Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 3-1, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình và kết quả kinh tế - xã hội năm 2022; phương hướng và nhiệm vụ năm 2023.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ đánh giá tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt dự báo. Trong khi đó, công việc thường xuyên ngày càng nặng nề hơn, phải xử lý nhiều vấn đề phát sinh và những tồn tại, yếu kém đã tích tụ từ lâu.
Tuy vậy, với phương châm hành động "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hoàn thiện chính sách về chuyển đổi xanh
Những chỉ tiêu nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội như thu ngân sách vượt 26,4% dự toán, tăng 13,8% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỉ USD, xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỉ USD.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 3,2 triệu tỉ đồng, tăng 11,2%. Có trên 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7 triệu lượt khách quốc tế. Hoàn thành và đưa vào sử dụng 310km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông…
Đáng chú ý, Chính phủ đã hoàn thiện đồng bộ chủ trương, chính sách để quản lý, sử dụng hiệu quả, phát huy nguồn lực tài nguyên, chuyển đổi xanh và chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Trong đó điểm nhấn là sửa đổi Luật đất đai trình Quốc hội để giải quyết kịp thời các bất cập, điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực đất đai, tài nguyên cho phát triển. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 884 quy định kinh doanh. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử được triển khai.
Đến nay, đã cấp gần 77 triệu căn cước công dân gắp chip điện tử cho công dân; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động. Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu (tăng 7 bậc so với năm 2021).
Từ kết quả đạt được năm 2022, trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.
Đó là bám sát các nghị quyết, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, luôn bình tĩnh, tự tin, chủ động, không điều hành giật cục. Nâng cao năng lực phân tích dự báo, chủ động kịch bản ứng phó, đồng bộ thống nhất trong chỉ đạo, hoàn thiện thể chế. Phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh…
Tỉ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%
Theo đó, 11 giải pháp được đề ra, trọng tâm tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc. Thực hiện công tác tinh giản biên chế…
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, trong đó phấn đấu tỉ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, nguồn lưới điện…
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ văn hóa, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đẩy mạnh hội nhập, thông tin truyền thông…
(Theo TTO)