Cúm A "nóng": Cẩm nang điều trị từng triệu chứng để nhanh hồi phục

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/2/2025 | 3:16:51 PM

Việc nhận biết và xử lý kịp thời từng triệu chứng sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng, tránh được những biến chứng không mong muốn.

Số ca mắc cúm tại nước ta gia tăng cục bộ, không có sự gia tăng đột biến
Số ca mắc cúm tại nước ta gia tăng cục bộ, không có sự gia tăng đột biến

Cúm A đang vào mùa cao điểm khi thời tiết chuyển sang đông - xuân. Nhiều người mắc bệnh với các triệu chứng như sốt cao, đau nhức toàn thân, ho, sổ mũi kéo dài, khiến cơ thể kiệt sức.

"Nỗi khổ của người bị cúm, đó là cảm thấy người đau mỏi, sốt, sổ mũi, ho, người mệt mỏi khó chịu. Vì những triệu chứng này, người bệnh cảm thấy rất nặng nề, mệt mỏi, mất hết năng lượng.

Tuy nhiên, phần lớn các triệu chứng này dần thoái lui, 80-90% bệnh nhân cúm không phải nhập viện điều trị, bệnh tự khỏi", BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ.

Làm thế nào để điều trị hiệu quả từng triệu chứng và nhanh hồi phục?

Sốt cao, đau nhức toàn thân

Sốt cao là một trong những triệu chứng đặc trưng nhất của cúm A, thường xuất hiện đột ngột và có thể lên tới 39-40⁰C. Đi kèm với sốt là cảm giác đau nhức cơ thể, uể oải, mệt mỏi kéo dài.

BS Thiệu cho biết: "Khi sốt trên 38,5 độ C, người bệnh có thể uống thuốc hạ sốt paracetamol theo liều lượng phù hợp.

Tuy nhiên, chỉ uống thuốc không thôi là chưa đủ, cần kết hợp với việc uống nhiều nước, đặc biệt là nước oresol để bù điện giải, giúp cơ thể giảm bớt tình trạng mất nước do sốt cao".

Bên cạnh việc uống thuốc, người bệnh nên chườm ấm ở trán, nách và bẹn để hỗ trợ hạ nhiệt. Trong thời gian sốt, cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh vận động mạnh.

Ho, đau rát họng

Ho và đau rát họng là triệu chứng thường gặp ở người nhiễm cúm A. Ho có thể kéo dài nhiều ngày, đặc biệt là ho khan hoặc ho có đờm loãng.

"Người bệnh nên súc miệng bằng nước muối sinh lý 2-3 lần mỗi ngày để sát khuẩn vùng họng. Các phương pháp tự nhiên như ngậm mật ong, uống trà gừng cũng giúp làm dịu cổ họng hiệu quả.

Nếu ho nhiều gây khó chịu, có thể sử dụng các loại thuốc ho thảo dược, nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc ho kháng sinh hoặc kháng viêm", BS Thiệu khuyến cáo.

Trong trường hợp ho dai dẳng trên một tuần, kèm theo đờm đặc, có màu vàng hoặc xanh, người bệnh cần đi khám vì có thể đã bị bội nhiễm vi khuẩn, cần điều trị bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định.

Sổ mũi, nghẹt mũi

Cảm giác nghẹt mũi, khó thở khi ngủ do cúm A gây ra khiến người bệnh vô cùng khó chịu.

Để cải thiện tình trạng này, BS Thiệu khuyên: "Việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày có thể giúp thông thoáng đường thở và hạn chế tình trạng dịch nhầy tích tụ.

Ngoài ra, người bệnh có thể xông hơi với tinh dầu bạc hà hoặc sả để giúp làm loãng dịch nhầy".

Nếu nghẹt mũi nặng, có thể sử dụng thuốc xịt mũi chống ngạt, nhưng BS Thiệu nhấn mạnh không nên dùng quá ba ngày để tránh gây lệ thuộc thuốc.

"Cần lưu ý, cúm A là bệnh do virus gây ra, nên kháng sinh không có tác dụng điều trị. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh trừ khi có chỉ định của bác sĩ khi có dấu hiệu bội nhiễm", BS Thiệu khuyến cáo.

Mệt mỏi, kiệt sức

Không chỉ gây sốt cao, cúm A còn khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức, uể oải trong nhiều ngày. Điều này không chỉ do virus tấn công mà còn do cơ thể mất nước và suy giảm sức đề kháng.

"Bệnh nhân nên ăn uống đầy đủ, ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, súp, cơm mềm. Nước cam, nước chanh chứa nhiều vitamin C cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn", BS Thiệu cho biết.

Ngoài ra, nghỉ ngơi đầy đủ là điều kiện quan trọng giúp cơ thể chống lại virus. Tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng và tuyệt đối không sử dụng rượu bia, cà phê trong thời gian mắc bệnh để tránh làm cơ thể mất nước và kéo dài thời gian hồi phục.

Có nên sử dụng Tamiflu để điều trị cúm A?

Nhiều người khi mắc cúm A vội vàng tìm mua Tamiflu, cho rằng đây là thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bác sĩ Thiệu khẳng định không phải ai bị cúm A cũng cần dùng Tamiflu.

"Tamiflu chỉ được chỉ định cho những người có nguy cơ cao bị biến chứng như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch.

Với những trường hợp cúm thông thường, việc chăm sóc đúng cách có thể giúp cơ thể tự khỏi sau 5-7 ngày mà không cần dùng thuốc kháng virus", BS Thiệu nhấn mạnh.

Tamiflu hiệu quả nhất nếu được sử dụng trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, vì vậy không nên tự ý sử dụng mà cần có chỉ định của bác sĩ.

Khi nào cần đến bệnh viện?

Phần lớn các trường hợp mắc cúm A có thể điều trị tại nhà, nhưng người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay nếu gặp phải các dấu hiệu nguy hiểm sau:

Sốt cao liên tục trên 39⁰C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Ho nhiều, khó thở, tức ngực, môi tím tái. Cơ thể suy kiệt, mất nước nghiêm trọng (khô môi, không tiểu tiện trong nhiều giờ).

Ở trẻ nhỏ: quấy khóc, bỏ bú, thở nhanh, da tái nhợt.

"Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm", BS Thiệu khuyến cáo.

(Theo DTO)

Các tin khác
Siêu máy CT Somatom Force VB30 hội tụ những công nghệ chụp CT đỉnh cao.

Máy chụp CT Somatom Force VB30 thế hệ mới tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh có tốc độ chụp nhanh, lát cắt siêu mỏng, tích hợp AI chọn vùng và hình ảnh sắc nét, phát hiện sớm các tổn thương nhỏ, hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực y học chính xác.

Bệnh nhân cúm phải nhập viện điều trị.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Sở Y tế các địa phương, các bệnh viện, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

Thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp” của Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và môi trường điều trị. Với những cải tiến toàn diện, Bệnh viện không chỉ trở thành địa chỉ tin cậy về chăm sóc sức khỏe mà còn mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân và người nhà.

Số lượng người dân đi tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang tăng cao là tín hiệu đáng mừng khi người dân chủ động quan tâm đến sức khỏe trước tình hình dịch cúm đang lan nhanh

Thời điểm này trên địa bàn tỉnh Yên Bái và cả nước, số ca mắc cúm mùa được ghi nhận gia tăng. Theo các bác sĩ, triệu chứng phổ biến là: sốt, đau đầu, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi, chảy nước mũi. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là trong phòng ngừa và điều trị cúm mùa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục