Yên Bái tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/12/2023 | 3:54:36 PM

YênBái - Chiều 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; các đồng chí tổ phó, thành viên Tổ công tác và Tổ giúp việc Tổ công tác Đề án 06; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố… 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một Đề án có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao, bởi vì chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. Có thể nói, một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06. 

Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ rõ, để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đến năm 2025, phía trước còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai; có những việc nhìn thấy "nguy cơ" khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.

Đề án 06 có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Qua 2 năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn như: 38/53 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình, việc thực hiện dịch vụ công thiết yếu hàng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước trên 2.500 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, 100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 84,7 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật; hơn 70 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp… Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.


Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá thực chất những kết quả đạt được trong 2 năm qua; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương. Đồng thời, nêu những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện; đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Đối với tỉnh Yên Bái, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân, tỉnh đạt được một số kết quả nổi bật. Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ Công của tỉnh với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử trên hệ thống Cổng DVC của tỉnh; đứng thứ 12/63  tỉnh về bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Yên Bái cũng là địa phương hoàn thành trước thời hạn công tác cấp CCCD, hoàn thành nhập dữ liệu hộ tịch trên nền CSDLQG về dân cư trước thời hạn 14 tháng. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trong 2 năm đạt 71,43%, trong đó một số thủ tục đạt tỷ lệ 100%.

Tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động của 179 mô hình điểm hướng dẫn dịch vụ công để hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC thông qua môi trường số; triển khai thực hiện 16/21 mô hình Đề án 06.
Đến tháng 12/2023, Công an tỉnh đã thu nhận, cấp mới trên 90% CCCD cho công dân đủ 14 tuổi trở lên, thu nhận trên 550 nghìn tài khoản định danh điện tử, tỷ lệ 140%; kích hoạt trên 400 nghìn tài khoản, tỷ lệ 103,1%..

Tuy nhiên, Yên Bái là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Do đó, quá trình tổ chức thực hiện Đề án 06, bên cạnh những thuận lợi, thì tỉnh Yên Bái cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. 

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06 trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện đối với 25 DVC thiết yếu và các dịch vụ theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo lực lượng Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa tiến hành làm sạch dữ liệu của các ngành, các cấp, phục vụ hiệu quả công tác đồng bộ và kết nối chia sẻ dữ liệu. 

Đồng thời, tập trung, đẩy mạnh các DVC trực tuyến toàn trình, một phần, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC. Đặc biệt, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về Đề án, tham gia tích cực, kết nối, khai thác hiệu quả các tiện ích, ứng dụng điện tử trong thực hiện Đề án, giải quyết TTHC...

Thanh Chi – Hoài Văn

Các tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải Nhất lĩnh vực Công nghệ số cho các tác giả

20h tối nay 20/12, tại Nhà hát lớn Hà Nội diễn ra lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023. Năm nay, giải nhất lĩnh vực công nghệ số thuộc về phần mềm số hóa và mô phỏng DKS - SINOVA.

“Lớp học không biên giới” sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi kiến thức của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái với học sinh Trường THCS Pungsaeng, Hàn Quốc.

Xây dựng xã hội học tập là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời, nâng cao trình độ học vấn, kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Cán bộ Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên hướng dẫn người dân xã Ngòi A sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bắt nhịp sự lên ngôi của thanh toán điện tử, thời gian qua, độ “phủ sóng” của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm đã trở nên rất phổ biến và được đông đảo người tiêu dùng Yên Bái ưu tiên lựa chọn.

Đoàn viên thanh niên phường Đồng tâm hỗ trợ các tiểu thương trên địa bàn cài đặt ứng dụng thanh toán không sử dụng tiền mặt.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 228 về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số (KTS) giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục