PV: Trước hết, xin cảm ơn bác sĩ đã tham gia cuộc trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái! Xin bác sĩ cho biết vì sao việc chuyển đổi số trong ngành y tế lại trở nên cần thiết và thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã ưu tiên thực hiện nền tảng quan trọng này như thế nào?
TS.BS Lê Thị Hồng Vân: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt cần thiết trong lĩnh vực y tế - nơi liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Việc ứng dụng công nghệ số giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; giảm tải thủ tục hành chính; tiết kiệm thời gian chờ đợi của người bệnh, tiết kiệm chi phí cho người dân và tăng hiệu quả quản lý điều hành trong ngành. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó từng bước xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chuyên môn. Đặc biệt, ngành đã tích cực triển khai các nền tảng quan trọng như: Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp lên ứng dụng VNeID, bệnh án điện tử, hệ thống quản lý khám chữa bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như kết nối cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia theo Đề án 06 của Chính phủ.
Đến nay, 100% đơn vị khám chữa bệnh công lập tuyến tỉnh đã công bố triển khai thành công bệnh án điện tử; 2/8 Trung tâm y tế huyện đã công bố triển khai thành công bệnh án điện tử là Trung tâm y tế huyện Yên Bình, Trung tâm y tế huyện Văn Yên; các Trung tâm y tế còn lại đang đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai bệnh án điện tử và hoàn thành trước ngày 30/9/2025 theo chỉ đạo tại Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái
PV: Từ việc tích cực ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích như thế nào cho các cơ sở y tế cũng như cho người dân trong công tác quản lý và khám chữa bệnh, thưa bác sĩ?
TS.BS Lê Thị Hồng Vân: Việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã mang lại nhiều thay đổi tích cực, cả trong công tác quản lý của ngành và chất lượng dịch vụ y tế cho người dân.
Về phía người dân có thể đăng ký khám bệnh từ xa, tra cứu thông tin sức khỏe, lịch sử khám chữa bệnh, nhận thông báo nhắc lịch tiêm chủng, quản lý bệnh mạn tính… thông qua các nền tảng số. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giảm thủ tục giấy tờ không cần thiết. Đặc biệt, nhờ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xác thực thông tin và sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT giấy ngày càng thuận lợi hơn.
Về phía cơ sở y tế, các phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, hệ thống LIS, PACS… đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng tính chính xác trong chẩn đoán và điều trị, giảm sai sót chuyên môn. Đồng thời, công tác thống kê, báo cáo, giám sát cũng được thực hiện nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả hơn. Những tiện ích này đã góp phần hiện đại hóa hoạt động ngành y tế, hướng đến mô hình bệnh viện thông minh.
PV: Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ngành y tế có những thuận lợi và khó khăn gì? Và ngành sẽ tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp gì để hướng tới việc chuyển đổi số toàn diện trong thời gian tới, thưa bác sĩ?
TS.BS Lê Thị Hồng Vân: Thực hiện chuyển đổi số trong y tế là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Thuận lợi lớn nhất là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hướng dẫn chuyên môn từ Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, nhận thức về chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ y tế từng bước được nâng cao, đặc biệt là ở các đơn vị tuyến tỉnh và một số trung tâm y tế tuyến huyện.
Tuy nhiên, ngành cũng gặp không ít khó khăn như: hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ giữa các tuyến, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa; Kho dữ liệu dùng chung ngành y tế chưa được hình thành nên việc kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh thường xuyên vào hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được.
Cùng với đó, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế còn chưa cao do người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt.
Trong triển khai bệnh án điện tử: Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và các máy móc, thiết bị y tế tại các đơn vị được mua sắm ở các thời điểm khác nhau, chưa đồng bộ dẫn đến việc kết nối khó khăn; trình độ, năng lực ứng dụng CNTT của cán bộ y tế không đồng đều, nhất là số cán bộ đã lớn tuổi. Ngoài ra, kinh phí triển khai CNTT chưa được tính toán vào cơ cấu giá dịch vụ y tế, không được bố trí từ ngân sách (các cơ sở y tế hiện vẫn đang tự bố trí từ các nguồn tự chủ).
Đối với hoạt động Khám chữa bệnh từ xa: Kết quả triển khai còn hạn chế do đầu tư hạ tầng, thiết bị đầu - cuối tốn kém, song chưa có cơ cấu giá đối với hoạt động này.
Nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin còn thiếu và chưa chuyên sâu;
Thời gian tới, ngành y tế tỉnh Yên Bái sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trong Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 – 2030, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung về chuyển đổi số của tỉnh và cả nước. Tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ và người dân về những lợi ích của việc chuyển đổi số mang lại. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế, thực hiện hiệu quả, nhanh gọn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế; thực hiện chất lượng và đúng lộ trình các mục tiêu, chỉ tiêu Đề án 06 của Chính phủ giao cho ngành Y tế thực hiện.
Ngành cũng tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện văn bản điện tử và chữ ký số trong hoạt động; xây dựng các giải pháp nhằm tăng tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng Kho dữ liệu dùng chung ngành y tế, quy định giá khám chữa bệnh từ xa, bổ sung nhân lực công nghệ thông tin ở những đơn vị còn thiếu. Tiết kiệm các nguồn lực để có kinh phí đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT và mua sắm các trang thiết bị Y tế mới, hiện đại, cấu hình cao, đồng bộ trong kết nối liên thông dữ liệu, hình ảnh.
PV: Vâng, xin cảm ơn bác sĩ đã tham gia cuộc trao đổi!
Thanh Chi (thực hiện)