Đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: "Để thanh niên là lực lượng xung kích, tiên phong tham gia vào quá trình CĐS, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã định hướng, xây dựng Chương trình hành động về CĐS gắn với một trong các nội dung của 3 phong trào hành động cách mạng và 3 chương trình đồng hành với thanh niên, đồng thời xác định đây là một trong những nội dung quan trọng xuyên suốt trong hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo đó, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tập trung triển khai Phong trào tuổi trẻ sáng tạo dựa trên nền tảng số, thay đổi phương thức tuyên truyền, triển khai các hoạt động của Đoàn, tạo tính lan tỏa rộng khắp, kết nối và chia sẻ như: số hóa các địa chỉ giáo dục truyền thống của Đoàn qua các công trình thanh niên, các cuộc thi công nghệ, các diễn đàn chia sẻ để khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu Tổ quốc…
Nhiều công trình, phần việc đã được đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh thực hiện gắn với CĐS. Thanh niên trở thành lực lượng tiên phong, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được thực hiện hiệu quả, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, nâng cao hiệu lực trong công tác quản lý, giáo dục của Đoàn.
Với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, trong năm 2022, hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia, Tỉnh đoàn Yên Bái đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thành lập tổ công tác chuyên trách về CĐS; các mô hình CĐS cộng đồng… nhằm hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán hàng hóa, dịch vụ không sử dụng tiền mặt, tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cài đặt sử dụng ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, YenBai-S…
Cùng với đó, công tác tuyên truyền qua các trang thông tin đại chúng, mạng xã hội đã được các cấp bộ Đoàn thực hiện hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực. Tỉnh đoàn duy trì 2 trang mạng xã hội; 100% các huyện, thị, thành đoàn, đoàn trực thuộc và 90% các cơ sở đoàn thành lập trang mạng xã hội chính thống để tuyên truyền về các hoạt động của Đoàn. Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến triển khai công việc hiệu quả, nhanh chóng và kịp thời.
Đặc biệt, qua triển khai phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên, đến nay 100% cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh đã được tập huấn triển khai và thực hiện đăng ký định danh cho gần 60.000 ĐVTN.
Qua đó, giúp số hóa toàn bộ dữ liệu đoàn viên, đồng thời thực hiện đầy đủ, đúng quy định các nghiệp vụ trong công tác Ðoàn và Phong trào thanh thiếu nhi.
Các chi đoàn, đoàn cơ sở thuộc Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã tham mưu với cấp ủy Đảng thành lập Câu lạc bộ CĐS nhằm đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị theo hướng hiện đại, hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực để làm được nhiều việc hơn, trong thời gian ngắn hơn với kết quả tốt hơn.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các chương trình hoạt động Đoàn hàng năm như: Tình nguyện mùa đông - Xuân tình nguyện; Tháng Thanh niên; Mùa hè xanh…, Tỉnh đoàn Yên Bái tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh thực hiện các chương trình trao tặng quà là máy tính, máy chiếu, các thiết bị điện tử, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng ở vùng sâu, vùng xa giúp người dân có thể tiếp cận với các thiết bị công nghệ, tạo nền tảng quan trọng trong công cuộc CĐS trên địa bàn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tỉnh đoàn đã phối hợp thực hiện hỗ trợ gần 70 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như trà quế, tinh dầu xả chanh, bột quế sạch, miến đao, khoai sọ…
Tháng Thanh niên năm 2023 có chủ đề: "Tuổi trẻ Yên Bái tiên phong CĐS”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã cụ thể hóa các nội dung hoạt động của các cấp bộ Đoàn hướng về các hoạt động như: nâng cao hoạt động của các tổ CĐS cộng đồng trong hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán hàng hóa, dịch vụ không sử dụng tiền mặt; chỉ đạo 100% các cấp bộ Đoàn đồng loạt ra quân tổ chức ngày hoạt động cao điểm tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến vào ngày 18/3; triển khai các nội dung liên quan đến số hóa các địa chỉ đỏ và đưa vào nội dung sinh hoạt chi đoàn, chi đội...
Thời gian qua, thanh niên Yên Bái có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, gắn liền với đời sống của nhân dân, mang tính cộng đồng cao, nhất là những vùng khó. Đặc biệt, qua các tổ chuyển đổi số (CĐS) cộng đồng, thanh niên Yên Bái thể hiện quyết tâm đi đầu trong lan tỏa kỹ năng số đến từng gia đình, cá nhân, góp phần đẩy nhanh quá trình CĐS phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ CĐS, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình xác định sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của người dân là điều kiện tiên quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao, sự vào cuộc của lực lượng thanh niên là thành tố quan trọng, tiên phong trong công tác CĐS. Thông qua các tổ CĐS cộng đồng, lực lượng thanh niên có nhiệm vụ đi đầu trong truyền tải kỹ năng số tới cộng đồng, dân cư.
Theo ông Phạm Đức Huy - Chủ tịch UBND thị trấn Thác Bà, từ năm 2022, UBND thị trấn đã thành lập 4 tổ CĐS cộng đồng với tổng số 20 thành viên. Có nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế số, xã hội số như: thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng, cài đặt ví điện tử, thanh toán hóa đơn, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số Việt Nam. Trong các tổ CĐS cộng đồng đều có từ 2 - 3 thành viên lứa tuổi thanh niên, có khả năng tiếp nhận, sử dụng thành thạo các ứng dụng trên nền tảng số, giữ vai trò quan trọng, có mặt mọi lúc, mọi nơi hướng dẫn người dân tiếp cận kỹ năng số".
Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của đoàn viên thanh niên, công tác CĐS tại thị trấn Thác Bà có chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ văn bản của UBND xã được ký số, tỷ lệ giao dịch trên Cổng Dịch vụ công được xác thực đạt 100%; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đạt 68,7%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được tập huấn, phổ biến kỹ năng số cơ bản đạt 72,4%; triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển dữ liệu dân cư, cung cấp dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả tích cực.
Với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, đoàn viên thanh niên trong các tổ CĐS cộng đồng tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến CĐS; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.
Anh Nguyễn Kim Cương - Bí thư Đoàn phường Đồng Tâm chia sẻ: "Phường hiện có 17 tổ CĐS cộng đồng với 155 thành viên, trong đó mỗi tổ đều có lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) làm nòng cốt. Thanh niên đã tiên phong trong huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS phường Đồng Tâm để "đi từng ngõ, gõ từng nhà” phổ biến nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân.
Việc triển khai, hướng dẫn sử dụng ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử Yên Bái” được ĐVTN phường tổ chức lồng ghép các hoạt động tình nguyện, hoặc phổ biến tại các buổi sinh hoạt chi bộ và sẵn sàng hướng dẫn trực tuyến khi có yêu cầu”.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đồng hành cùng người dân CĐS, ĐVTN phường Đồng Tâm đã góp phần thay đổi nhận thức về CĐS. Năm 2022, phường Đồng Tâm có tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được tập huấn, phổ biến kỹ năng số cơ bản đạt 100%; tạo 3.450 tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho người dân, bằng 223% chỉ tiêu giao; người dân được cấp tài khoản định danh điện tử đạt 4.033/10.405 công dân. Đặc biệt, số người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đạt 6.631/7.114 người; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thanh toán tiền điện, tiền nước không dùng tiền mặt đạt 2.848/3.742 hộ.
Theo anh Phạm Ngọc Văn - Phó Bí thư Thành đoàn Yên Bái, với lợi thế đội ngũ tuyên truyền đông đảo, tham gia nhiều hoạt động có tính cộng đồng cao, cộng thêm khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại thông qua các thiết bị công nghệ và môi trường mạng đã giúp thanh niên thuận lợi trong thực hiện CĐS tại cộng đồng. Phát huy thế mạnh của tuổi trẻ, Thành đoàn Yên Bái đã thành lập thêm các tổ công tác chuyển đổi số (CĐS) của thanh niên với 60 thành viên và chỉ đạo 100% các cơ sở thành lập các tổ CĐS để chủ động hơn nữa trong các hoạt động. Hiện tại, Thành đoàn tập trung toàn lực để hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng ứng dụng Công dân số Yên Bái với mục tiêu hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn sử dụng cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/3.
Khẳng định lợi thế là lực lượng trẻ tuổi, có tri thức, có khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng mới, xử lý các nền tảng số thông qua các thiết bị công nghệ và không gian mạng, thanh niên Yên Bái đã và đang là lực lượng tiên phong trong CĐS tại cộng đồng.
Xác định chuyển đổi số (CĐS) vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội của thanh niên để phát triển, làm việc, cống hiến, khẳng định mình, góp phần xây dựng và phát triển quê hương, người trẻ Yên Bái đang tích cực học tập, rèn luyện để làm chủ công nghệ thông tin, ghi dấu ấn với nhiều mô hình hay, cách làm ấn tượng gắn với CĐS để lan tỏa trong cộng đồng.
Nhạy bén với công nghệ mới, chị Nguyễn Thùy Trang ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã sử dụng hệ thống nước tưới tự động thông minh với 30 vòi xoay tự động cho mô hình trồng trên 60 gốc bưởi của gia đình.
Chị Trang cho hay: "Từ khi lắp đặt thiết bị điều khiển từ xa qua ứng dụng Internet vào hệ thống tưới cây, công việc tưới nước cho vườn bưởi trở thành công đoạn nhàn hạ nhất trong quá trình chăm sóc. Dù ở xa vườn nhưng chỉ cần một cái chạm tay qua màn hình điện thoại là tôi có thể điều khiển việc mở và đóng hệ thống tưới nước cho vườn bưởi. Vô cùng tiết kiệm và tiện lợi”.
Cùng với bắt nhịp tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tiệm cận hơn với nền nông nghiệp thông minh, nhiều thanh niên Yên Bái đã và đang ứng dụng nền tảng số trong lĩnh vực du lịch bằng việc đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, đưa các tài nguyên du lịch trong tỉnh đến được với mọi du khách trong và ngoài nước một cách dễ dàng nhất.
"Hello Mù Cang Chải” của đoàn viên Giàng A Dê tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải là một trong những mô hình như thế. Chàng trai người Mông Giàng A Dê bằng nghị lực, đam mê và tinh thần xung kích của tuổi trẻ đã quảng bá thương hiệu của Homestay Hello Mù Cang Chải đến du khách thông qua đăng tải hình ảnh trên nhiều trang web du lịch như: Agoda, Trivago, Vietnambooking, Traveloka cùng hệ thống đặt tour tự động mang đến sự tiện lợi, thoải mái cho khách hàng. Hay công trình mã hoá di tích lịch sử Kế Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cũng là một trong những cách làm hay khi ứng dụng công nghệ số để giới thiệu điểm đến, nâng cao trải nghiệm cho du khách tới tham quan "địa chỉ đỏ” của tuổi trẻ Trạm Tấu.
Anh Giàng A Tạng - Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu giới thiệu: "Với mô hình gắn mã QR-Code cho địa chỉ đỏ, người dân, du khách chỉ cần mang theo một chiếc điện thoại thông minh để quét mã QR-Code thì mọi thông tin cơ bản về hoàn cảnh ra đời, diễn biến, ý nghĩa lịch sử và quá trình công nhận của di tích sẽ hiện ra đầy đủ nhất. Với sự nhanh chóng, tiện lợi từ việc ứng dụng công nghệ số không chỉ góp phần tiết kiệm kinh phí trong tuyên truyền, quảng bá văn hoá, du lịch tại các địa chỉ đỏ mà còn mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, mới mẻ, tiện lợi”.
Luôn phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện tham gia CĐS, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã thành lập tổ công tác chuyên trách về CĐS, đoàn cơ sở các phường, xã thành lập đội hình CĐS cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán hàng hóa, dịch vụ không sử dụng tiền mặt, tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”.
Đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, Tỉnh đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh đã triển khai ứng dụng số i-HR trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên. Hình thức này đã tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng lao động tiếp cận, kết nối nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, nguồn thông tin đa dạng.
Cán bộ đoàn giới thiệu, triển khai ứng dụng số i-HR trên địa bàn huyện Lục Yên thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia tìm hiểu.
Đồng thời giúp các cơ sở giáo dục - đào tạo và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tuyển sinh, tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp; giúp đoàn viên, thanh niên tiếp cận thông tin, tìm kiếm việc làm phù hợp với yêu cầu của xã hội và các nhà tuyển dụng lao động. Những mô hình hay, công trình ý nghĩa gắn với CĐS, hướng về cộng đồng và phát huy hiệu quả trong thực tế, tuổi trẻ Yên Bái đã và đang bám sát những chuyển biến mới từng giờ, từng ngày trong lộ trình CĐS, đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại 4.0.
Bài: Thu Trang - Hoài Văn - Thanh Chi
Ảnh: PV-CTV-Tư liệu
Đồ họa: Thành Trung