Bài dự thi "Vì một Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” lần thứ III năm 2023 – 2024

Chuyển đổi số vì cuộc sống hạnh phúc- Bài 1: Từ khởi động đến đột phá

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/2/2024 | 10:07:17 AM

YênBái - Xác định chuyển đổi số (CĐS) là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện là nền tảng để kiến tạo, thúc đẩy kinh tế phát triển, sau hơn 2 năm khởi động và tích cực tiến công, đến nay, công cuộc CĐS của tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều chỉ số của tỉnh đang ngày càng tăng, trở thành những dấu mốc tích cực mang tính đột phá trong hành trình CĐS. Đó là kết quả xứng đáng từ sự chỉ đạo sát sao, điều hành linh hoạt, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Đức Duy dự Ngày hội Chuyển đổi số tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Đức Duy dự Ngày hội Chuyển đổi số tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nên thực hiện CĐS đối với tỉnh Yên Bái những ngày đầu tiên khó khăn nhiều hơn thuận lợi.Xác định CĐS chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, Yên Bái đã tìm ra cách làm riêng khi đưa nhận thức về CĐS thành hành động cụ thể. 

CĐS "về tận địa phương, tới từng người dân”

Chiến lược "về tận địa phương, tới từng người dân" đã được tỉnh tích cực triển khai thời gian qua. CĐS bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm. Để người dân tham gia vào quá trình CĐS và thụ hưởng tối đa tiện ích do CĐS đem lại, tỉnh đã quan tâm phát triển hạ tầng số với việc tạo ra những tiện ích trên nền tảng số, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận. 

Hiện, toàn tỉnh có 142 điểm phục vụ bưu chính đảm bảo cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một phần công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. 

Mạng thông tin di động đường truyền băng rộng đã được đầu tư phát triển đến 100% xã, phường, thị trấn, phủ sóng 4G đạt 98,1% địa bàn. Yên Bái cũng là một trong các địa phương đầu tiên trên toàn quốc có dịch vụ mạng di động 5G, đạt 33% địa bàn. 

Cùng với duy trì hoạt động của 7 mô hình CĐS, trong năm 2023, tỉnh đã riển khai thí điểm mới 5 mô hình CĐS là: hợp tác giữa doanh nghiệp viễn thông với tổ CĐS cộng đồng trong việc phát triển khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; an toàn cho hệ thống thông tin cấp xã; truy cập Internet an toàn trong trường học; phát triển kinh tế số, xã hội số xã Suối Giàng; mô hình "Bình dân học AI".

Năm 2023, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn được lựa chọn là mô hình phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với phát triển du lịch. Là xã vùng cao,gần 100% là đồng bào Mông, trình độ dân trí chưa đồng đều, địa hình chia cắt; trình độ về công nghệ thông tin của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, hạ tầng thông tin, trang thiết bị chưa đảm bảo với yêu cầu nên quá trình CĐS gặp nhiều khó khăn. Song với sự đồng hành, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị các cấp, sự quyết tâm nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương, đến nay, Suối Giàng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã CĐS. 

Chủ tịch UBND xã Lường Văn Tâm thông tin: "7/7 thôn, bản của xã đã có dịch vụ Internet băng rộng, dịch vụ 4G đạt chất lượng tốt. 100% văn bản điều hành được ban hành trên môi trường điện tử với 99% văn bản điện tử ký số, 100% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử, phần mềm điện tử hàng tháng, 6/15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, có các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử. Trên 60% người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng để giao dịch thanh toán…”. 

Được cán bộ xã hướng dẫn và cung cấp các thông tin, tiện ích của CĐS, với chiếc điện thoại thông minh đã được kết nối Internet, anh Sổng A Cha, thôn Giàng B, xã Suối Giàng đã biết tích hợp các tính năng của căn cước công dân, định danh điện tử khi đến giao dịch tại Bộ phận Phục vụ hành chính công của xã. Anh Cha chia sẻ: "Toàn bộ thủ tục đều được giải quyết trên hệ thống phần mềm nên rất thuận tiện cho nhân dân khi đến giao dịch…”.

Đến nay, người dân Yên Bái đã cảm nhận rõ về những lợi ích mà CĐS mang lại trên mọi mặt của đời sống xã hội. Người người, nhà nhà áp dụng CĐS vào cuộc sống từng ngày, từng giờ. CĐS góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, mang đến các trải nghiệm dịch vụ công - tư qua môi trường số thiết thực nhất.


Phụ nữ dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải tìm hiểu về chuyển đổi số qua điện thoại thông minh.

"3 được” về CĐS 

Cách làm của tỉnh theo phương châm "vết dầu loang”, từ mô hình thí điểm mang lại hiệu quả, việc CĐS của tỉnh Yên Bái đã lan tỏa và hiện diện trong mọi mặt đời sống xã hội. Cuộc cách mạng CĐS với các phong trào thi đua thiết thực, các chiến dịch đưa người dân trở thành những công dân số đã diễn ra sôi nổi trên toàn địa bàn. 

Văn Yên - địa phương được chọn là mô hình điểm CĐS cấp huyện đã xác định phải CĐS từ cơ sở, từ các thôn, bản xa xôi nhất để khơi nguồn động lực, tiếp sức cho các thôn, xã trong toàn huyện. Với cách làm sáng tạo từ chiến dịch phát triển công dân số "Từ khu phố tới bản làng”; xây dựng mô hình điểm "Cơ quan CĐS”; Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn; nhà văn hóa số, mô hình "Tiết học CĐS” ; mô hình "5.000 cha mẹ học sinh thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình”, Bộ phận phục vụ hành chính công số…, Văn Yên đã thành điểm sáng và là 1 trong 17 tập thể thuộc các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước và là huyện duy nhất của tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Đề án 06

Là lực lượng nòng cốt tham gia hỗ trợ người dân, cộng đồng từng bước tham gia vào công cuộc CĐS, thời gian qua, tuổi trẻ Yên Bái đã tích cực tham gia phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo dựa trên nền tảng số”, thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, triển khai các hoạt động của Ðoàn, tạo ra sự kết nối và chia sẻ. 

Anh Đặng Hùng Mạnh - Bí thư Đoàn phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho hay: "Tổ thanh niên xung kích CĐS phường luôn tích cực vận động, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số như: VssID, thanh toán điện tử, Yên Bái - S, các ứng dụng phòng, chống dịch bệnh…, lan tỏa những thông tin hữu ích, tích cực đến người dân. Đồng thời phối hợp, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm OCOP của thanh niên tại địa phương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…”.

Từ việc xác định mô hình CĐS, hoàn thành thí điểm và từng bước nhân rộng, Yên Bái đã biến CĐS từ chỗ "mù mờ” thành một việc "hiểu được”, nghĩa là có các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; "thấy được” nghĩa là có cách làm, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng; và "sờ được” nghĩa là kết quả được đo đếm dựa trên số liệu từ hệ thống. 

Đây là cách làm "3 được” về CĐS của Yên Bái trong những ngày đầu tiên khi thực hiện chủ trương số hóa quốc gia của Chính phủ. Và đến nay, CĐS đã đến rất gần với người dân, trở thành phong trào thi đua, đem lại nhiều tín hiệu tích cực, mang đến cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân Yên Bái. 

Với huyện vùng cao Mù Cang Chải - một trong những huyện nghèo nhất cả nước, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, năm 2023, huyện xác định là năm bứt phá về nhận thức, tư duy về CĐS. Theo đó, 100% lãnh đạo UBND và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo được quy hoạch của UBND các xã, thị trấn đều tham gia các lớp tập huấn để nâng cao tư duy, nhận thức về CĐS. Từ đó, đưa ra các quyết định trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu về CĐS trên địa bàn. Hiện, toàn huyện đã cấp 44.016/46.155 thẻ căn cước công dân, đạt tỷ lệ 95,4%; thu nhận 23.241/44.016 tài khoản định danh điện tử, đạt 52,8%.

Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố của Yên Bái đã thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS; 100% tổ CĐS cộng đồng đã được thành lập tại các xã, thôn, tổ dân phố. 

Hành trình CĐS của tỉnh Yên Bái đang lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ khu phố đến các bản làng vùng sâu, vùng xa. Người dân đã nhận thức đúng về CĐS, dần thay đổi thói quen để giải quyết các vấn đề theo cách thuận tiện, nhanh chóng, thiết thực, phục vụ lợi ích cho chính mình và cộng đồng. 

Phong trào CĐS với nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt đang được các địa phương thi đua thực hiện..., góp phần đưa công tác CĐS của Yên Bái từng bước đi vào thực chất, để người dân có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Thanh Chi
(Bài 2: Nét chấm phá trên "Hành trình số”)

Tags Yên Bái chuyển đổi số công dân số kinh tế số xã hội số doanh nghiệp tổ chuyển đổi số cộng đồng

Các tin khác
Người dân xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải đến Bộ phận Phục vụ hành chính công xã để giải quyết thủ tục hành chính.

Thời gian qua, Trung tâm Hành chính công (HCC) tỉnh đã tập trung hướng dẫn, yêu cầu công chức, viên chức các ban, sở, ngành làm việc tại Trung tâm thực hiện đầy đủ quy trình số hóa hồ sơ, kết quả trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Người dân đến giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện

Thời gian qua huyện Lục Yên đã đẩy mạnh hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử.

Lãnh đạo Sở TTTT trao giấy khen cho các phòng văn hóa và thông tin cấp huyện đã có thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ năm 2023.

Trong năm 2023, ngành thông tin- truyền thông Yên Bái đã hoàn thành 8/8 nhiệm vụ được giao theo Chương trình hành động số 135 của Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 02 của UBND tỉnh, trong đó có 5 nhiệm vụ trên các lĩnh vực chuyển đổi số.

Chiều 25/1, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết 2 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục