chữa; không kể ngày đêm, theo dõi sát sao từng chuyển biến sức khỏe của bệnh nhân. Chị Liên xúc động viết: "Nhờ sự tận tụy, chu đáo của các y bác sĩ và điều dưỡng, anh trai tôi đã vượt qua giai đoạn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định, điều mà chúng tôi không dám mơ tới”.
Với những nỗ lực không ngừng, năm 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã khám bệnh cho trên 161 nghìn lượt người, đạt 111% kế hoạch năm. Điều trị nội trú cho 40.495 lượt người bệnh, đạt 116% kế hoạch năm. Số ngày điều trị nội trú đạt gần 260 nghìn ngày, đạt 108% kế hoạch năm. Số lần phẫu thuật năm đạt 8.265 lượt, đạt 106% kế hoạch năm. Trong đó số lượt mổ cấp cứu chiếm 23%.
Bệnh viện đã xét nghiệm gần 1,2 triệu lần, chẩn đoán hình ảnh trên 246 nghìn lần, tổ chức tiếp nhận hiến máu tình nguyện 5,1 nghìn đơn vị. Cùng đó, đã triển khai 20 kỹ thuật mới, bao gồm: xét nghiệm HCV đo tải lượng Real Time-PCR; vi khuẩn kháng thuốc định lượng MIC; vi nấm nuôi cấy định danh hệ thống tự động; hồng cầu trong phân test nhanh; phẫu thuật u trung thất; Phẫu thuật nội soi khớp vai; phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng; kỹ thuật MIS.TLIF…
Bác sĩ Trần Lan Anh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái (ngoài cùng bên trái) trực tiếp đón bệnh nhân trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 9 năm 2024.
Cùng với đó, công tác đào tạo cán bộ và chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế tuyến dưới được triển khai rộng rãi; tổ chức nghiên cứu khoa học, với 23 nhiệm vụ khoa học và 7 sáng kiến được nghiệm thu. Trong hợp tác quốc tế, bệnh viện có các chương trình với Bệnh viện Yokosuka và Bệnh viện Veterans Busan, đồng thời tham gia dự án JICA với các khóa đào tạo tại Nhật Bản.
Nhằm xây dựng hình ảnh thân thiện, đồng hành cùng với bệnh nhân, Bệnh viện cũng phối hợp tổ chức 325 buổi sinh hoạt Hội đồng người bệnh cho 2.240 lượt bệnh nhân và người nhà, trong đó lồng ghép các nội dung hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ về chính sách xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh; duy trì "Gian hàng 0 đồng” tại Bệnh viện với trên 3.560 bộ quần áo hỗ trợ bệnh nhân; hỗ trợ 930 kg gạo, 400 suất cơm, gần 6.000 suất cháo, trên 15.000 suất bánh mì sữa… cho gần 13.000 lượt bệnh nhân với giá trị trên 129 triệu đồng. Bệnh viện cũng phối hợp tổ chức chương trình khám cho 240 trẻ tại các huyện, thị xã, thành phố; mời khám, hội chẩn và phẫu thuật miễn phí cho 100 trẻ khuyết tật tại Bệnh viện.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Lan Anh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển và hoàn thiện Đề án "Phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái trở thành Bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng”. Tiếp tục triển khai các kỹ thuật y học tiên tiến, mở rộng các dịch vụ chuyên khoa sâu, đồng thời tăng cường đào tạo cán bộ y tế, đặc biệt là các kỹ thuật viên, bác sĩ và nhân viên y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Chú trọng chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện, trạm y tế tuyến huyện và xã.
Bệnh viện sẽ tập trung vào nghiên cứu khoa học, phát triển các sáng kiến cải tiến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị chuyên đề để nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ. Tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh…
"Chúng tôi hiểu rằng, trách nhiệm của mình không chỉ là chữa bệnh mà còn là mang lại hy vọng và niềm tin cho bệnh nhân. Đó là sứ mệnh mà cả tập thể bệnh viện luôn ghi nhớ” - Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Lan Anh khẳng định.
Nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong chuyên môn, công nghệ, dịch vụ cùng với sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ và tầm nhìn chiến lược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái khẳng định là lá cờ đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Hoài Văn