Yên Bái khai trương cơ sở hạ tầng đô thị thông minh và triển khai nhiệm vụ công tác chuyển đổi số năm 2022

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/3/2022 | 12:14:19 PM

YênBái - Sáng 11/3, tỉnh Yên Bái đã chính thức khai trương hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh phục vụ công tác chuyển đổi số và tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác chuyển đổi số năm 2022.

Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh và kết nối trực tuyến tại 180 điểm cầu, với trên 2.500 đại biểu tham dự tại các huyện, thị xã, thành phố và các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung tâm tỉnh có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khai trương hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh phục vụ công tác chuyển đổi số.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy Yên Bái về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu chuyển đổi số năm 2022. 



Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng thành lập Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Chuyển đổi số của tỉnh.

Yên Bái chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột

Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy được ban hành thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đã đạt được kết quả nhất định. 

Việc hoàn thành và bắt đầu đi vào khai thác sử dụng Trung tâm Tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái (DC); Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng tỉnh Yên Bái (SOC); Hệ thống camera giám sát chung phục vụ giám sát an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay đã được triển khai tại 408 điểm; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Yên Bái triển khai tại 183 điểm cầu, kết nối từ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng cấp ủy, chính quyền cấp huyện và được mở rộng đến 173 xã trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã tập trung phát triển chính quyền điện tử, hạ tầng chính quyền số phục vụ hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet.

Tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 425 dịch vụ, đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 78,33%; 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Quá trình triển khai xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội số, tỉnh đã chú trọng thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh triển khai các nền tảng phục vụ chuyển đổi số. 

Tỉnh đã xây dựng và bước đầu đi vào vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP; hỗ trợ trên 100 doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Yên Bái; đưa 607 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, 42 sản phẩm OCOP lên sàn postmart.vn, 72 sản phẩm OCOP lên sàn voso.vn  và đã bán ra trên 6.200 đơn hàng.

Đến nay, 100% đơn vị cấp xã có băng rộng cáp quang; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94%; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng điện thoại thông minh đạt 94,7%. 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý giáo dục. 

100% cấp huyện có hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (telehealth) và là tỉnh thứ 6 trên cả nước triển khai thí điểm hệ thống telehealth đến cấp xã; triển khai một số nền tảng công nghệ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tỉnh xây dựng phần mềm Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 tỉnh Yên Bái nhằm cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh để người dân, doanh nghiệp truy cập, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời…

Chuyển đổi số nhanh, thiết thực, hiệu quả và thông minh hơn

Tại Hội nghị đã có 8 phát biểu tham luận và 24 ý kiến, kiến nghị đề xuất về kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đánh giá được những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn vướng mắc. Đồng thời cũng đã đề ra được một số giải pháp, bài học kinh nghiệm giúp cho tiến trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái được thực hiện nhanh hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, thông minh hơn…


Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu giải đáp làm rõ một số vấn đề liên quan công tác chuyển đổi số.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã giải đáp, làm rõ một số vấn đề liên quan về nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số; công tác đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số và giải đáp các ý kiến, kiến nghị liên quan đến Đề án Đô thị thông minh trong thời gian tới.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.


Chuyển đổi số giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, vấn đề cơ bản, quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh chính xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân bởi vì "Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt được trong thời qua. Với mong muốn tận dụng những thời cơ mang lại từ quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình hội nhập, là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù "đi sau”, nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác. Đặc biệt, người dân Yên Bái cũng đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Những kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái thời gian qua chính là kết quả của sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh với mong muốn bắt kịp xu thế và nắm bắt, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư mạng lại. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả bước đầu đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, quá trình chuyển đổi số tại tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, trở ngại nhất định, đó là: trình độ đội ngũ cán bộ, trình độ dân trí và khả năng tiếp cận chuyển đổi số của cán bộ, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, phát triển mô hình đô thị thông minh. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh trật tự… còn triển khai đơn lẻ, rời rạc; chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa khai thác được cơ sở dữ liệu liên ngành. Trong khi, yếu tố về công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đòi hỏi quá trình chuyển đổi số của tỉnh cần nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn, đồng bộ hơn và mang lại hiệu quả thực sự.


Quang cảnh Hội nghị.

Chuyển đổi số là một khâu đột phá của Đảng bộ tỉnh năm 2022

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho rằng, chuyển đổi số là nhiệm vụ mới và khó, đòi hỏi cần có định hướng đúng đắn, giải pháp đồng bộ, sát thực tế để tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới. 

Năm 2022, chuyển đổi số đã được xác định là một khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ tỉnh. Do vậy, để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về quan điểm, chủ trương và vai trò, vị trí, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa vào khai thác, sử dụng Dự án Trung tâm Điều hành xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm tỉnh Yên Bái, thuộc Đề án Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, chú trọng triển khai có hiệu quả các hạng mục về y tế thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh, thương mại điện tử… để người dân, doanh nghiệp sớm được thụ hưởng các thành quả trực tiếp từ Đề án, phấn đấu sớm đưa hạng mục thông tin chỉ đạo, điều hành vào hoạt động với mục tiêu giúp cho cấp có thẩm quyền có thể ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu lớn được cập nhật, tổng hợp, phân tích theo thời gian thực.

Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cho cấp sở, huyện, xã phường, trường học, doanh nghiệp; tích cực huy động, lòng ghép đa dạng các nguồn lực thực hiện chuyển đổi số; tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các tập đoàn, công ty viễn thông, công nghệ thông tin để tư vấn, hỗ trợ và cung cấp giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động, người dân về chuyển đổi số…, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. 

Đức Toàn - Quyết Thắng

Tags Yên Bái đô thị thông minh chuyển đổi số Nghị quyết số 51 Tỉnh ủy Yên Bái Trung tâm Điều hành chính quyền số kinh tế số xã hội số dịch vụ công thủ tục hành chính chỉ số hạnh phúc

Các tin khác
Hướng dẫn người dân mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử.

Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham quan, trải nghiệm thực tế những ứng dụng, tiện ích của thẻ điện tử công chức, viên chức tại thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thu Trang)

Với một tỉnh còn nhiều khó khăn, Yên Bái chủ trương chuyển đổi số theo cách “thông minh”. Trong đó, ưu tiên đầu tư và các ngành, lĩnh vực đã có sẵn dữ liệu đầu vào, “dễ làm trước, khó làm sau”, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh...

Ảnh minh họa.

Thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số năm 2022 và lộ trình đến năm 2025 của UBND huyện Yên Bình, đến nay, đã có 38 cơ quan, đơn vị trên địa bàn đăng ký thực hiện trên 50 công trình, phần việc thực hiện chuyển đổi số năm 2022.

Một nông dân được hướng dẫn niêm yết nông sản trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Postmart

Người dân sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng nền tảng số trong lĩnh vực thương mại điện tử, học trực tuyến, sức khỏe, dịch vụ công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục